Lần thứ 3 Bóng đá Việt Nam trục trặc trong việc tổ chức giải đấu cao nhất

26/03/2020 18:07 GMT+7

Kể từ khi giải vô địch bóng đá Việt Nam được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1980, đây là lần thứ 3 mà giải đấu hạng cao nhất của nước ta gặp những trục trặc trong khâu tổ chức giải

Lần đầu tiên diễn ra vào năm 1988, khi đó giải vô địch quốc gia Việt Nam còn có tên gọi là giải bóng đá A1 toàn quốc. Sau mùa giải 1987 không có đội bóng xuống hạng, giải đấu hạng cao nhất của bóng đá Việt Nam năm 1988 đã không được tổ chức, theo yêu cầu của các đội bóng để nhằm củng cố lại lực lượng. Chính vì thế, trong năm 1988 chỉ diễn ra các giải đấu khu vực và giao hữu để chuẩn bị cho “giải tách hạng” diễn ra vào năm 1989.

11 năm sau, một lần nữa giải bóng đá hàng đầu của Việt Nam cũng không thể diễn ra như kế hoạch ban đầu. Năm 1999, thay vì tổ chức giải bóng đá vô địch quốc gia, LĐBĐ Việt Nam chỉ tổ chức giải bóng đá tập huấn mùa xuân. Việc thay đổi này bắt nguồn từ việc không có biện pháp phòng chống các đội bóng thi đấu tiêu cực - do hệ lụy từ các mùa giải trước. Vì vậy, LĐBĐ Việt Nam buộc lòng phải đưa ra phương án thi đấu mà không có đội xuống hạng với hy vọng các đội bóng không còn bị áp lực về chuyện xuống hạng sẽ thi đấu nghiêm túc hơn.

Lần này V-League cũng không thể tiến hành một cách “xuôi chèo mát mái” do diễn tiến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 hiện nay. Sau 1 lần tạm dừng đến cuối tháng 3, VPF lại phải dừng tiếp đến 15.4 hoặc 1.5 VFF rồi lạiđang “trưng cầu dân ý” các CLB về việc tiến hành V-League theo phương thức tổ chức tập trung khu vực. Ý tưởng đưa ra này không phải là không có lý cho dù từ khi bóng đá Việt Nam chuyển sang cơ chế chuyên nghiệp (năm 2000), nếu phải thi đấu theo cách này thì đây là lần đầu tiên chúng ta phải chuyển sang thể thức như vậy.

V-League không nhất thiết phải trở lại sớm nếu dịch bệnh chưa kiểm soát hết

Khả Hòa

Trên thực tế, đây cũng không phải là hình thức thi đấu quá lạ lẫm với bóng đá Việt Nam. Nhìn lại lịch sử giải đấu số 1 của bóng đá Việt Nam từ trước tới nay, chúng ta cũng đã từng áp dụng hình thức thi đấu này. Từ năm 1980 đến 1995, các đội bóng chia thành các bảng theo khu vực địa lý. Trong mỗi bảng các đội thi đấu vòng tròn hai lượt tính điểm. Các đội ở tốp đầu lọt vào vòng chung kết để tranh chức vô địch. Còn các đội nằm ở tốp cuối bảng thi đấu vòng chung kết ngược để chọn đội xuống hạng.

Ngoài ra, hình thức thi đấu tập trung hiện cũng đang được áp dụng ở các giải trẻ do LĐBĐ Việt Nam tổ chức (U15, U17, U19, U21). Vòng loại được chia thành các bảng đấu theo khu vực, mỗi bảng đấu do 1 địa phương đăng cai, chọn các đội đứng đầu vào vòng chung kết. Các đội lọt vào vòng chung kết cũng thường thi đấu tập trung trên 1-2 sân của địa phương đăng cai vòng chung kết (hoặc của tỉnh lân cận).

TP.HCM cho rằng V-League chỉ nên đá lại khi Chính Phủ cho phép

Minh Tân

Chỉ tiếc rằng thời đểm nhạy cảm này đưa ra bàn V-League đá lại theo cách nào đã gặp phải nhiều ý kiến không đồng thuận, nhất là khi cả nước đang “gồng mình’ chống dịch, cần phải hạn chế tụ tập, tiếp xúc đông người, tránh lây lan. Thủ tướng và Chính Phủ, Bộ Y tế còn kêu gọi mọi người hãy ở nhà, quyết tâm chống dịch. Thế nên VPF tung ra kịch bản với 2 phương án đá lại đề nghị các đội cho ý kiến trước ngày 28.3  bị cho là thiếu ý thức và chưa thể hiện trách nhiệm cao với cộng đồng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.