Lo cho Thành Chung, Tiến Dũng
Trước khi tuyển Việt Nam sang Ả Rập Xê Út thi đấu lượt trận đầu tiên vòng loại thứ 3 World Cup 2022, Thành Chung vẫn có tên trong danh sách dù chưa hồi phục hoàn toàn chấn thương cơ đùi sau, còn Bùi Tiến Dũng bị tổn thương cơ khép nên phải ở nhà. Đến trận gặp đội Úc, cả hai chưa khỏi nhưng vẫn được ra sân, mà theo giải thích của HLV Park Hang-seo: “Tôi không tự ý quyết định. Tôi chỉ đồng ý cho họ đá sau khi tham khảo ý kiến bác sĩ và bản thân họ cũng xin được thi đấu”.
Sau trận đấu trên, chấn thương của Thành Chung nặng hơn (rách cơ đùi sau 12 cm), Tiến Dũng cũng tái phát đau. Tiến Dũng, Thành Chung cùng Đình Trọng và Minh Vương phải cấp tập điều trị trong những ngày đội tuyển được tạm thời nghỉ ngơi sau hai trận đấu vào tháng 9. Vấn đề nằm ở chỗ nếu những cầu thủ nói trên chưa kịp khỏi hẳn hoặc khỏi nhưng thể lực chưa lấy lại 100%, họ có bị dùng “ép” trước mắt là trận gặp đội Trung Quốc hay không?
|
Hai năm mổ 3 lần, vừa mổ năm ngoái năm nay lại mổ
Chúng tôi đang muốn nói đến hai trường hợp điển hình của việc cầu thủ phải can thiệp y tế bởi bị dùng quá sớm khi chưa hồi phục hoàn toàn. Đình Trọng có thể xem như trường hợp đáng tiếc khi hiện tại anh không còn giữ được đỉnh cao phong độ sau những biến cố về thể trạng.
Cầu thủ của đội Hà Nội đã từng lên bàn mổ 3 lần trong 2 năm bởi không được hồi phục đúng cách (lời bác sĩ tại Singapore khi Trọng tái khám lần 2 năm 2020). Khi chưa khỏi chấn thương, Trọng trở lại thi đấu đỉnh cao sớm hơn khuyến cáo của bác sĩ. Chấn thương đeo đẳng Trọng đến tận thời điểm này dù mới đây anh được ra sân ở hiệp 2 trận gặp đội Ả Rập Xê Út. Nhưng vì phải tranh chấp quyết liệt, vốn dĩ chưa khỏe hẳn, Trọng lại bị tổn thương cơ đùi sau.
|
Với Văn Hậu, trong đợt tập trung đầu tháng 8, anh đã phải chủ động xin phép thầy Park quay về CLB để điều trị chấn thương. Kết luận phim chụp mới nhất cho thấy đầu gối phải của Hậu bị một “chùm” chấn thương ở cả dây chằng chéo và sụn chêm. Cầu thủ sinh năm 1999 này có thể sẽ tốn khoảng nửa năm để hồi phục sau khi sang Hàn Quốc phẫu thuật lần 2 vào tháng 10 tới. Đội tuyển Việt Nam đã từng nhận được khuyến cáo của PVF về cách sử dụng Hậu sau khi điều trị chấn thương, nhưng có vẻ như anh cũng bị dùng hơi sớm. Lần đầu tiên Hậu lên bàn mổ mới cách đây chưa tròn 1 năm. Những trận thi đấu gắng sức ở vòng loại thứ 2 World Cup 2022 hồi tháng 6 vừa qua tại UAE khiến chấn thương của Hậu tăng mức độ nghiêm trọng.
Đừng nên sử dụng cầu thủ khi họ chưa hồi phục hoàn toàn bởi có thể sẽ làm cầu thủ mất cả tương lai, bỏ cả sự nghiệpBác sĩ Trương Công Dũng, nguyên bác sĩ thể thao Bệnh viện Nhân dân 115 |
Bình luận viên Đặng Phương Nam đã từng kể về em ruột của mình, cựu tuyển thủ U.23 Việt Nam Đặng Thanh Phương đã phải sớm giã từ sự nghiệp cầu thủ khi mới 25 tuổi. “Phương bị chấn thương nhưng chỉ vì cố đá nên hỏng đầu gối. Cầu thủ có thể bị mất nghề nếu như không biết giữ gìn và hồi phục tốt khi chấn thương”. Cựu trung vệ Nguyễn Mạnh Dũng nêu quan điểm: “Bản thân cầu thủ cũng phải biết từ chối những thời điểm mà cơ thể của mình chưa đáp ứng được vấn đề chuyên môn”.
