Phát hiện của HLV Phan Thanh Hùng
Lẽ thường để lọt vào những CLB tham vọng như Than Quảng Ninh (T.QN) thì phải là những ngôi sao đã thành danh hoặc những tài năng trẻ giàu tiềm năng. Riêng trường hợp của Nguyễn Văn Việt thì lại mang tính truyền kỳ nhiều hơn khi đến 15 tuổi mới bắt đầu tập ở đội trẻ tại CLB Quảng Nam (QN). Chỉ 4 năm sau, ở mùa 2008, chàng trai khi đó mới 19 tuổi đã giúp đội bóng quê hương có mặt ở sân chơi chuyên nghiệp khi thăng từ hạng nhì lên hạng nhất với băng thủ quân. Đến mùa 2013, QN vô địch hạng nhất để hiện thực hóa giấc mơ V-League. Tại mùa đầu tiên V-League 2014, QN xếp hạng 8 nhưng với cá nhân Văn Việt khép lại mùa giải trong ác mộng khi bị tổn thương sụn bánh chè vào cuối mùa. Ca phẫu thuật và tập hồi phục không khả quan buộc Văn Việt - khi đó mới lấy vợ - phải tính đường lui. Đến năm 2016, trung vệ sinh năm 1989 xin đào tạo trẻ. Trong năm đầu thử việc không lương, cựu đội trưởng QN phải làm thêm việc... soát vé các trận V-League của CLB, kiếm thêm mỗi bữa gần 150.000 đồng cải thiện bữa ăn. Khổ quá, trách nhiệm với gia đình nhỏ thôi thúc anh trở lại sân cỏ.
|
Nội lực làm nên câu chuyện cổ tích
Ban tuyển trạch của tuyển Việt Nam luôn rất khắt khe trong những đánh giá của mình như việc phải đến tận lúc này gọi tên Văn Quyết, Tấn Trường hay Văn Long, Ngọc Đức. Trong trường hợp của Văn Việt, những con số cho thấy anh xứng đáng với 71% chiến thắng trong các lần tranh chấp tay đôi, trung bình mỗi trận đoạt được bóng 6 lần. Tỷ lệ chuyền bóng chính xác 89%, tương đương đội trưởng CLB Viettel Bùi Tiến Dũng (khả năng tranh chấp của Dũng là 10/14). Hệ thống dữ liệu Instat mà CLB T.QN đưa ra chấm Văn Việt 223 điểm, trong tốp đầu T.QN. Đặc biệt trong tất cả những phút thi đấu trên sân ở V-League 2020, Văn Việt không phải nhận một thẻ vàng nào. Điều này cho thấy trung vệ cao 1 m 78 này có khả năng đọc tình huống và chịu áp lực rất tốt. Càng ấn tượng khi mỗi trận Văn Việt có tỷ lệ phạm lỗi/bị phạm lỗi chiến thuật là 15/8 so với Thanh Hào (15/15) và Lastro Neven (17/16). Tất cả những thông số kể trên đều được BHL T.QN nắm chắc trước khi tiến cử lên tuyển Việt Nam và khiến HLV Park Hang-seo xiêu lòng.
HLV Phan Thanh Hùng tự hào về cậu học trò: “Văn Việt là mẫu trung vệ có trình độ, sở hữu khả năng kiểm soát bóng và triển khai bóng từ dưới lên rất hay giống hình mẫu của Quế Ngọc Hải, Bùi Tiến Dũng. Hiện tại ở T.QN, Văn Việt và Thanh Hào đá cặp trung vệ còn tốt hơn khi kết hợp với Lastro Neven. Cậu ấy là mẫu trung vệ đá đằm tính, không đá bậy, đá láo. Mùa 2017 khi T.QN đến Đà Nẵng tập huấn Văn Việt đến xin thử việc. Trước đó, tôi có nghe cầu thủ QN giới thiệu có cựu thủ quân đá tốt lắm mà QN không dùng nên xin cho em cơ hội thử sức. Điểm gây ngạc nhiên là nghỉ 3 năm trời nhưng Văn Việt lấy lại mọi thứ rất nhanh. Từ chỗ chấn thương giải nghệ, nay đá lại đỉnh cao và lên tuyển Việt Nam ở tuổi 31 giống như câu chuyện cổ tích. Nhưng việc từ rất trẻ đeo băng thủ quân QN cho thấy Văn Việt tự có nội lực sẵn rồi. Việt vốn là người có chuyên môn, có phẩm chất thủ lĩnh, lại đã có bằng C HLV nên đọc tình huống và tiếp thu nhanh hơn những cầu thủ khác”.
|
Về phần mình, Văn Việt bày tỏ: “Tôi rất hạnh phúc khi lần đầu tiên được gọi lên tuyển Việt Nam. Đó là mơ ước của mọi cầu thủ, như sự ghi nhận, cố gắng nỗ lực của tôi suốt những năm qua. Lời triệu tập của HLV Park Hang-seo sẽ là một điểm nhấn đặc biệt trong cuộc đời của tôi. Về điều này, tôi trước tiên cảm ơn HLV Phan Thanh Hùng và CLB T.QN đã tin tưởng trao cơ hội cho tôi. Tôi cũng cảm ơn HLV Park Hang-seo và BHL tuyển Việt Nam đã trao cho tôi một cơ hội, cơ hội cả cuộc đời của tôi”.
Bình luận (0)