Bao giờ VPF mới thực sự đổi mới?

27/04/2020 08:00 GMT+7

Gần 10 năm sau sự ra đời của Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp VN (VPF), các giải đấu trong nước đã có những cải thiện và bước phát triển đáng ghi nhận, nhưng thẳng thắn mà nói vẫn quá ít so với kỳ vọng.

Chưa biến V-League thành “con gà đẻ trứng vàng”

Ngay sau khi kết thúc mùa giải 2011 với quá nhiều bê bối, được sự cho phép của Bộ VH-TT-DL và Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF), VPF đã được thành lập từ phát kiến của một ông bầu nổi đình đám lúc bấy giờ. Chính thức vận hành ở mùa giải 2012, VPF được kỳ vọng sẽ giúp các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam cất cánh nhờ tư duy, chất xám và trình độ của những ông bầu “ngàn tỉ”. Hình ảnh các giải đấu bắt đầu được cải thiện ít nhiều, trở nên chỉn chu hơn và bắt đầu hướng đến sự chuyên nghiệp.
Tuy nhiên bên cạnh những mặt tích cực, VPF cũng bộc lộ nhiều khiếm khuyết dù VPF đã tổ chức các chuyến đi nghiên cứu, học tập mô hình phát triển của những nền bóng đá hàng đầu như Nhật Bản, Đức, Tây Ban Nha, Hàn Quốc… VPF qua mấy đời lãnh đạo vẫn chưa tìm cho mình được mô hình chuẩn, thích hợp. Các giải đấu quan trọng bậc nhất Việt Nam vẫn chưa được nâng tầm lên đẳng cấp của những giải đấu hấp dẫn, có khả năng mang lại giá trị thương mại cao.

HLV Chung Hae-seong đề nghị VFF, VPF xem lại trận TP.HCM - Quảng Nam

Những tình trạng bất cập của bóng đá nội suốt nhiều mùa vẫn chưa được khắc phục như nhiều sân bãi không đạt tiêu chuẩn của Liên đoàn Bóng đá châu Á, bản quyền truyền hình V-League được bán với giá bèo bọt, nạn pháo sáng vẫn chưa được triệt tiêu, vẫn còn bạo lực sân cỏ. Khả năng điều hành của cấp thượng tầng VPF có giai đoạn không tạo được niềm tin từ các CLB. Mùa giải 2015, Chủ tịch CLB Hải Phòng Trần Mạnh Hùng từng gay gắt: “VPF bổ nhiệm một phó tổng giám đốc phụ trách tài trợ làm 4 năm không kiếm được một xu”.

Muốn V-League luôn hấp dẫn và có tính cạnh tranh cao, lãnh đạo VPF phải năng động và đổi mới

Khả Hòa

Tài chính luôn là vấn đề của VPF khi công ty này sở hữu các giải đấu lớn nhất nước nhưng lại luôn ở tình trạng “rỗng ruột”. Theo đánh giá của HLV Đoàn Minh Xương: “Nếu biết cách khai thác có hiệu quả, V-League có thể trở thành “con gà đẻ trứng vàng”, mang lại lợi nhuận cao cho chính VPF cùng các cổ đông là các CLB. Nhưng thống kê thực tế cho thấy, VPF từ ngày đầu thành lập lại chưa tạo ra sản phẩm thương mại có giá trị cao cho bóng đá Việt Nam”.

