Ông Hoàn pháo không biết chủ cũ đội Hải Phòng lại muốn VPF đại hội cổ đông bất thường

27/09/2021 18:49 GMT+7

Ngày 27.9, Công ty cổ phần thể thao Hải Phòng đã có công văn gửi Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) tái đề nghị đại hội đồng cổ đông bất thường. Điều đáng lưu ý là Chủ tịch CLB Hải Phòng không biết có công văn này.

Cách đây ít ngày, VPF đã có công văn hồi đáp phía Hải Phòng như sau: “Việc yêu cầu triệu tập họp đại hội đồng cổ đông bất thường của quý cổ đông không đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 3, 4 Điều 115 Luật Doanh nghiệp 2020 và khoản 3 đều 24 Điều lệ VPF.
Do đó, yêu cầu của Quý cổ đông không thuộc trường hợp triệu tập họp đại hội đồng cổ đông bất thường của HĐQT VPF. HĐQT xin gửi lời cảm ơn đến Quý cổ đông đã có những ý kiến đóng góp cho VPF. Về những ý kiến đóng góp, kiến nghị của Quý cổ đông, HĐQT sẽ cùng với các cổ đông thảo luận tại đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021 sẽ được tổ chức trong thời gian sớm nhất khi có đủ điều kiện cho phép”.

Ông Trần Mạnh Hùng

ẢNH: MINH TÚ

Trong công văn do ông Lê Xuân Hải, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần thể thao Hải Phòng ký vào ngày 27.9, có nội dung: “Ngày 26.8.2021, Công ty cổ phần thể thao Hải Phòng – CLB Hải Phòng có văn bản gửi HĐQT VPF về việc triệu tập cuộc họp Đại hội đồng cổ đông bất thường vì sự yếu kém về điều hành, thiếu minh bạch, áp đặt (lợi ích nhóm), không quan tâm đến quyền lợi của các CLB, xa rời với tiêu chí hoạt động của VPF.
Ngày 25.9, công ty cổ phần thể thao Hải Phòng - CLB Bóng đá Hải Phòng nhận được văn bản của VPF phúc đáp, không chấp thuận yêu cầu họp đại hội đồng cổ đông bất thường với lý do không đáp ứng các quy định. Việc gì những người đứng đầu VPF phải né tránh trách nhiệm. Một lần nữa, Công ty cổ phần thể thao Hải Phòng - CLB Bóng đá Hải Phòng đề nghị VPF khẩn trương tổ chức đại hội cổ đông bất thường. Đây là danh dự, uy tín của cả tập thể VPF đối với bóng đá Việt Nam. Không thể để ý đồ của những người đứng đầu VPF yếu kém về năng lực trong công tác điều hành làm ảnh hưởng đến các quyền lợi chung của tất cả các CLB Bóng đá chuyên nghiệp”.

Đội Hải Phòng đã có chủ tịch mới

ẢNH: MINH TÚ

Điều đáng lưu ý là ông Lê Xuân Hải không phải là đại diện pháp luật của Công ty cổ phần thể thao Hải Phòng mà là chủ tịch Công ty cổ phần thể thao Hải Phòng Trần Mạnh Hùng – nguyên chủ tịch CLB Hải Phòng. Vì thế chỉ có ông Hùng với tư cách là đại diện pháp luật của Công ty cổ phần thể thao Hải Phòng (là cổ đông của VPF) mới có quyền ký văn bản nói trên. Hoặc phải có giấy ủy quyền cho ông Lê Xuân Hải thì ông Hải mới được quyền ký.
Trao đổi với Báo Thanh Niên vào chiều ngày 27.9, chủ tịch CLB Hải Phòng Văn Trần Hoàn cho biết, ông không biết có công văn mà ông Lê Xuân Hải ký gửi VPF vào ngày 27.9. “Mối quan tâm lớn nhất của tôi lúc này là làm sao sân Lạch Tray được phép tổ chức hai trận đấu của tuyển Việt Nam trên sân nhà tại vòng loại World Cup. Tôi không hề hay biết có công văn này”, ông Văn Trần Hoàn nói. Ông Hoàn - chủ tịch Công ty cổ phần Sông Hồng đang là đơn vị quản lý đội Hải Phòng.
Cũng thêm một chi tiết đáng lưu ý khác, là trong công văn gửi VPF ngày 27.9, Công ty cổ phần thể thao Hải Phòng nói VPF đã giữ lại công văn 30 ngày mới trả lời Công ty cổ phần thể thao Hải Phòng về việc đề nghị triệu tập họp đại hội đồng cổ đông bất thường.

Sân Lạch Tray được làm mới

ẢNH: LÊ TÂN

Trả lời báo Thanh Niên, một thành viên của VPF cho hay, chủ tịch VPF đã đề nghị họp HĐQT ngày 8.9 nhưng ông Trần Mạnh Hùng đã đưa ra yêu cầu họp trong khoảng thời gian từ ngày 15-20.9. Do vậy đến ngày 18.9 và ngày 23.9, HĐQT đã có hai cuộc họp liên tiếp và ra nghị quyết không tổ chức đại hội đồng cổ đông bất thường và đến ngày 25.9 trả lời cổ đông theo đúng quy định của luật.
Hiện tại, Công ty cổ phần thể thao Hải Phòng vẫn nợ thuế gần 18 tỉ đồng và nếu không trả nợ thuế vào cuối năm nay, CLB Hải Phòng có thể bị VFF và VPF đưa vào danh sách các đội không đạt tiêu chí cấp phép của Liên đoàn Bóng đá châu Á. 
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.