​ Phan Công Thìn: Lênh đênh phận buồn của người con xứ Quảng

29/04/2020 07:00 GMT+7

Phan Công Thìn là 1 trong những người hùng của thế hệ vàng bóng đá Quảng Nam Đà Nẵng cuối thập niên 80, đầu 90 thể kỷ trước. Nhưng sự nghiệp của người con xứ Quảng này lại chất chứa nỗi niềm lênh đênh phận buồn.

3 lần tiễn con đi, 3 lần khóc thầm lặng lẽ

Câu hát trong bài Đất nước của Phạm Minh Tuấn đầu thập niên 90 luôn được các cầu thủ Quảng Nam Đà Nẵng mỗi lần ra trận đều hát lên như một cách cảm thán. Năm 1991 sau trận chung kết với Hải Quan, tôi có dịp ngồi cùng đội bóng tại trường Năng khiếu nghiệp vụ TDTT, số 43 Điện Biện Phủ, TP.HCM và đã nghe hết Bùi Thông Tuân, Lê Văn Sinh, Bùi Thông Tân, Nguyễn Hữu Cầu và nhất là Phan Công Thìn nghêu ngao câu hát có đổi một chút này từ 2 lần thành 3 lần khóc thầm lặng lẽ.

Ý muốn nói đến 3 trận chung kết đều thất bại trong đau đớn của Quảng Nam Đà Nẵng năm 1987, 1990 (thua CLB Quân đội) và 1991 (thua Hải Quan). Phan Công Thìn có lẽ là người đau nhất vì chính anh một mình ghi 2 bàn thắng ngay trên sân Thống Nhất giúp đội bóng sông Hàn cầm chân 2-2 trước Hải Quan, nhưng rút cuộc đội của anh vẫn thua trên chấm luân lưu 11m.

Đó là thời điểm cực thịnh của bóng đá xứ Quảng Đà. Có lẽ sự cảm thán đó nên trời không phụ lòng người khi chỉ 1 năm sau, Phan Công Thìn cùng đồng đội đã đánh bại Công An Hải Phòng để lên ngôi vô địch đội mạnh toàn quốc ngay tại sân Chi Lăng và 1 năm sau đó giành Cúp quốc gia. Phan Công Thìn nhớ lại “ Ngày ấy tôi mặc áo số 6 đá biên trái, còn cánh đối diện là Nguyễn Hữu Cầu số 14. Trung tâm hàng tiền vệ là Bùi Thông Tân đá thủ và Trần Minh Toàn đá công. Cặp tiền đạo là Lê Văn Sinh và Phan Thanh Hùng, có khi còn cả Hà Xá và Lê Văn Hà. Phía dưới Hoàng Kim Tuấn 1 bên , Nguyễn Phan Hoài Linh 1 bên, cặp trung vệ là Bùi Thông Tuân và Nguyễn Phương Trung cùng thủ môn Trương Văn Lợi.

Chúng tôi chơi ăn ý, gắn kết với nhau, từng động tác phối hợp không cần nhìn nhau vẫn diễn ra một cách thuần thục, nhịp nhàng. Đó là 1 tập thể đầy tự hào của bóng đá Quảng Nam Đà Nẵng. Sau 3 lần về nhì mà chúng tôi chỉ biết cay đắng gạt nước mắt thì cuối cùng chúng tôi cũng có những ngày vinh quang..”

Niềm vui chiến thắng của đội Quảng Nam Đà Nẵng. Phan Công Thìn ngồi dưới cùng

Đội Quảng Nam Đà Nẵng với nhiều cái tên lẫy lừng. Phan Công Thìn (bìa phải hàng ngồi)

Phan Công Thìn trong trận đá đèn tại giải đội mạnh toàn quốc

 

Chuyên gia bóng đá Đoàn Minh Xương nhận xét “ Thời đó xem Quảng Nam Đà Nẵng thi đấu, nhiều người bị mê hoặc bởi sự đồng điệu trong lối chơi của đội bóng sông Hàn, nhất là những pha xử lý cực dẻo từ biên trái của Công Thìn lật vào cho Thanh Hùng đánh đầu, Minh Toàn băng lên ghi bàn từ tuyến 2 hay Hữu Cầu từ biên phải lao vào như tia chớp dứt điểm lạnh lùng. Phan Công Thìn khi đó vừa là nhà kiến thiết, vừa là ngòi nổ lợi hại và vừa có thể ghi bàn từ những cú sút xa vô cùng điệu nghệ. Chính lối đá khôn ngoan, sắc sảo của anh đã chiếm trọn trái tim của khán giả thời đó”

Phan Công Thìn (hàng ngồi thứ 2 từ trái) cùng tuyển Việt Nam chuẩn bi SEA Games 1993

