Bóng đá miền Tây chưa thấy ngày hồi sinh

03/06/2020 08:00 GMT+7

Cả vùng bóng đá ĐBSCL đang rơi tự do xuống đáy của bản đồ bóng đá Việt Nam khi vài năm qua không còn đội nào góp mặt ở sân chơi V-League.

Thời oanh liệt nay còn đâu

Cách đây chưa lâu, bóng đá ĐBSCL từng giành tới 4 chức vô địch quốc gia, trong đó có sự trỗi dậy của Long An dưới thời HLV Calisto, hoặc Đồng Tháp luôn có sân Cao Lãnh nóng bỏng với những trận cầu đỉnh cao vào cuối tuần. Thời đầu những năm 2000, Gạch Đồng Tâm Long An luôn được xem là một thế lực lớn của bóng đá Việt khi những trận Gạch - Gỗ (HAGL) luôn tạo nên sự quan tâm lớn của người hâm mộ bóng đá cả nước.
Thế nhưng, sau 2 chức vô địch quốc gia 2005, 2006 và thế hệ cầu thủ Tài Em, Minh Phương, Phan Văn Giàu… giã từ sân cỏ, Gạch đã tụt dốc không phanh. Kể từ khi LongAn rớt xuống hạng nhất năm 2018, nền bóng đá ở địa phương này gần như bị quên lãng. Sự rút lui của nhà tài trợ, cùng việc thiếu tâm huyết đầu tư cho bóng đá của tỉnh khiến họ chỉ an phận chơi ở giải hạng nhất chứ không có tham vọng trở lại đấu trường V-League.

Quy Sửu (trái) tượng đài còn lại của Đồng Tháp trẻ trung, thiếu kinh nghiệm

VPF

Còn ở Đồng Tháp, có thời điểm đến cuối tuần, hàng vạn CĐV bóng đá từ khắp các huyện theo xe, ghe, thuyền… đổ về sân Cao Lãnh để cổ vũ cho đội nhà. Thế nhưng vì khó khăn tài chính, nhà vô địch quốc gia 1989, 1996 thi đấu bấp bênh cứ hết rớt hạng rồi thăng hạng. Năm 2014, dù Đồng Tháp giành quyền trở lại V-League nhưng Tỉnh ủy Đồng Tháp định giải thể đội bóng vào năm 2015, rất may giờ cuối có một doanh nghiệp nhảy vào tài trợ nên đội bóng vẫn tồn tại. Từ đó đến nay, bóng đá Đồng Tháp cứ bấp bênh giống như con nước lên xuống thất thường ở vùng này. Đã vậy, vụ tiêu cực của các cầu thủ trẻ gần đây càng khiến bóng đá Đồng Tháp đi vào ngõ cụt bởi các nhà tài trợ ngó lơ.
Bóng đá An Giang cũng từng phải bỏ hạng nhất để xóa sổ làm lại, dần dần khôi phục từ hạng ba lên hạng nhất nhưng cũng chỉ dừng ở đó vì không có sức để vươn lên nữa.

An Giang chưa đủ sức bật lên

VPF

Không vực dậy nổi vì thiếu nguồn nhân lực

Nói về việc bóng đá ĐBSCL không có dấu hiệu hồi sinh, chuyên gia bóng đá Đoàn Minh Xương, người rất am hiểu bóng đá khu vực này, nói: “Bóng đá miền Tây sa sút do quan điểm làm bóng đá không phù hợp. Nhiều địa phương vẫn còn nặng vấn đề đá giải mà quên đi thể thao và bóng đá nói riêng phải xây dựng từ gốc. Nếu chỉ gom quân để có đội bóng đá ở hạng nhất hay V-League sẽ không bền vì thiếu chân đế. Phải xem bóng đá là thương hiệu, là truyền thống, là món ăn tinh thần cho người dân địa phương thì mới có thể phát triển bóng đá một cách vững chắc. Phải quan niệm rằng làm bóng đá để phục vụ giải trí cho người dân địa phương và phải có quyết tâm mới vực dậy nổi.
So với các địa phương khác, ĐBSCL không mạnh trong việc phát triển bóng đá phong trào và đào tạo trẻ nên không có chân đế. Làm bóng đá cũng như xây ngôi nhà, phải có nhiều cột chống đỡ thì nhà mới vững. Chứ chỉ cất cái nóc là đội đá hạng nhất, còn không đào tạo, không xây dựng cơ sở vật chất thì làm sao mà phát triển được. Quan trọng nhất là lãnh đạo địa phương phải quan tâm đến bóng đá để có nguồn ngân sách đổ vào đào tạo trẻ. Khi bóng đá địa phương phát triển bền vững thì lúc đó doanh nghiệp mới nhảy vào. Chứ như Cần Thơ, cả đội bóng chỉ có 1 - 2 cầu thủ người địa phương, không có bản sắc thì ai mà tài trợ”.
Ông Xương cũng cho rằng các địa phương ở ĐBSCL thiếu trầm trọng nguồn nhân lực: “Công bằng mà nói ở ĐBSCL không có HLV giỏi, vì thế không thể đào tạo ra trò giỏi. Nếu không có thầy tốt thì phải đãi ngộ người tài ở các địa phương khác thì may ra mới đào tạo nên các thế hệ cầu thủ tài năng. Chứ cứ liệu cơm gắp mắm như hiện nay thì rất khó”.

