4 giờ đồng hồ sau thông báo chia tay Lionel Messi của Barcelona, tờ AS phát hiện một thông tin thú vị. Không một cầu thủ Barca nào, từ Gerard Pique, Jordi Alba, Sergio Busquets,... đến các tài năng trẻ như Pedri, Ansu Fati đăng tải thông điệp tạm biệt Messi.
Đến thời điểm này, chỉ hai cầu thủ nói lời tri ân và tạm biệt Messi, đó là Cesc Fabregas và Carles Puyol. Cả hai đều là đồng đội cũ của Messi, không còn khoác áo Barcelona.
Sự im lặng của các cầu thủ Barcelona là tín hiệu bất thường. Theo lẽ tự nhiên, cầu thủ vĩ đại nhất lịch sử CLB phải nhận được sự yêu thương và tôn trọng, thay cho sự im lặng khó hiểu đang bao trùm cả sân Nou Camp.
“Điều này khiến những thông báo từ Barcelona trở nên đáng hoài nghi. Các cầu thủ là người hiểu rõ nhất vấn đề, nên sự im lặng của họ cần được xem xét”, AS bình luận.
|
Cũng nhắc lại trong chiều nay (8.6), chủ tịch CLB Barcelona Joan Laporta khẳng định không còn cơ hội để Messi ở lại: “Chúng tôi không muốn gieo những ảo tưởng sai lầm. Tôi đã gọi các cầu thủ để nói rằng đừng mong Messi trở lại. Đây là thời khắc lịch sử của CLB”.
Cũng theo Laporta, Messi và Barcelona sớm đạt sự đồng thuận về bản hợp đồng từ trước. “Cậu ấy không làm khó CLB. Messi yêu Barcelona, đây là nhà của cậu ấy”, Laporta chia sẻ.
Xuyên suốt cuộc họp báo, người đứng đầu Barcelona nhắc đi, nhắc lại một luận điểm: Barcelona và Messi không muốn chia tay, nhưng La Liga ép họ phải làm thế.
Theo luật công bằng tài chính (FFP) do Chủ tịch Javier Tebas của La Liga và các cộng sự ban hành, các CLB phải giải quyết triệt để nợ lương của cầu thủ, không được để quỹ lương phình quá giới hạn, đồng thời chỉ được chi tiêu 25% tổng số doanh thu.
Nói cách khác, muốn tiêu 1 đồng, Barcelona phải kiếm được 4 đồng.
|
Barcelona đang gánh khoản nợ 1,173 tỉ euro. Mức lương của cầu thủ là 443 triệu euro/năm, vượt quá 110% con số cho phép. Barcelona đã thanh lý 7 cầu thủ, thuyết phục thành công Messi giảm 50% lương, song vẫn chưa đáp ứng yêu cầu của La Liga.
Do hầu hết các cầu thủ hiện tại của Barcelona không rời đi (vì hưởng lương quá cao), cũng không chấp nhận giảm lương nên Barcelona không còn chỗ trống để điền vào khoản lương của Messi.
Nói cách khác, Messi ra đi giống như là vì La Liga không chịu nhượng bộ. Trong thông báo chia tay Messi cũng như cuộc họp báo vừa qua, Laporta nhắc đi nhắc lại thông điệp này. Ông nói “La Liga có thể linh hoạt hơn”, và “Barcelona buộc lòng phải tuân thủ vì lợi ích CLB”.
Lúc này, quả bóng áp lực và trách nhiệm được đá sang La Liga. Sự ra đi của Messi ảnh hưởng nặng nề thế nào đến hình ảnh của giải đấu, Chủ tịch La Liga Tebas là người hiểu rõ nhất.
|
Ông quyết tâm xây dựng các chế tài về quản lý tài chính để La Liga có cấu trúc kinh tế vững bền, nhưng không có Messi, Barcelona và La Liga còn sức hút trong mắt nhà tài trợ? Doanh thu giải đấu ảnh hưởng, điều ấy có đáng để đánh đổi cho những quy định kinh tế của Tebas mà Laporta mô tả là “cứng nhắc”?
Hôm 4.8, La Liga công bố đạt thỏa thuận bán 10% cổ phần giải đấu cho CVC (một quỹ đầu tư đặt tại Luxembourg) trong 50 năm. Giá trị của số cổ phần này là 2,7 tỉ euro, tức là La Liga được định giá khoảng 27 tỉ euro.
|
Nếu Messi ra đi, La Liga còn có mức giá ấy? Cần nhớ, giai đoạn thịnh trị về thành tích và hình ảnh của các CLB Tây Ban Nha gắn chặt với đẳng cấp của Lionel Messi và Cristiano Ronaldo. Messi ra đi, La Liga có đủ ngôi sao thay thế để duy trì sức hút.
Tebas rất ngưỡng mộ Messi. Ông từng kiến nghị đổi tên giải thưởng “Cầu thủ hay nhất mùa” theo tên của Lionel Messi. Tebas cũng ủng hộ Barcelona giữ chân ngôi sao người Argentina.
Trên cương vị quản lý, Javier Tebas hiển nhiên không muốn mất cầu thủ hay nhất giải trong bối cảnh La Liga ngày càng mất sức cạnh tranh. Mà nếu mất, Tebas càng không muốn La Liga trở thành nơi để các CĐV trút giận như những gì Joan Laporta đang định hướng.
Có thể, đây chỉ là quân bài “lật ngửa” để Barcelona buộc La Liga với gói "giải cứu" 2,7 tỉ euro phải ngồi lại, nới lỏng các giới hạn về tài chính. Niềm tin Messi ở lại Nou Camp chưa kết thúc, ít nhất cho đến trước ngày anh khoác lên mình một màu áo mới.
Bình luận (0)