Thế nhưng cuộc đời cầu thủ của Phan Công Thìn giống như biểu đồ hình sin khi vinh quang cay đắng có đủ. Bởi cùng với thất bại sau đó là ánh hào quang ở giải Vô địch quốc gia thì khi lên tuyển anh vướng vào sự cố tự ý bỏ về cùng 10 đồng đội khác trong đợt tập trung của đội tuyển Việt Nam chuẩn bị cho SEA Games 1991. Như một tuyển thủ khác là Nguyễn Châu Hồng đã từng lý giải mà chính Công Thìn cũng xác nhận “Bấy giờ mọi sinh hoạt ở Nhổn quả thiếu thốn, các cầu thủ ngoài tập ra không có một sinh hoạt giải trí nào. Giữa đồng không hiu quạnh, sau buổi tập, anh em cứ đi ra đi vào và đập muỗi. Chính vì buồn quá mà lại suy nghĩ chưa thấu đáo nên anh em rũ nhau bỏ về”

Phan Công Thìn (thứ tư từ phải sang hàng đứng) cũng đội tuyển Việt Nam chuẩn bị vòng loại World Cup 1994

Sau tai nạn không đáng có đó, Công Thìn vẫn được gọi lên tuyển Việt Nam chuẩn bi cho SEA Games 1993 và vòng loại World Cup 1994. Anh vẫn chứng tỏ sự lợi hại trong lối chơi của mình. Nhưng khi trở về thi đấu cho Quảng Nam Đà Nẵng năm 1995 thì lại không may khi đội bóng phải đi chung kết ngược rồi những câu chuyện không vui phía sau khiến anh dù có trở lại 1 năm sau đó thì đã không còn hình ảnh như xưa. Công Thìn quyết định chia tay sân cỏ, sống tách biệt và phải mất hơn 1 năm sau anh mới đồng ý bước chân theo con đường đào tạo trẻ. “ Tôi đã suy nghĩ rất lâu và đã nhiều ngày đắn đo dữ dội. Bóng đá là cái nghiệp đã ăn vào máu mình, đúng là có bạc bẽo nhưng không thể nào dứt nổi. Vì vậy cuối cùng tôi chấp nhận thử thách để mong dẫn dắt lớp trẻ lấy lại hình ảnh ngày xưa cho bóng đá xứ Quảng.”, Anh nói.

Đào tạo ra lứa tài năng nhưng không gặp thời

 Phan Công Thìn sinh năm 1964 tuổi con rồng nên có lối chơi rất hoa mỹ. Cái tên Thìn theo anh cũng phần nào lấy từ năm sinh Giáp Thìn mà ra. Anh trưởng thành rất sớm khi được phát hiện từ năm 1979 và đến năm 1981 vào lớp năng khiếu tỉnh và chỉ 1 năm sau lên đá giải A 2 toàn quốc khi chỉ mới 18 tuổi. Một năm sau anh đã lọt vào đội hình tuyển Quảng Nam Đà Nẵng, 3 lần hạng nhì quốc gia, 1 lần vô địch và 1 lần đoạt Cúp Quốc gia. Nhờ chơi ở vị trí tiền vệ nên Công Thìn sớm bộc lộ khả năng lèo lái tốt lối chơi, nhản quan chiến thuật nhanh nhạy, biết thích ứng với nhiều đối thủ khác nhau. Anh cũng tự hào khi cho biết cả sự nghiệp cầu thủ chỉ dính có 3 thẻ vàng. Và đó chính là thuận lợi khi anh bước vào con đường gõ đầu trẻ.

Phan Công Thìn thời còn thi đấu xông xáo như cơn lốc

 

Không phải ngẫu nhiên mà rất nhiều học trò anh như Phan Thanh Phúc, Huỳnh Quốc Anh, Châu Lê Phước Vĩnh, Lê Quang Cường, Phan Thanh Hưng, Võ Hoàng Quảng hay thủ môn Nguyễn Đức Nam đều luôn đưa ra nhận xét “ Thầy Thìn rất tâm huyết, thị phạm động tác hay, luôn truyền đạt những kiến thức bổ ích vì thầy đã vận dụng nhiều bài học thực tế và chịu khó để theo học đầy đủ lấy cả 3 bằng A, B, C huấn luyện viên của AFC. Chính cách làm việc hết mình của thầy đã thổi lửa cho tụi em luôn tư duy không ngừng để nâng cao cách chơi..”

Lứa tài năng này đã được HLV Phan Công Thìn trong vai trò phó tướng cùng với vị HLV ngoại Kennet Morton (người Anh có vợ Úc) dẫn dắt đã thi đấu thành công tại giải U.21 báo Thanh Niên năm 2003 tại An Giang khi giành ngôi vô địch. Công Thìn nói “ Cái vận lại đến với bóng đá Đà Nẵng hệt như 3 lần tiễn con đi 2 lần khóc thầm lặng lẽ của năm 1999 và 2001 đều về nhì giải U.21 (thua Thể Công và Sông Lam Nghệ An đều trê sân nhà). Nhưng ở lần thứ 3 khi vào chung kết với Sông Lam Nghệ An tại Long Xuyên năm 2003 thì chúng tôi đã thắng để lên ngôi vô địch”. Chính thành công ở giải U.21 mà Công Thìn cùng với thầy Kennet Morton được giao nắm đội 1 Đà Nẵng ngay năm sau đó. Bấy giờ trong tay ông có những học trò là những cái tên lẫy lừng hiện nay như Lê Huỳnh Đức, Vũ Hồng Việt hoặc nổi đình nổi đám thời đó như Lê Hồng Minh, Phạm Hùng Dũng, Giang Thành Thông..

