Mô hình bóng đá HAGL: Ý nguyện dang dở của bầu Đức

04/05/2020 09:00 GMT+7

Trong 2 năm, HAGL từng tự hào là CLB V-League đầu tiên tự kiếm lời từ bóng đá . Tiếc rằng nhiều vấn đề khách quan và chủ quan đã khiến cuộc cách mạng hình mẫu đó dang dở đến tận bây giờ.

Đội bóng duy nhất kiếm lời từ bóng đá

Mùa bóng 2015 và 2016, ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) tự hào tuyên bố HAGL là CLB duy nhất tại V-League tự lấy bóng đá nuôi bóng đá. Sau khi NutiFood ra đi, đội bóng phố núi “kết hôn” với một đối tác mới là VP Milk trong 2 năm 2017 và 2018. Trong 4 mùa bóng đó, HAGL trung bình mỗi năm thu được 20 tỉ đồng từ các nhà tài trợ. Như trong 2 mùa bóng đầu tiên lứa Công Phượng lên chơi V-League, HAGL thu được gần 3 tỉ đồng tiền vé mỗi mùa nhờ sân Pleiku sức chứa chỉ 10.000 người nhưng luôn kín. Cộng thêm các nhà tài trợ phụ đặt biển quảng cáo, tiền cho thuê gần 20 ki ốt xung quanh khuôn viên sân Pleiku, tiền bán trang phục và đồ lưu niệm… tròm trèm mỗi năm CLB thu được khoảng 30 tỉ đồng.
Số tiền này đủ để HAGL tự trang trải cho chính CLB mà không cần tiền của bầu Đức rót vào. Chia tay toàn bộ các cầu thủ lớn tuổi, quỹ lương của HAGL giảm sâu khi những cầu thủ trẻ khóa 1 Học viện HAGL JMG lương trung bình 15 - 20 triệu đồng. Hầu như không mua người, chi phí lớn nhất HAGL phải bỏ ra là ăn ở khách sạn, vé máy bay khứ hồi trong 13 trận làm khách tại V-League và thêm vài trận Cúp quốc gia từ 3 - 5 tỉ đồng mỗi mùa. Thực ra đây là khoản chi “cứng” đội bóng nào cũng phải chuẩn bị… Riêng mùa 2016, HAGL cho 3 “viên ngọc” Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường xuất ngoại chơi bóng. Trung bình mỗi người CLB thu về trên 100.000 USD, vị chi hơn 6 tỉ đồng tiền để tái đầu tư cho bóng đá trẻ.
Thực tế, HAGL kiếm tiền cũng giúp V-League kiếm tiền khi đội đi đến đâu là kín sân, “vỡ sân” đến đó khiến nhiều CLB nhạy bén như Hải Phòng lập tức tăng giá vé khiến CĐV phản đối nhưng vẫn vào sân xem. Khi đó, bầu Đức tự hào tuyên bố HAGL là CLB duy nhất kiếm lời từ bóng đá.
Nhờ đào tạo trẻ tốt, CĐV nhà đến sân đông và trận đấu hấp dẫn thì sẽ thu hút rất nhiều tiền từ quảng cáo. Như NutiFood và VP Milk đều đã đổ tiền vào HAGL nhờ sức hút của khóa 1 Học viện HAGL JMG giúp CLB thực sự tự trang trải được các hoạt động của mình. Đó thực sự là những ngày đáng mơ ước. HAGL là đội bóng hiếm hoi có sân riêng, không phải đi thuê và họ thoải mái đến mức thậm chí còn không cần cho thuê sân Pleiku để làm các chương trình văn nghệ, đại nhạc hội mà vẫn đủ chi trả tiền bảo dưỡng sân, nhân viên, tiền điện…
Mô hình bóng đá HAGL: Ý nguyện dang dở của bầu Đức1

Khi lứa Tuấn Anh (11) hết hợp đồng, HAGL sẽ gặp khó khăn về lực lượng vì khóa 2 chưa tạo được ấn tượng

ẢNH: BÁ DUY

Cuộc cách mạng dang dở

Có những thời điểm HAGL khiến các đối thủ ghen tị khi trở thành “khách” ngay trên sân nhà của mình vì CĐV quá yêu quý những Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường, Văn Toàn, Văn Thanh, Hồng Duy… Bầu Đức có lẽ cũng ít ngờ rằng điều đó đã thay đổi cách làm bóng đá của những ông lớn khác như CLB Becamex Bình Dương. “Chelsea Việt Nam” ngừng bơm tiền mua danh hiệu, chăm chút hơn cho bóng đá trẻ và đang tận hưởng niềm tự hào nho nhỏ khi có những cầu thủ trưởng thành từ lò đào tạo trẻ như Tiến Linh, Anh Tỷ, Trọng Huy, Dũ Đạt, Việt Cường…
Tiếc là những ngày vui của HAGL không kéo dài khi khó khăn của tập đoàn khiến bầu Đức không còn dành nhiều thời gian cho đội bóng. Thêm vào đó, sự chán nản với VFF, VPF và hiện tượng một ông chủ nhiều đội bóng cũng khiến bầu Đức mang tâm lý “đầu tư cho vui” vì cuộc chơi đã bị thao túng.
Về chủ quan, HAGL cũng đánh mất nhiều cho những ngoại binh chất lượng kém. Khi lứa 1 Học viện HAGL JMG còn non trẻ, những ngoại binh bị chê là “tệ nhất V-League”. Cộng thêm HLV Guillaume Graechen thiếu kinh nghiệm đỉnh cao nên mùa 2015 HAGL xếp hạng 13. Ngoài ra, những đầu tư chiến lược như các ngoại binh lấy từ Nhật Bản, Hàn Quốc và cả cựu Giám đốc kỹ thuật Chung Hae-soung về HAGL không hợp “thổ nhưỡng” khiến họ càng khó khăn. Thành tích các năm sau cũng chỉ là hạng 12, hạng 10 và đến mùa 2019 vừa rồi đội cũng chỉ vươn lên được hạng 8. Những trận thua liên tục đã khiến các nhà tài trợ NutiFood và VP Milk lần lượt chia tay, khán giả phản ứng đến sân ít đi khiến nguồn thu giảm trầm trọng.