Hoàng Duy, trụ cột U.21 còn lại chưa thể gánh đựợc đội hình phòng ngự của Đồng Tháp

VPF

Nuôi con đến khi nào gả được ?

Hôm rồi, xem sân Long Xuyên lấp đầy bởi hơn 10.000 CĐV ở vòng 1/8 Cúp quốc gia trận gặp Viettel, nhiều người thổn thức vì rất lâu rồi bóng đá nơi đây mới có hình ảnh đầy sức sống như vậy. Nhưng khi Viettel rời đi, mọi thứ lại trở lại nét ảm đạm quen thuộc. Ngày xưa, trung tâm bóng đá được tách ra độc lập có vị thế riêng nhưng đến năm 2019 được nhập chung vào Trung tâm đào tạo huấn luyện và thi đấu TDTT tỉnh An Giang.
Là một bộ môn như các môn khác, nuôi 5 tuyến để duy trì bóng đá đã là cố gắng hết sức. Mỗi năm 4 đội trẻ từ U.13, U.15, U.17, U.19 ngốn hơn 15 tỉ đồng, gánh thêm đội 1 (thực chất là U.21 bổ sung) đang chơi ở hạng nhất khiến ngân quỹ phình ra không dưới 30 tỉ đồng. Các cầu thủ An Giang đá bóng không có tiền thưởng, lương cầu thủ không quá 10 triệu đồng mỗi tháng, năm rồi giữ hạng thành công cả đội nhận chỉ 400 triệu đồng động viên đã là mừng. Đó cũng là câu chuyện chung của nhiều tỉnh miền Tây.

An Giang đội hình còn quá trẻ

Dương Thu

Là người gắn bó với bóng đá An Giang từ khi còn là cầu thủ đến khi làm HLV và nay là Giám đốc Trung tâm đào tạo huấn luyện và thi đấu TDTT tỉnh An Giang, ông Nhan Thiện Nhân hiểu rất rõ cái khó bó buộc tiềm năng bóng đá An Giang nói riêng và miền Tây nói chung. Ông bày tỏ: “Tôi khẳng định người dân An Giang nói riêng và ĐBSCL nói chung vẫn rất đam mê bóng đá. Họ không bỏ bóng đá. Nhưng bóng đá nơi đây đang giậm chân tại chỗ vì không theo kịp tiền đề đầu tiên của bóng đá chuyên nghiệp là kinh phí.
Tiền không là tất cả, nhưng không có tiền không làm gì được hết. Nuôi một đội V-League hiện cần tối thiểu 30 - 35 tỉ đồng bên cạnh hệ thống đào tạo nền thật chắc mới bền vững, chỉ sống nhờ bầu sữa nhà nước là không thể. Muốn thế, phải có doanh nghiệp tiếp sức hoặc “ôm” đội bóng, mà đây là điều rất khó ở An Giang lúc này. Các năm rồi sân Long Xuyên toàn treo quảng cáo của BTC và 4 bảng của xổ số kiến thiết tỉnh. Nhưng năm nay không còn bảng nào!”.

Cần Thơ cũng chưa thể bật lên

VPF

Từng rơi xuống hạng ba và đi lên lại hạng nhất bằng chính sách “cây nhà lá vườn”, An Giang xác định khó mấy cũng phải duy trì nền bóng đá để giữ phong trào cho địa phương. Tỉnh vẫn quan tâm theo khả năng cho phép, nỗ lực hết sức duy trì hệ thống trẻ để mong một ngày tìm ra doanh nghiệp đủ tâm, đủ lực và cách quản lý hiện đại để “gả con gái” cho người ta một cách tươm tất, đàng hoàng. Nhưng nói như ông Nhân thì: “Chúng tôi rất muốn gả con đi. Nhưng đến bao giờ và như thế nào thì không ai dám chắc vì rõ ràng nền bóng đá An Giang và ĐBSCL sẽ phải phụ thuộc vào nền tảng kinh tế nơi đây”.
Năm rồi, An Giang phát hiện ra tiền đạo Ngô Hồng Phước giàu tiềm năng được HLV Park Hang-seo triệu tập vào U.22 Việt Nam nhưng sau đó đành nhìn anh về Bình Dương. Mùa bóng này, An Giang có khoảng 5 - 6 cầu thủ nữa rục rịch ra đi vì hết hợp đồng đào tạo trẻ. Muốn giữ lắm, nhưng lãnh đạo An Giang không nỡ ngăn cản vì: “Các em đi được cũng mừng cho các em. Con mình nuôi không nổi sao bắt ở lại được, không lẽ ép tụi nhỏ sống khổ mãi với mình”. Q.V
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.