Phan Công Thìn làm phó tướng cho HLV Kenneth Morton dẫn dắt đội 1 Đà Nẵng có Huỳnh Đức, Hồng Việt..

Nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang. Chân ướt chân ráo lên nắm đội lớn lại thế vai khi ông Kennet Morton ra đi giữa năm 2004, Phan Công Thìn dù có kinh nghiệm và nỗ lực lèo lái vẫn không đủ thực quyền để tự làm mọi chuyện. Những tác động từ phía trên cùng với sự “bất trị” của một nhóm cầu thủ trụ cột khiến anh cay đắng ra đi và phải quay lại công tác đào tạo trẻ.

Sự nghiệp của anh như bị một cú sốc gây ra những dư chấn tinh thần khiến số phận anh lại lênh đênh một cách nhiều nỗi buồn. Có lẽ tác động đó khiến anh lại không còn “may mắn” khi trở lại nắm U.21. Dù nhiều lần đưa đội vào Vòng chung kết nhưng Đà Nẵng của Thìn chỉ có thể cao lắm vào đến bán kết. Đau nhất là lần đăng cai  U.21 năm 2006 trong trận quyết định vòng bảng gặp Hoàng Anh Gia Lai trên sân Quân khu 5 chi cần hòa là đi tiếp thì Đà Nẵng đã để bàn thắng phút cuối của Tăng Tuấn nhấn chìm tất cả!

Lứa cầu thủ tài năng được Phan Công Thìn đào tạo

Lứa cầu thủ do Thìn đào tạo cũng có được bổ sung lên đội lớn, có người cũng vào đội tuyển quốc gia nhưng nhìn chung không được may mắn. Người tốt số nhất như Huỳnh Quốc Anh từng giành quả bóng vàng Việt Nam năm 2012 thì sự nghiệp cũng lận đận ngắn ngủi, còn lại Quang Cường có vô địch AFF Cup 2008 rồi một thời gian sau "biến mất", Thanh Phúc, Thanh Hưng, Hoàng Quảng, Quách Tân hay Phước Vĩnh cũng tan đàn xẻ nghé.

Phải gần 10 năm sau Phan Công Thìn lại 1 lần nữa được nhắc đến khi cùng đội tuyển chọn U.21 Việt Nam giành hạng ba tại giải U.21 quốc tế 2014 ở Cần Thơ. Đội bóng do Thìn dẫn dắt khi đó với sự trợ giúp của 2 HLV Đinh Văn Dũng và Phạm Minh Đức với dàn hảo thủ như Trần Phi Sơn, Hồ Tuấn Tài, Phạm Mạnh Hùng, Ngân Văn Đại, Đỗ Văn Thuận, Giang Trần Quách Tân, Phạm Văn Long, thủ môn Nguyễn Văn Công chỉ thua sát nút Hoàng Anh Gia Lai của Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường, Hồng Duy, Văn Toàn bằng đá 11m luân lưu ở bán kết trước khi thắng Malaysia trong trận tranh huy chương đồng.

Phan Công Thìn (bìa phải) cùng toàn đội tuyển chọn Báo Thanh Niên hạng ba U.21 quốc tế năm 2014 tại Cần Thơ

tư liệu

Phan Công Thìn dẫn dắt U.21 tuyển chọn

Phan Công Thìn và đội U.21 tuyển chọn năm 2014 tại Cần Thơ

Bây giờ thì Công Thìn lùi về phía sau làm quản lý nhiều hơn trong vai trò Trưởng ban đào tạo trẻ của SHB Đà Nẵng. Anh chỉ âm thầm làm tốt công việc “trồng người” và sống hạnh phúc cùng vợ đang làm Tổng quản lý khách sạn 5 sao và 3 con (2 trai đã đi làm ở TP.HCM và 1 gái đang học lớp 8). Anh tâm sự “ Dù cuộc đời bóng đá cho tôi cũng nhiều nhưng cũng lấy đi không ít đắng cay, tiếc nuối. Tôi biết số phận mình nhiều lúc buồn nhiều hơn vui, nhưng tôi chấp nhận nó như một phần của cuộc sống để thanh thản nhìn về tương lai. May mắn là tôi có một gia đình êm ấm, luôn động viên chia sẻ giúp tôi yên tâm cống hiến thời gian còn lại cho con đường mình đã chọn”

Gia đình nhỏ của Phan Công Thìn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.