World Cup năm sau có bị chi phối?

15/07/2021 08:19 GMT+7

Trong suốt lịch sử, chưa bao giờ đội đang giữ ngôi vô địch Copa America lại đăng quang ở kỳ World Cup kế tiếp. Chỉ có 2 đội từng vô địch World Cup khi đang là ĐKVĐ EURO: Đức năm 1974 (vô địch World Cup trên sân nhà) và Tây Ban Nha (TBN) năm 2010 (ngay giữa thời kỳ đỉnh cao của tiqui-taca).

Nói cách khác: có đến 19/21 đội vô địch World Cup xưa nay không hề là nhà ĐKVĐ của châu Âu hoặc Nam Mỹ trước đó.
Nhìn theo chiều hướng ngược lại, đội ĐKVĐ EURO hoặc Copa America mà thất bại ở kỳ World Cup kế tiếp thì không hiếm. Ngay sau chức vô địch EURO 2012 - tức là chức vô địch thứ 3 liên tiếp ở hai giải đấu lớn, khiến giới nghiên cứu phải khẳng định đấy là đội bóng hay nhất lịch sử thì TBN thua Hà Lan đến 1-5 ở trận ra quân tại World Cup 2014, và về nước ngay sau vòng bảng của giải đấu ấy (thậm chí đã bị loại từ trước khi đá trận cuối cùng). Pháp thua sấp mặt tại World Cup 2002. Các đội Tiệp Khắc, Đan Mạch, Hy Lạp đều không qua nổi vòng loại World Cup ngay khi họ đang giữ ngôi vô địch EURO… Dẫn chứng nơi các nhà vô địch Nam Mỹ còn… tệ hơn nhiều.
Vậy, không nên nhìn lại hai giải đấu lớn vừa kết thúc - EURO 2020 và Copa America 2021 - để nhận định tương quan lực lượng cũng như khả năng thành công của các đội mạnh ở World Cup 2022? Tiếng nói của lịch sử có trọng lượng đáng kể, vì đấy không thể là chuyện ngẫu nhiên. Đã vậy, bản thân World Cup 2022 lại là một câu chuyện riêng, cực kỳ phức tạp, làm cho mọi sự liên kết giữa EURO 2020 và Copa America 2021 với kỳ World Cup trong năm sau đều rất mơ hồ.
Lần đầu tiên trong lịch sử, World Cup diễn ra vào cuối năm (tháng 11 - 12). Các đội sẽ chuẩn bị như thế nào? Lực lượng cầu thủ ra sao, liên quan thế nào đến diễn tiến cụ thể của mùa bóng 2022 - 2023 ở châu Âu? Chúng ta chưa thể khẳng định điều gì, đơn giản vì chưa bao giờ có tiền lệ như thế. Nên nhớ: Vào mỗi cuối tuần, giới hâm mộ bóng đá châu Âu còn phải sốt ruột chờ xem danh sách đội bóng yêu thích của họ có bao nhiêu cầu thủ chấn thương. Mỗi tuần đã là như vậy, huống hồ…
EURO 2020 vừa qua là lần đầu tiên giải này diễn ra ở 11 nước khác nhau. Copa America 2021 vừa qua cũng là lần đầu tiên giải này phải thay đổi địa điểm xoành xoạch, ngay trước ngày khai mạc. Chuyện “sống chung với dịch” thì khỏi nói nữa. Rút cuộc, chuyện thành bại ở cả hai giải này đều được quyết định bởi các khoảnh khắc rất mong manh. Trong một trận chung kết nát vụn bởi hơn 40 lần phạm lỗi, một đường chuyền dài và bổng thật độc, cùng với kỹ năng tuyệt luân của Angel Di Maria, là toàn bộ khác biệt đưa Argentina lên ngôi vô địch Nam Mỹ. Còn ở châu Âu, Anh vào chung kết EURO nhờ một quả phạt đền gây tranh cãi, trong khi Ý vô địch nhờ thắng trong loạt sút luân lưu ở cả hai trận bán kết, chung kết. Chỉ cần một chữ “nếu” nhỏ xảy ra, đội thành công đã có thể là Brazil, Đan Mạch hoặc TBN rồi.
Chỉ có một điểm chung: Copa America 2021, EURO 2020 hay World Cup 2022 đều là các giải đấu “độc, lạ” nhất xưa nay. Đội nào có khả năng thích ứng với hoàn cảnh xa lạ, có sự linh động cần thiết và khả năng thay đổi lớn khi cần, thì xác suất thành công sẽ cao.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.