Chờ đợi gì ở sự trở lại của tượng đài Thể Công?

30/09/2018 21:09 GMT+7

Sau 9 năm vật lộn ở hạng dưới, cuối cùng cái tên Thể Công cũng đã xuất hiện trở lại trên bản đồ bóng đá cả nước từ mùa bóng 2019

[VIDEO] BÙI TIẾN DŨNG TỎA SÁNG GIÚP VIETTEL THẮNG BÌNH PHƯỚC 2-0

Không thể không “thay máu”

Để không đi theo những vết xe đổ của TP.HCM hay Nam Định ở những mùa bóng vừa qua, lãnh đạo trung tâm Viettel, nơi đang quản lý đội mới lên hạng sẽ chuyển đổi thành tên Thể Công trong thời gian tới đã vạch ra kế hoạch rất chi tiết nhằm phát triển ổn định đội bóng tạm gọi là Thể Công thế hệ mới này.

Đầu tiên vẫn là con người. Đội hình lên hạng đa phần là các cầu thủ trẻ. Thậm chí có thể coi là U23 + 4 với chỉ vẻn vẹn 4 cầu thủ trên 23 tuổi là thủ môn Thanh Tùng, hậu vệ Tuấn Anh, tiền vệ Huy Hoàng và tiền đạo Quang Khải. Trong số này, chỉ duy nhất trung vệ Bùi Tiến Dũng là từng có kinh nghiệm thi đấu ở V-League (trong màu áo HAGL) cũng như “ăn cơm” nhiều năm ở các đội tuyển quốc gia.

Các cầu thủ còn lại tuy được đánh giá là có tiềm năng như Nguyễn Hoàng Đức, Nguyễn Trọng Đại, Nguyễn Đức Chiến, Ngô Xuân Sơn, Trần Hoàng Sơn, Nguyễn Đúc Hoàng Minh..nhưng đều còn non và kinh nghiệm trận mạc ở những sân chơi đỉnh cao gần như là con số 0 tròn trĩnh.

Nguyễn Hoàng Đức (98) niềm hy vọng lớn của Thể Công trong tương lai Vy Khánh
Bởi vậy sẽ rất khó để lứa cầu thủ trẻ hiện nay của Thể Công có thể trụ lại được ở đấu trường V-League khốc liệt. Muốn trụ lại được ở giải đấu hạng cao nhất của bóng đá Việt Nam, gần như bắt buộc, đội bóng mặc áo lính sẽ phải "thay máu" đội hình, bổ sung  lực lượng cả nội lẫn ngoại binh, để sẵn sàng cho cuộc chiến khốc liệt ở mùa giải chuyên nghiệp 2019.
Một lãnh đạo đội cho biết chắc chắn đội sẽ phải thuê ngoại binh cho phù hợp với xu thế chung và còn tính đến phương án có HLV ngoại dẫn dắt để nâng tầm trình độ. Bên cạnh đó là đầu tư công nghệ hiện đại cho phương pháp huấn luyện, trang bị thêm nhiều máy tập đa năng và chú trọng dinh dưỡng, chế độ đảm bảo thu nhập như những cầu thủ chuyên nghiệp thực sự.

Áp lực từ cái tên Thể Công

Đầu tư về chất lượng đội hình là một chuyện nhưng đáp ứng được sự kỳ vọng của người hâm mộ lại là một câu chuyện hoàn toàn khác. Chắc chắn, áp lực từ phía người hâm mộ khi Viettel lấy lại phiên hiệu Thể Công sẽ là cực lớn, thậm chí còn lớn hơn những gì mà lứa Công Phượng, Xuân Trường, Văn Toàn... đã và đang trải qua trong 4 năm qua kể từ khi được đôn lên đội 1 HAGL thi đấu ở V-League (năm 2015).

Thể Công làm sao phải vừa đá hay vừa giữ được lửa của người lính Vy Khánh
Bởi dẫu cho ngày biến mất trên bản đồ bóng đá Việt Nam (năm 2010), Thể Công không còn là một thế lực đáng gờm như trước. Thế nhưng trong ký ức của những người hâm mộ đội bóng mặc áo lính, Thể Công "của ngày xưa" vẫn cực kỳ hào hùng, với những thành tích chói lọi và lối chơi rực lửa đậm chất lính làm mê hoặc người hâm mộ ở khắp mọi miền tổ quốc.

Khoác lên mình chiếc áo Thể Công, là đặt lên vai các cầu thủ mặc áo lính một gánh nặng có thể nói là “ngàn cân”. Áp lực đấy rất có thể sẽ khiến cho đôi chân của các cầu thủ trở nên nặng nề hơn trước rất nhiều, trong lần quay trở lại sân chơi chuyên nghiệp.

HLV Nguyễn Hải Biên, cựu hậu vệ một thời lẫy lừng đã sát cánh cùng các cầu thủ Vy Khánh
Huấn luyện viên trưởng Nguyễn Hải Biên cũng thừa nhận điều này sẽ là một áp lực vô hình, nhưng ông khẳng định Thể Công sẽ vẫn quyết tâm giữ đúng chất “lửa’ và tinh thần ‘thép” của người lính theo đúng truyền thống, đồng thời vẫn phải đảm bảo lối đá hào sảng, chơi đẹp bằng phong cách chiến đấu mạnh mẽ để mỗi trận xuất hiện luôn làm “nức lòng” những người mặc áo lính.
 Kể từ khi bắt đầu thi đấu giải vô địch quốc gia (1980) đến nay, Thể Công đang là đội bóng giàu thành tích nhất Việt Nam với 5 lần giành chức vô địch ở các mùa giải: 1981-1982, 1982-1983, 1987, 1990 và 1998. 

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.