Trung vệ thép rắn rỏi
Trong cuốn tự truyện “Phút 89” của mình, Lê Công Vinh đã xem Nguyễn Hữu Thắng như “người thầy, người bạn lớn” mà anh có thể luôn tìm đến bất kỳ lúc nào. Thực tế với rất nhiều cầu thủ từ lò SLNA đi ra thì “anh Hữu” luôn là tấm gương về cách sống, hành xử. Cá tính trách nhiệm, trưởng thành đã nổi bật từ khi cậu bé Hữu Thắng sinh năm 1971 gia nhập lò năng khiếu SLNA nhưng năm 1980, cho đến khi được đôn lên đội 1 năm 1991.
Sau 1 năm dự bị cho đàn anh Nguyễn Quang Hải (Hải vẩu), Hữu Thắng chiếm được suất đá chính trong vai trò trung vệ dập và nhanh chóng trở thành lá chắn thép rắn rỏi giúp SLNA đoạt HCĐ giải vô địch quốc gia. Thời đó SLNA chơi rắn, nổi tiếng “chém đinh chặt sắt” và Hữu Thắng luôn là người chơi rất rắn. Điều này về sau được nhiều danh thủ cùng thời như Huỳnh Đức xác nhận bằng sự ngán ngại.
|
Không ngạc nhiên khi Hữu Thắng sớm nổi lên như hạt nhân của lứa SLNA đóng góp cho đội tuyển quốc gia và trở thành một thành viên quan trọng ở các kỳ SEA Games 1995, 1997 hay Tiger Cup 1996, 1998. Sau Mạnh Cường và Hoàng Bửu thì Hữu Thắng được tín nhiệm làm thủ quân đội tuyển Việt Nam từ năm 1997 thời điểm anh đoạt quả bóng Bạc Việt Nam, cho đến khi giải nghệ sớm năm 1999 vì chấn thương và trao băng lại cho Huỳnh Đức.
|
Suốt hành trình đó đến sau này, Hữu Thắng luôn là chỗ dựa cho đồng đội, trở thành thủ lĩnh biểu tượng của bóng đá SLNA giàu truyền thống. Ngoài tài năng và tinh thần rắn rỏi, quyết liệt trên sân cỏ thì Hữu Thắng còn được nhắc đến nhiều bởi lòng trung thành như thần tượng Paolo Maldini khi dành hết sự nghiệp cho SLNA.
Thực tế người đàn ông này để lại màu sắc giai thoại ở trong và ngoài sân bóng. Các cầu thủ đàn em SLNA sau này như Dương Hồng Sơn, Nguyễn Huy Hoàng… từng kể việc Hữu Thắng nắm cổ một người bạn thân mình giữa cầu vì cái tật mò vào đội SLNA “xin tiền” cầu thủ trẻ. Hành động bảo vệ các đàn em đó đã giúp Hữu Thắng luôn là “anh Hữu” để các lứa sau dựa vào. Công Vinh viết trong sách Hữu Thắng như một máy “ATM 24 giờ” để đàn em ỷ lại. Nhưng nếu nhìn lại gia đình có 5 anh em, bố mẹ là công nhân nhà máy in mới thấy Hữu Thắng sinh ra vừa khó vừa khổ chứ không phải nhà “có máy in tiền”.
Vào tù vì đưa tiền cho Cảng Sài Gòn đánh bại Nam Định
Câu nghe nhiều nhất của những cựu cầu thủ thế hệ trước là: “Đời cầu thủ vốn bạc”. Cuộc đời của Hữu Thắng nếu dựng phim sẽ cực hay, với quá nhiều cảm xúc, với các bậc thăng trầm mà nếu ai hiểu thời thế bóng đá Việt Nam những năm đầu 2000 mới cảm nhận rõ. Tháng 5.2005, chưa vơi nỗi đau mất mẹ, con trai đầu lòng chưa thôi nôi thì Hữu Thắng vào tù vì nghi án “đưa hối lộ” chức vô địch 2001 khi còn là trợ lý.
Phải đến năm 2008, Viện kiểm sát Nhân dân tối cao ra quyết định Hữu Thắng đưa 300 triệu cho Cảng Sài Gòn không có bằng chứng lấy tiền từ quỹ SLNA. Tòa xác định Hữu Thắng “đưa tiền vì động cơ cá nhân” để Cảng Sài Gòn có động lực mạnh hơn để thắng Nam Định giúp SLNA vô địch. Thực tế đây là điều rất bình thường ở các nền bóng đá như Tây Ban Nha, thậm chí Real và Barca trong cuộc đua vô địch thường xuyên công khai mức thưởng để đội thứ 3 dốc sức thắng. Đó là những suy nghĩ nếu đặt trong hoàn cảnh những năm 2001 sẽ thông cảm hơn, nhưng để lại dư chấn đến tận bây giờ khiến Hữu Thắng thường hạn chế tiếp xúc với truyền thông.
|
Được minh oan, Hữu Thắng trở lại bằng pha giải cứu ngoạn mục con thuyền đắm Hà Nội T&T ở lượt về mùa 2009. Từ chỗ rơi rự do xuống đáy bảng, đội thắng liền 10 trận và cán đích hạng 4. Đến mùa sau, dù Hà Nội T&T cam kết đầu tư khủng để đem cúp về Thủ đô đúng dịp 1.000 năm Thăng Long, Hữu Thắng lại càng khiến nhiều người vị nể khi từ chối bầu Hiển để trở về “úp mặt vào sông quê” theo lời gọi của SLNA.