Cần đột phá về tư duy

VPF cũng từng nhiều lần mời các chuyên gia nước ngoài giỏi đến từ các nền bóng đá tiên tiến với mục đích giúp vận hành V-League một cách chuyên nghiệp, bài bản. Nhưng không một “kiến trúc sư trưởng” nào thành công tại VN bởi cả lý do khách quan lẫn chủ quan. Những chiến lược phát triển mà các “ngoại binh” này đưa ra hoặc chưa kịp có điều kiện để thực hiện hoặc sớm “chết yểu” vì không phù hợp. Mùa 2013, Chủ tịch VPF Võ Quốc Thắng đã mời ông Kazuyoshi Tanabe (Nhật Bản) giữ vai trò Phó tổng giám đốc VPF. Nhưng không may, làm việc chưa được bao lâu ông này bị ung thư và mất sớm.
Một năm sau, VPF bổ nhiệm ông Tanaka Koji làm Trưởng BTC giải V-League. Chuyên gia Nhật Bản đã “bắt bệnh” V-League với những hạn chế về sân bãi, lối đá bạo lực, tài chính yếu kém… Ông Koji không đem lại sức bật mới cho V-League vì nhiều quan điểm của ông không thực sự phù hợp với điều kiện tại Việt Nam nên VPF đã nói lời chia tay sau 1 năm cộng tác. “Nội binh” lại lên “dẫn dắt” V-League mà cụ thể là ông Nguyễn Minh Ngọc được VPF mời về.
Tuy nhiên, bóng đá Việt Nam lại liên tiếp xảy ra một loạt sự cố khiến bức tranh V-League để lại những dấu ấn buồn. Cuộc cách mạng về đường hướng phát triển của VPF vẫn có vẻ dang dở đến tận lúc này. Sau 2 năm từ lúc thay bộ máy mới, đã đến lúc VPF cần mạnh dạn thuê các “ngoại binh” đẳng cấp để tạo cú hích cho chính bản thân mình...

V-League hết mùa này sang mùa khác dù các CLB rất nỗ lực nhưng giá trị thương hiệu chăng đổi bao nhiêu do VPF điều hành thiếu sức bật

Vy Khánh

HLV Đoàn Minh Xương nói: “Tôi lấy một ví dụ rất thời sự là bản quyền truyền hình AFF Cup 2020 được đối tác nước ngoài rao giá 5 triệu USD tại Việt Nam. Đắt thế nhưng vẫn có đơn vị sẵn sàng mua bởi họ biết nhu cầu xem bóng đá hấp dẫn, lôi cuốn của người dân Việt Nam là rất cao. Dù mua đắt nhưng vẫn có lãi vì sau này chia sẻ có lợi nhuận cho các đơn vị khác, vẫn có lãi vì thu hút được quảng cáo. Nếu V-League thực sự là một giải đấu lôi cuốn, kịch tính và hấp dẫn thì việc kiếm tiền của VPF không gặp quá nhiều trắc trở như chúng ta luôn thấy. Nhưng vấn đề ở chỗ là những nhà quản lý bóng đá Việt Nam phải có sự đột phá dữ dội về tư duy…
Bóng đá Việt Nam đang ở cái vòng luẩn quẩn. Hiệu ứng thành công từ đội tuyển, từ U.22 Việt Nam cũng chỉ giúp kích thích phần nào sự tiến bộ của V-League chứ không phải điều kiện tiên quyết và duy nhất. Cần thu hẹp số lượng đội bóng từ 14 đội xuống còn 10 hay 12 đội. Nhưng phải thực sự chất lượng. CLB chất lượng dẫn đến các trận đấu chất lượng và V-League được hưởng lợi. Người xem đông, các CLB sống được bằng tiền bán vé, VPF thu được bộn tiền từ bản quyền truyền hình. Tôi xin nhấn mạnh lại là cần thay đổi tư duy ở những nhà điều hành bóng đá Việt Nam. Chỉ có thay đổi tư duy thì mới không “lệch sóng” với các chuyên gia giỏi. Tư tưởng và cách hành nghề của họ hướng đến sự chuyên nghiệp, bài bản và dễ gặp thất bại nếu chính chúng ta không hỗ trợ họ, bao gồm cả về mặt cơ chế”.
Ông Xương nói tiếp: “Việt Nam có gần 100 triệu dân và 79% dân số yêu thích bóng đá. Vậy làm thế nào để các giải bóng đá hái ra tiền, câu hỏi này thuộc về VFF và VPF. Theo quan điểm của tôi, mỗi ông bầu chỉ một đội bóng. Bầu Hiển một đội, bầu Đức một đội, các ông bầu khác cũng thế. Chúng ta có thể tính đến việc giảm số lượng đội nhưng nâng chất giải đấu. Mà điều này cần sự chung tay của cả VPF lẫn các cổ đông của mình, chính là các CLB. Sự vận hành của VPF phải đi kèm với sự chuyên nghiệp, bài bản thì hệ thống bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam mới phát triển thực sự và cuộc cách mạng của VPF mới thành công”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.