Quá tải xương khớp giống bị stress về tâm lý
Bác sĩ Trương Công Dũng, nguyên bác sĩ thể thao Bệnh viện Nhân dân 115, nguyên Tổng thư ký Hiệp hội Y học thể thao TP.HCM, từng là bác sĩ ở đội U.19 Việt Nam tham dự World Cup U.20 năm 2017, nói: “Đừng nên sử dụng cầu thủ khi họ chưa hồi phục hoàn toàn bởi có thể sẽ làm cầu thủ mất cả tương lai, bỏ cả sự nghiệp. Việc mạo hiểm dùng cầu thủ lúc cầu thủ vẫn bị đau như con dao hai lưỡi. Có thể sẽ mang đến thành tích nhất định nào đó bởi thông thường những cầu thủ được bố trí thi đấu khi vẫn chưa khỏi là những cầu thủ giỏi. Tuy nhiên, hậu quả có thể sẽ rất lớn.
Áp lực thành tích đôi khi khiến HLV buộc phải dùng nhân sự không được khỏe mạnh hoàn toàn mà cái giá phải trả có thể sẽ rất đắt. Bóng đá Việt Nam hiện tại như đang rơi vào vòng luẩn quẩn: Cầu thủ bị quá tải, dễ dẫn đến chấn thương, nếu thi đấu lại tái phát hoặc bị chấn thương khác. Chấn thương chồng chấn thương và nguy hại là có chấn thương trở thành mãn tính, thời gian hồi phục phải tính bằng năm. Trường hợp của Đình Trọng, anh không trở lại được bình thường như trước. Cũng rất đáng lo cho Văn Hậu. Còn Thành Chung, nếu cơ rách nặng độ 3 thì cần phải đến 6 tháng mới hồi phục được một phần”.
|
Bác sĩ Công Dũng đưa ra so sánh tình trạng quá tải ở xương khớp cũng giống với tình trạng tâm lý bị stress nặng, rất cần đến sự chăm sóc tỉ mỉ, khoa học và tinh tế. Đội tuyển Việt Nam khi đối mặt với những đối thủ mạnh của châu Á, mức độ khốc liệt trong va chạm, tranh chấp tăng lên gấp bội thì càng dễ tiến sát đến gần giới hạn chịu đựng về thể lực của cơ thể. Cầu thủ quá sức thì chấn thương khó tránh khỏi.
Vậy những vấn đề lớn của bóng đá Việt Nam phải giải quyết ở đây là gì? Theo bác sĩ Dũng, cần phải thay đổi về tư duy, tầm nhìn trong hoạch địch chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam, trong đó đội tuyển Việt Nam là trọng tâm ưu tiên. Gồm kế hoạch dài hạn: đào tạo những thế hệ cầu thủ giỏi về kỹ năng - mạnh về thể chất để có sức vóc va đập với bóng đá châu lục và quốc tế; kế hoạch trung hạn: điều trị dứt điểm những cầu thủ đang bị chấn thương và kế hoạch ngắn hạn: ban huấn luyện sử dụng hợp lý nhân sự đang có, không dùng cầu thủ đang bị đau, bị tổn thương về thể trạng.
Văn Lâm cũng chấn thương, phải phẫu thuật
Ngày 16.9, đội tuyển Việt Nam đã hội quân trở lại và có buổi tập đầu tiên vào chiều cùng ngày tại Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ Việt Nam. Thủ môn Trần Nguyên Mạnh đã có mặt. Anh là trường hợp được bổ sung bất ngờ sau khi Đặng Văn Lâm không may dính chấn thương. Khi quay lại Nhật Bản, trong quá trình chuẩn bị cho trận đấu giữa Cerezo Osaka và Pohang tại AFC Champions League 2021, thủ môn Việt kiều Nga đã bị chấn thương vai. Anh phải phẫu thuật và sẽ mất khoảng 3 tháng để điều trị phục hồi nên sẽ vắng mặt ở đội tuyển Việt Nam trong các trận đấu của năm 2021. Cũng trong buổi tập hôm qua, các cầu thủ được bổ sung trước đây như Công Phượng, Xuân Nam, Trọng Đại đã tham gia cùng đồng đội.
|
Bình luận (0)