Về mảnh đất luôn là tình yêu số 1, anh mở ra triều đại vàng son với chức vô địch Cúp Quốc gia 2010, rồi vô địch V-League 2011 đầy thuyết phục. Đó là mùa giải rất đẹp, khi SLNA chơi bóng mạnh mẽ và không kém phần kỹ thuật với thế hệ cầu thủ trẻ tài năng như Trọng Hoàng, Âu Văn Hoàn, Hoàng Văn Bình, Hoàng Thịnh… bên cạnh những đàn anh kỳ cựu Huy Hoàng, Đình Đồng, Văn Quyến… Vinh quang đó giải tỏa cơn khát danh hiệu 1 thập niên và cũng là ánh hào quang cuối cùng của đội bóng kéo dài đến bây giờ, nhất là sau khi Hữu Thắng ra đi năm 2014 vì bất lực trong việc thay đổi cơ chế làm việc cũ kỹ đã ngấm quá sâu ở CLB.
|
|
|
|
Tan giấc mơ Vàng nhưng trở thành chủ tịch CLB
Thực tế, sau chức vô địch V-League 2011, phải đến khi được VFF và tất cả các cơ quan chức năng xác nhận rõ hồ sơ mời ngồi vào chiếc ghế HLV trưởng đội tuyển Việt Nam thì nỗi oan của Hữu Thắng mới được gột sạch. Đó là đợt sàng lọc hồ sơ mà bản thân lãnh đạo VFF thừa nhận chưa bao giờ phải làm kỹ và tế nhị đến thế. Triều đại của Hữu Thắng khởi đầu rất thuận lợi với những chiến thắng ấn tượng, nhưng rồi 2 cú sẩy tại bán kết AFF Cup 2016 và SEA Games 2017 đã khiến anh nhanh chóng là tội đồ vì sử dụng nhiều cầu thủ xứ Nghệ.
Nhưng rất nhanh, tài năng của anh đã lọt vào mắt xanh của lãnh đạo CLB TP.HCM, mời về thay cho cuộc cách mạng dang dở có ảnh hưởng nhiều tính showbiz của Công Vinh. Lặng lẽ làm việc nhưng đưa ra từng bước rắn chắc, cụ thể, Hữu Thắng giúp đội bóng chỉ biêt lo trụ hạng trước đó vụt sáng thành á quân V-League 2019 khi dám đặt niềm tin vào đẳng cấp của HLV Chung Hae-soung vừa thất bại tại HAGL. Chiến lược gia Việt, chiến thuật gia Hàn Quốc cùng nhau đang tạo ra CLB TP.HCM được đánh giá chuyên nghiệp bậc nhất Việt Nam đang dẫn đầu V-League 2020 cũng như bảng G AFC Cup.
|
Hữu Thắng từng tổng kết lại : “Bóng đá đã khiến cuộc đời tôi bước qua đầy đủ những thăng trầm ở mọi cung bậc. Lúc vui lên đến tột đỉnh, lúc mất mát cũng xuống đến tận đáy… Khi đã bước qua tất cả, tôi ngẫm lại và nghĩ rằng có lẽ số phận tôi nó thế, tôi phải chấp nhận. Đau khổ nào rồi cũng sẽ đi qua cả thôi”. Quả thật, cuộc đời đầy sóng gió của Hữu Thắng đã giúp anh nếm đủ vị từ “khổ tận” đến “cam lai”. Tạm rời xa sa bàn, Hữu Thắng đang cố gắng hoàn thiện hơn trong vai trò bao quát rộng hơn, nhiều việc với đa góc nhìn hơn của một nhà quản trị.
Anh khẳng định luôn tôn trọng không can thiệp vào công việc của các HLV, nỗ lực xây dựng tinh thần đoàn kết, chuyên nghiệp để kéo khán giả trở lại sân cỏ. Cho giấc mơ này, Hữu Thắng đã mua nhà trong Nam để gia đình cùng theo vào. Anh chia sẻ: “Hiện tại gia đình tôi đang chia đôi 50-50 giữa Vinh và Sài Gòn vì cậu lớn 15 tuổi đang học ở trong Nam trong khi cậu em 7 tuổi đang ở với mẹ và ông bà ngoại tại Vinh”.
|
|
Có 1 điều rất đặc biệt là Hữu Thắng có nét đặc sắc nào mà có thể chiếm được niềm tin và sự tôn trọng từ 2 ông bầu cá tính và có ảnh hưởng lớn nhất đến bóng đá Việt Nam là bầu Đức và bầu Hiển? Anh đáp: “Tôi tôn trọng những người là doanh nghiệp đam mê đứng sau ủng hộ, cung cấp tài chính giúp cho bóng đá Việt Nam tiến lên chuyên nghiệp như bầu Đức, bầu Hiển, bầu Trường, bầu Thắng, bầu Thụy hoặc tập đoàn PVF, FLC.
Tất cả họ đã cùng góp công cho bóng đá Việt Nam thành công như ngày hôm nay. Nhưng trong chuyên môn và những vấn đề khác, tôi luôn rạch ròi, rõ ràng với anh Hiển và anh Đức. Tôi thẳng tính dám nói dám làm, dám chịu trách nhiệm việc mình làm. Nên có thể các anh tôn trọng tôi vì lý do đó”.
Bình luận (0)