HLV Park Hang-seo và những câu chuyện chưa từng kể

04/01/2020 22:36 GMT+7

Lần đầu tiên khán giả Việt Nam được biết kỹ hơn, sâu sắc hơn về một phần sự nghiệp cùng những cung bậc thăng trầm của HLV Park Hang-seo qua lời kể của chính ông trong chương trình VTV đặc biệt, được phát sóng vào tối 4.1.2020.

 
 
Lên cấp 3 mới bắt đầu để ý đến bóng đá
Người đàn ông hồn hậu đã chia sẻ lại quãng thời gian tuổi trẻ khá sôi nổi của mình, và thật ngạc nhiên bóng đá lại không phải mục tiêu quan trọng đầu đời của ông: “Tôi biết đến bóng đá khá muộn vì vốn dĩ tôi ở quê. Hết cấp 2, tôi chuyển lên thủ đô Seoul để học cấp 3 ở trường Kionsil. Lúc đầu mục tiêu của tôi là vào đại học, nhưng sau đó tôi bắt đầu thích và học bóng đá từ năm lớp 10. Khi vào trường đại học ở Hanyang, tôi chơi cho đội bóng ngân hàng Chein. Rồi tôi phải đi nghĩa vụ quân sự. Tôi đã chơi cho đội bóng của quân đội 2 năm 4 tháng.
Năm 1984, đội bóng Lucky-Goldstar thành lập và tôi là một trong những cầu thủ đầu tiên. Tôi sinh hoạt ở đội bóng đó 5 năm. Thời còn thi đấu do bắt đầu muộn nên tôi không nghĩ mình là cầu thủ xuất sắc. Khi lên đại học, tôi mới bắt đầu hiểu thế nào là bóng đá còn hồi cấp 3 tôi chưa biết lắm. Vì bắt đầu muộn nên khi đi học tôi đã phải nỗ lực gấp đôi so với những người khác”.

Ông Park và HLV Hiddink

Việt Anh

Thầy Park và cộng sự Lê Huy Khoa. Trong chương trình VTV đặc biệt, với tư cách trợ lý ngôn ngữ, ông Khoa nhận xét: "Ông Park gây ấn tượng mạnh vì luôn toàn tâm toàn ý với công việc, không bao giờ để những điều gì ngoài bóng đá tác động vào công việc. Luôn hết lòng hết dạ với học trò'

Vy Khánh

Không phải là một ngôi sao khi khoác áo cầu thủ, sự nghiệp của ông Park có lẽ được biết đến nhiều hơn khi bắt đầu chuyển sang công tác huấn luyện. Ông nói rằng, một trong những kỷ niệm đẹp đẽ nhất cuộc đời là được làm trợ lý cho HLV Guus Hiddink ở chính đội bóng quê hương và khi ấy đội Hàn Quốc đã lọt vào đến tận bán kết World Cup 2002. Thầy Park tâm sự: “Chỉ khi được làm việc với HLV Hiddink, tôi mới biết được cuộc đời của 1 HLV là như thế nào. Hai năm làm trợ lý cho ông ấy là khoảng thời gian rất quan trọng đối với tôi. Tôi đã học được từ ông ấy cách tổ chức công việc, lên kế hoạch và xử lý các tình huống. Có thể nói Hiddink là người gây ảnh hưởng nhiều đến tôi. Khi làm việc với ông tôi ghi nhật ký hằng ngày. Tôi ghi lại tất cả những lời ông ấy dặn, cách ông ấy làm việc. Với những dữ liệu lưu trữ đó sau khi làm HLV mỗi tình huống xảy ra tôi đều lấy nhật ký ra để xem, quyển nhật ký đó rất có giá trị tham khảo với tôi.
Ông ấy đã nói rất nhiều với tôi, nhưng tôi ấn tượng nhất với câu nói của ông ấy là: Khi làm HLV của đội tuyển quốc gia, anh đừng cố gắng để đào tạo 1 cầu thủ nào đó vì thời gian không bao giờ cho phép. Anh chỉ cố gắng tận dụng tối đa tài nguyên mà anh đang có. Kinh nghiệm đó sau này tôi đã ứng dụng rất nhiều trong công việc khi làm HLV đội tuyển Việt Nam”.
Từng xuống đáy của sự nghiệp
Có một câu nói nổi tiếng mà ông Park thường căn dặn học trò của mình sau mỗi lần bóng đá Việt Nam đạt được vinh quang: “Thành công ngày hôm nay cũng chỉ như làn khói. Nó bay rất nhanh nên chúng ta không được phép sống bằng quá khứ mà hãy hướng đến tương lai”. Câu nói ấy bắt nguồn từ những trải nghiệm đắng cay của chính ông Park.

