Ngồi ghế nóng VFF không hề dễ dàng!

20/07/2020 09:31 GMT+7

Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) tìm người kiếm tiền cho bóng đá Việt Nam trong bối cảnh nền kinh tế đất nước gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Một số ứng viên được các thành viên của VFF đề cử cũng đã thừa nhận rằng, bản thân họ đang lao vào cuộc đua quá cam go và nếu trúng cử, phải đối diện với rất nhiều thách thức trong nửa chặng đường tiếp theo của nhiệm kỳ 8 (2018 - 2022).
So với tiêu chí lựa chọn các chức danh phó chủ tịch VFF còn lại thì phó chủ tịch phụ trách tài chính và vận động tài trợ còn phải hội tụ nhiều năng lực đặc biệt khác, liên quan mật thiết đến chuyện kiếm tiền. Đó là năng lực quản trị, thương mại, quan hệ rộng, có uy tín trong giới doanh nhân, có khả năng hoạch định, xây dựng và chỉ đạo triển khai các cơ chế, chính sách nhằm huy động, quản lý, sử dụng hiệu quả các nguồn lực để phát triển bóng đá Việt Nam.
Sau khi 3 nhân vật được giới thiệu đã xin rút (gồm ông Trần Quốc Tuấn, ông Trần Anh Tú và ông Nguyễn Hoài Nam), danh sách ứng viên chỉ còn lại 3 gương mặt và đều là các doanh nhân. Vẫn biết “đường dài mới biết ngựa hay” nhưng không thể không âu lo bởi cả 3 ứng viên này đều có những mặt mạnh mặt yếu và chưa rõ ai trong số ba ứng viên này có thể thỏa mãn một loạt những tiêu chí khắt khe mà VFF đưa ra như vừa liệt kê ở trên.
Lật dở lại nhiệm kỳ 7 (2014 - 2018), Phó chủ tịch VFF phụ trách tài chính là ông Đoàn Nguyên Đức, cũng là một doanh nhân có tiếng ở Việt Nam. Thế nhưng tình hình tài chính của VFF ở nhiệm kỳ này không thực sự tốt.
Mặc dù có tăng trưởng sau mỗi năm nhưng không được con số như kỳ vọng của chính VFF. Cả nhiệm kỳ 7, công tác tiếp thị và vận động tài trợ đạt 248 tỉ đồng, thấp hơn chỉ tiêu đặt ra từ đầu nhiệm kỳ và chỉ cao hơn 10 tỉ đồng so với nguồn thu của riêng năm 2019.
Nhiều nguồn chi quan trọng của VFF, quỹ tài chính bị thiếu hụt nên bầu Đức đã phải tự chi tiền túi (ví dụ như trả lương cho HLV Park Hang-seo trong bản hợp đồng 2 năm đầu tiên). Xét về nghĩa khí thì đây là hành động rất đáng khen của bầu Đức. Tuy nhiên xét về mặt bản chất, đây là như một minh chứng cho sự... thất bại của chính bầu Đức trong việc kiếm tiền cho VFF. Vì nếu VFF đủ năng lực tài chính thì ông Đức đã không phải tự bỏ tiền cá nhân.
Trở lại với danh sách 3 ứng viên còn lại đang chạy đua vào chức danh Phó chủ tịch phụ trách tài chính VFF. Ông Phạm Thanh Hùng ngoài một số chức danh hiện có tại VFF, còn đang sở hữu Công ty khoáng sản vàng Hà Giang. Ông Lê Văn Thành, sở hữu Công ty thể thao Động Lực, còn ông Trần Văn Liêng quản lý Công ty cổ phần cacao Việt Nam. Một trong 3 doanh nhân này phải giải được bài toán cực kỳ khó khăn của VFF: Không được để lỗ trong năm 2020.
Năm nay, VFF dự kiến thu 255 tỉ đồng. Tuy nhiên do Covid-19, một số đối tác của VFF làm ăn thất bát nên xin chậm giải ngân tiền tài trợ cho VFF, hoặc xin hủy luôn hợp đồng trước thời hạn mà VFF buộc lòng phải chấp nhận. Đầu năm, VFF dự kiến lãi khoảng 7,5 tỉ đồng nhưng sau 6 tháng đã phải dự báo lại là có khả năng lỗ cả năm vào khoảng 15 - 20 tỉ đồng. Ngồi ghế nóng VFF vào bối cảnh hiện tại, quả là không hề dễ chút nào!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.