Niềm vui HAGL

Minh Trần

HAGL thường tạo ra nghịch lý. Bản thân họ đến lúc này dù chưa bao giờ chen chân được top 5 từ sau tấm huy chương đồng năm 2013 thì vẫn đang là số 1 Việt Nam, thậm chí Đông Nam Á và có giai đoạn là hàng đầu châu Á và chen vào top 8 thế giới nhiều tháng về lượng xem, tương tác trên các trang mạng xã hội như YouTube, fanpage… Tình yêu mạnh mẽ và thủy chung của các CĐV trung thành là sức mạnh lớn nhất của họ vào thời điểm này.
Tuy nhiên, khó khăn trước mắt đội bóng phố núi là khá nhiều cầu thủ trụ cột như Minh Vương, Tuấn Anh, Xuân Trường… gần hết hợp đồng. Tình hình kinh doanh của tập đoàn có dấu hiệu khởi sắc nhưng vẫn còn trong giai đoạn tái cơ cấu vốn nên chưa tiếp sức được. Nhà tài trợ Thaco trên ngực áo đến lúc này vẫn chưa công khai ủng hộ mạnh mẽ CLB. Đầu vào cho Học viện HAGL JMG đang là dấu hỏi khi 2 - 3 năm nay không tuyển sinh. Gần nhất, HAGL chỉ đầu tư cho lớp năng khiếu trong khi những con người làm trẻ tốt nhất như Nguyễn Quốc Tuấn, Đinh Hồng Vinh… đều đã ra đi để làm “tổng quản” đào tạo trẻ tại Đà Nẵng và Học viện Juventus. Ngoài HLV Guillaume Graechen, các HLV trẻ khác đều non và yếu kinh nghiệm. Điều này dự báo một tương lai khó khăn cho HAGL về lứa kế cận cho Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường…

HAGL tập trung ở Hàm Rồng

Minh Trần

Mùa bóng này, HAGL đã kín tiếng hơn, tập trung đầu tư tốt hơn cho khâu ngoại binh. Ngoại trừ Công Phượng được cho TP.HCM mua lại hợp đồng từ Sint-Truidense, tất cả cầu thủ tốt nhất của HAGL được giữ lại với mục tiêu gặt hái thành tích tốt hơn như lời xin lỗi đến các CĐV. Họ đang tạm xếp hạng 3 sau 2 vòng đầu tiên gặp các đối thủ mạnh như Than Quảng Ninh và Viettel. Nhưng rõ ràng HAGL vẫn còn cần đầu tư thêm nữa, để tạo ra sự ổn định, cả trong thi đấu lẫn ngoài sân cỏ để làm sống lại sức hút của mình.
Trên kênh YouTube của HAGL có hơn 318.000 người đăng ký, nhiều clip nổi bật của đội bóng phố núi luôn có hàng trăm ngàn lượt xem. Tháng 7.2019, kênh YouTube của HAGL vinh dự lọt vào tốp 5 CLB thế giới có lượt xem nhiều nhất. Mùa Covid-19, trong khi một số đội bóng khác im lặng, thì HAGL hành động. Họ không chỉ giao lưu tặng quà cho người hâm mộ mà còn dọn dẹp vệ sinh, đặc biệt là tổ chức Cuộc bình chọn đội hình xuất sắc nhất của HAGL từ trước đến nay đã tạo hiệu ứng tốt. Đây chính là cách để người hâm mộ không quên họ và là cách để giao lưu với những người yêu mến đội bóng trong thời gian giãn cách xã hội
Q.Việt
“HAGL sẽ không bán các ngôi sao của mình”
“HAGL đã đồng ý cho TP.HCM “chuộc” lại hợp đồng mượn Công Phượng từ CLB Sint-Truidense. Nhưng tôi khẳng định sẽ không bán bất kỳ cầu thủ HAGL nào. Phải nói rằng vài năm trở lại đây tôi không có nhiều thời gian dành cho CLB như xưa. Lý do thì ai cũng biết, cuộc chiến thương trường thực sự cam go và tôi phải dồn sức cho nó. Vì tôi kinh doanh không tốt thì làm sao nuôi đội bóng được. Do đó thành tích đội đi xuống là do tôi. Phải nói thẳng và thật là như thế. Tôi là người có lỗi đầu tiên. Mùa bóng này đội bóng được đầu tư tốt hơn, hy vọng sẽ đạt thành tích cao hơn để đem lại niềm vui cho các CĐV. Tất nhiên, nếu để tranh vô địch thì đầu tư mấy cũng không thể rồi”, ông Đoàn Nguyên Đức nói. 
Linh Nhi - Thành Thắng
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.