Bị thẻ đỏ tại SEA Games 30 vì lỗi phản ứng trọng tài

Độc Lập

Được hâm mộ cuồng nhiệt tại Hàn Quốc, ông Park thực sự là một HLV quá đặc biệt

Anh Việt

Sau World Cup 2002, ông được bổ nhiệm làm HLV trưởng đội U.23 Hàn Quốc tham dự Asian Games tại Busan. Dù được thi đấu trên sân nhà nhưng đội U.23 Hàn Quốc với nhiều cầu thủ vừa thi đấu World Cup lại thua Iran ở bán kết và chỉ giành được HC Đồng. Một kết quả khiến người dân Hàn Quốc vô cùng thất vọng. Ngay lập tức HLV Park Hang-seo bị sa thải. Ông Park bùi ngùi kể lại: “Chỉ trong một thời gian ngắn, từ đỉnh cao của danh vọng, tôi đã rơi xuống trạng thái tồi tệ nhất. Nên sau đó có lúc tôi đã chia sẻ với báo chí Hàn Quốc rằng, mọi danh vọng và sự mến mộ rồi một ngày nào đó cũng sẽ tan tành theo mây khói mà thôi. Tôi luôn tâm niệm rằng tôi sẽ không bao giờ quá suy nghĩ về những vinh quang trong quá khứ.
Quãng thời gian tiếp theo khó khăn thực sự đối với tôi. Do tính cách của tôi không bao giờ dễ dàng chấp nhận thất bại và rất nóng nữa, lại quá thẳng thắn, không phục tùng nên một số người đã đưa ra một số xử phạt nhắm vào tôi. Đó là một thời kỳ thực sự là vất vả của tôi ở Hàn Quốc và tôi không muốn nhớ đến nữa”.
Tại sao cứ phải nghĩ đến Trung Quốc?
Ông Park không hề dự báo được tương lai của mình bắt đầu gắn bó với bóng đá Việt Nam theo cái cách mà chính ông còn cảm thấy bất ngờ. Ông Park nói: “Sau 4 năm làm HLV đội Sangmu, tôi nghỉ huấn luyện và bắt tay vào tìm hiểu các CLB của Trung Quốc. Tôi đã cố gắng để tiếp xúc và có những lúc tưởng thành công đến nơi rồi nhưng lại không có một hợp đồng mới nào được ký kết cả. Lúc ấy, vợ tôi – bà Choi Song-a mới hỏi là tại sao anh lại cứ nghĩ đến Trung Quốc, tại sao không chịu tìm hiểu các nước Đông Nam Á.
Vợ tôi bảo có 1 anh tên là Lee Dong-jun rất rành về bóng đá Đông Nam Á, anh hãy thử gọi xem. Vợ tôi đưa điện thoại cho tôi nên chẳng có cách nào khác là tôi phải gọi. Nhưng sau đó cũng không thấy anh ấy gọi lại. Đúng 1 năm sau đó, anh Lee gọi lại cho tôi. Anh Lee bảo bây giờ có lời mời từ Đông Nam Á ông có đi không? Tôi hỏi Đông Nam Á là đội nào? Anh Lee bảo bây giờ tôi chưa cho ông biết được. 4 ngày sau đó anh ấy gọi lại cho tôi nói ông viết cho tôi 1 giấy uỷ quyền. Tôi mới bảo nếu viết giấy uỷ quyền thì phải cho tôi biết đi CLB nào hay đội nào chứ thì anh Lee mới bảo đó là đội tuyển Việt Nam. Thực ra lúc đầu tôi chỉ chờ đợi 1 CLB nào đó thôi chứ không nghĩ là đội tuyển quốc gia".

Luôn yêu thương học trò như con

Độc Lập

'Ồ, tôi không hay khóc. Tôi bị tắc tuyến lệ. Chứ HLV đội tuyển mà hay khóc thì không hay chút nào', ông Park đã có lần bộc bạch thế khi báo chí viết HLV Park có vẻ mau nước mắt

Vy Khánh

Ông Park chia sẻ chân thành: "Ở thời điểm đó thực sự tôi khá là lo. Khi tìm hiểu tôi thấy rằng Việt Nam là đất nước mà các HLV ngoại khi đến đây thường chỉ trụ lại được khoảng 8 tháng thôi. Và tôi không có bất cứ dữ liệu gì về bóng đá Việt Nam cả. Tôi nói với vợ tôi rằng không biết có nên đi hay không? 10 ngày sau, có 1 đoàn đại diện của Liên đoàn Bóng Việt Nam (VFF) sang gặp và ký hợp đồng luôn ở đó.
Khi ký hợp đồng xong tôi mới thực sự rất lo, không biết mình có đáp ứng được sự kỳ vọng của người Việt hay không, nếu không thành công thì khi trở về Hàn Quốc sẽ thế nào. Tôi nói với anh Lee rằng thôi mình cố gắng trụ được ở đó 1 năm thôi cũng là thành công lắm rồi.
Vợ tôi mới nói rằng, nguyện vọng của anh xưa nay anh muốn đi nước ngoài, bây giờ có tuổi rồi anh cứ coi như đây là bước thử thách cuối cùng, anh cứ đi đi.
Vợ tôi đã thuyết phục tôi như vậy và thậm chí là bà ấy còn sợ tôi thay đổi ý kiến nên sáng hôm sau đánh thức tôi dậy và lấy xe chở tôi đi. Trong quá trình đàm phán với các quan chức VFF, vợ tôi còn ngồi bên cạnh sợ tôi thay đổi ý kiến đột xuất”.
Dĩ nhiên trên thực tế đã chẳng có ý kiến đột xuất nào cả, ông Park đã đặt bút ký vào bản hợp đồng 2 năm với VFF. Và sự mạo hiểm của ông đã được đánh đổi bằng một kỷ nguyên mới của bóng đá Việt Nam, với vô vàn thành công, vô vàn cảm xúc mà chưa bao giờ người dân Việt Nam được hưởng thụ nhiều niềm vui chiến thắng đến thế.
Bởi bóng đá Việt Nam có HLV Park Hang-seo!
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.