Thảm họa trên sân bóng: 39 người thiệt mạng ở Heysel

03/11/2015 06:52 GMT+7

Ba mươi năm trước, một trong những thảm họa kinh hoàng nhất trong lịch sử bóng đá đã xảy ra, ngay tại trận đấu chung kết Cúp C1 châu Âu 1985 giữa Liverpool và Juventus.

Ba mươi năm trước, một trong những thảm họa kinh hoàng nhất trong lịch sử bóng đá đã xảy ra, ngay tại trận đấu chung kết Cúp C1 châu Âu 1985 giữa Liverpool và Juventus.

Khán đài sân bóng đá Heysel thành bãi chiến trường với 39 người thiệt mạng - Ảnh: AFP
Khán đài sân bóng đá Heysel thành bãi chiến trường với 39 người thiệt mạng - Ảnh: AFP
Thảm họa đó tại sân vận động Heysel ở thủ đô Brussels (Bỉ) khi 39 người, đa số là cổ động viên (CĐV) Juventus, đã chết một cách tức tưởi và hơn 600 người khác bị thương. Không chỉ là sự tang tóc. Bản đồ bóng đá đỉnh cao tại châu Âu cũng thay đổi nhiều sau thảm họa, khi các CLB Anh bị UEFA, sau đó là FIFA, cấm thi đấu bên ngoài lãnh thổ nước Anh trong suốt một thời gian dài.
Đấy hẳn nhiên là một trong những trận đấu đáng nhớ nhất trong lịch sử cúp C1/Champions League. Nhưng đáng lẽ nó phải được nhớ đến bởi sự hấp dẫn về mặt chuyên môn. Liverpool là CLB số 1 châu Âu ở thời điểm ấy, với cặp tiền đạo lừng danh Ian Rush - Kenny Dalglish và cặp trung vệ Alan Hansen - Mark Lawrenson, hàng chục năm sau vẫn nổi tiếng thế giới trong vai trò bình luận.
Đội chủ sân Anfield đã đoạt Cúp C1 đến 4 lần chỉ trong vòng 8 mùa bóng (1977 - 1984). Juventus thì có trung vệ Gaetano Scirea nức tiếng cùng cặp bài trùng Michel Platini - Zbigniew Boniek trên hàng công. Họ bước vào trận chung kết với mục tiêu trở thành CLB đầu tiên lấy đủ 3 cúp châu Âu (và cuối cùng, Juventus đã đạt được mục tiêu lịch sử ấy).
Thập niên 1980 là thời kỳ “hoàng kim” của hooligan, và trận chung kết Cúp C1 châu Âu 1985 chính là một trong những sự kiện đỉnh điểm của vấn nạn này. Những kẻ du đãng trong vai CĐV đến sân chỉ để tìm thấy niềm vui choảng nhau với CĐV đối phương.
Tại Anh, Liverpool lại chính là đội bóng có lực lượng hooligan khét tiếng nhất. Khi các ngôi sao tấn công của cả hai phía còn chưa kịp ra sân khởi động thì trên khán đài, hooligan Liverpool đã tấn công trước. Họ dễ dàng xô ngã hàng rào và tràn qua phần khán đài có các CĐV Juventus. Các CĐV hiền lành của đội bóng Ý vội vã tháo chạy về phía một bức tường vốn đã đông nghẹt khán giả. Thế là xảy ra cảnh tượng hỗn loạn và bức tường đổ sập vì quá tải.
Nhiều người nhanh chân thoát ra được khu vực nguy hiểm, nhưng phần lớn nạn nhân bị thương, và tệ hơn nữa là có đến 38 người thiệt mạng (1 nạn nhân nữa qua đời sau đó, tại bệnh viện). Lạ ở chỗ: dù biết rõ có hàng chục người đã chết trên khán đài, trận đấu rốt cuộc vẫn cứ diễn ra - khoảng 80 phút sau giờ bóng lăn dự kiến. Nhiều người chỉ trích điều này. Nhưng cũng có lập luận cho rằng Liverpool và Juventus phải quyết đấu dưới sân để gây chú ý và “hạ hỏa” cuộc chiến trên khán đài.
Juventus thắng 1-0 với Platini ghi bàn duy nhất bằng quả phạt đền ở phút 58. Đấy là lần đầu tiên trong lịch sử, CLB nổi tiếng nhất nước Ý đoạt Cúp C1 châu Âu. Thời ấy, Platini nói rất nhiều: nào là tặng bàn thắng cho các nạn nhân, nào là phải thắng để đền bù cho sự hy sinh của các CĐV Juventus. Sau này, khi đã là Chủ tịch UEFA, ông lại nói: Hồi đó biết có bạo động trên khán đài, nhưng không hề biết đã có người chết. Nếu biết, còn ai có đủ tâm trạng thi đấu. UEFA ghi nhận: đây là thảm họa tồi tệ nhất trong lịch sử 3 cúp châu Âu (chứ không riêng gì Cúp C1).
Bốn năm sau, việc tố tụng mới kết thúc, với 14 hooligan phải lãnh án 3 năm tù. Hình phạt trong bóng đá được thông qua sớm hơn, khi UEFA lập tức cấm các CLB Anh tham dự 3 cúp châu Âu. Ban đầu là lệnh cấm vô thời hạn, sau đó mới được “nới” thành 5 năm, riêng Liverpool là 6 năm. Ở Anh, Thủ tướng Margaret Thatcher đã kêu gọi FA rút các CLB Anh ra khỏi đấu trường 3 cúp từ trước khi UEFA ban hành lệnh cấm. Bà còn dọa sẽ cấm luôn môn “thể thao vua” ngay tại quê hương bóng đá. Sự đe dọa này không trở thành hiện thực, nhưng bóng đá Anh quả đã phải tiến hành những cuộc cách mạng để cải tổ triệt để, dẫn tới rất nhiều điều mới mẻ sau “kỷ nguyên hooligan” rùng rợn hồi thập niên 1980.
Vốn là lực lượng thống trị đấu trường 3 cúp châu Âu trong các thập niên 1970 - 1980, bóng đá Anh đã suy yếu, đặc biệt là lạc hậu hẳn về mặt lối chơi sau 5 năm bị cấm vận, từ đó đến nay không còn là thế lực hàng đầu nữa. Sân vận động Heysel giờ đã được đổi tên thành sân King Baudouin, từng tổ chức trận khai mạc Euro 2000.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.