Ly kỳ bóng đá thế giới: Chiến thắng bị lãng quên của 'kẻ vô dụng' Mỹ

Tây Nguyên
Tây Nguyên
02/04/2020 08:41 GMT+7

Trong lịch sử bóng đá Anh, thất bại khó tin trước Mỹ ở vòng chung kết World Cup 1950 có thể xem là nỗi buồn lớn nhất lịch sử, vì lúc ấy tuyển Anh được gọi là “vị vua”, còn các cầu thủ Mỹ được đánh giá là “những kẻ vô dụng”.

Kẻ vô dụng

Đó là một trận đấu World Cup có kết quả đáng kinh ngạc và được mệnh danh là sự thần kỳ trên thảm cỏ xanh. Ngày 29.6.1950, một nhóm cầu thủ nghiệp dư người Mỹ đã đánh bại tuyển Anh ở Belo Horizonte (Brazil). Đội thua dĩ nhiên không muốn nhắc đến thất bại tủi hổ của mình; nhưng lạ thay, đội bóng làm nên chiến thắng chấn động thế giới cũng chẳng màng đến nó. Đến mãi 60 năm sau, người Mỹ mới lục lại và đem khoe trận đấu ấy để “dọa” tuyển Anh khi hai đội đụng độ tại World Cup 2010 ở Nam Phi.
Đến World Cup 1950, tuyển Anh được gọi là “King of football” (Vua bóng đá) với thành tích 23 trận thắng, 4 thua và 3 hòa kể từ khi Thế chiến thứ hai kết thúc. Các thành viên của đội bóng đến từ xứ sở sương mù là những cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp ưu tú nhất ở các giải đấu hàng đầu trong nước. Tuyển Anh cũng đã chứng tỏ sức mạnh với chiến thắng thuyết phục 2-0 trước Chile ở lượt trận đầu vòng bảng. Ngược lại, người Mỹ đã thua 7 trận đấu quốc tế gần đó nhất và triệu tập vội vàng cho đủ quân số chỉ vài ngày trước khi đến Brazil.
Tuyển Mỹ khi đó đã trở thành một trò cười trên các mặt báo với những cầu thủ làm nghề rửa chén, đưa thư, giáo viên, tài xế, công nhân... Liên đoàn Bóng đá Mỹ đã phải nài nỉ các ông chủ nơi các cầu thủ đang làm việc cho phép họ lên tuyển. Tờ The Belfast Telegram (Bắc Ireland) mô tả tuyển Mỹ là một nhóm người không có hy vọng đến từ nhiều vùng đất. Một số tờ báo khác của Anh gọi họ là đội bóng kỳ lạ nhất từng được thấy tại World Cup, thậm chí coi họ là “những kẻ vô dụng”. Mỹ khởi đầu World Cup 1950 với thất bại 1-3 trước Tây Ban Nha.
Vào thời điểm trước trận đấu diễn ra tại Belo Horizonte, các nhà cái đã đưa ra tỷ lệ cược 3-1 cho Anh giành chức vô địch World Cup 1950, còn tuyển Mỹ là… 500-1. Ai cũng nghĩ về một chiến thắng dễ dàng của người Anh khi họ có cầu thủ ngôi sao Stanley Matthews, người được coi là xuất sắc nhất thế giới vào thời điểm đó. Bản thân HLV tuyển Mỹ mới được bổ nhiệm trước giải, Bill Jeffrey, cũng thừa nhận: “Chúng tôi không có cơ hội”.

Chiến thắng để đời bị… lãng quên

Trận đấu bắt đầu. Người Mỹ chỉ biết “đổ bê tông” trước khung thành, còn tuyển Anh ào ạt tấn công ngay sau tiếng còi khai cuộc. Thủ môn tuyển Mỹ Frank Borghi, một cựu cầu thủ ở giải nghiệp dư và bấy giờ đang làm nghề lái xe tang ở St.Louis, đã phải xoay như chong chóng trong khung thành để chặn hàng loạt cú sút của tuyển Anh. Tuy nhiên, khoảng 7 phút trước khi kết thúc hiệp 1, Mỹ gây sốc với bàn mở tỷ số bằng pha đánh đầu chìm của Joe Gaetjens, một du học sinh đến từ Haiti. Tuyển Anh áp đảo với hàng loạt cú sút cầu môn trong suốt hiệp 2, nhưng bóng không thể vượt qua đôi tay của gã tài xế lái xe tang. “Những kẻ vô dụng” đã đánh bại “Vua bóng đá” với tỷ số 1-0 và họ ăn mừng như thể vừa đoạt chức vô địch thế giới.
Hơn 30.000 người hâm mộ Brazil trên khán đài cũng ăn mừng điên cuồng, bởi một trận thua của người Anh có thể giúp đội bóng của họ có nhiều cơ hội lên ngôi vô địch thế giới trên sân nhà. Trong khi đó, người hâm mộ bóng đá Anh sửng sốt, không thể tin tuyển Mỹ đã đánh bại họ, chuyện mà những người hay đùa nhất cũng không tưởng tượng nổi. Thậm chí khi kết quả trận đấu được gửi về, một số biên tập viên báo chí ở London cho rằng đó là lỗi đánh máy nên họ in tỷ số 10-1 hoặc 10-0 nghiêng về Anh.
Điều lạ là trong khi thế giới bóng đá đang xôn xao về thất bại chấn động của tuyển Anh, thì tại Mỹ, chiến thắng thần kỳ ở Belo Horizonte hầu như không tạo ra một gợn sóng dư luận nào. Chỉ có một nhà báo người Mỹ tới Brazil dự World Cup 1950 là Dent McSkuration của tờ St.Louis Post-Dispatch, bằng cách tự bỏ tiền túi vì tờ báo của anh không đài thọ. Nhà báo này mô tả chiến thắng của người Mỹ như thể Đại học Oxford (Anh) gửi một đội bóng chày đến và đã đánh bại đội Yankees (một đội bóng chày trứ danh của Mỹ). Tại sao câu chuyện “David” và “Goliath” tuyệt đẹp lại bị “ngó lơ”? Đó là vì bóng đá chưa nhận được sự quan tâm của người hâm mộ Mỹ như bóng bầu dục, bóng chày hoặc bóng rổ.
Cú sốc thua Mỹ đã khiến tuyển Anh sa sút tinh thần và bị Tây Ban Nha đánh bại 1-0 ở lượt trận cuối, phải xách va li về nước. Còn người Mỹ cũng thua Chile 2-5 ở trận cuối và bị loại. Gaetjens, người ghi bàn thắng trong trận đấu không tưởng, sau đó chơi cho một số đội bóng châu Âu trước khi trở lại Haiti. Ông bị bắt cóc và sát hại trong tù trong bối cảnh cuộc tranh chấp chính trị của chế độ Tổng thống François Duvalier ở Haiti. Phải mất 16 năm sau, Anh mới giành được chức vô địch World Cup đầu tiên và duy nhất cho đến nay. Trong khi đó, bóng đá Mỹ thậm chí không xuất hiện tại World Cup cho đến năm 1990. Vào ngày 12.6.2010, hai đội đã gặp lại nhau tại World Cup ở Rustenburg (Nam Phi). Đó là trận bóng đá được xem nhiều thứ 5 trong lịch sử Mỹ và kết thúc với tỷ số 1-1.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.