Than Quảng Ninh không bỏ giải, V-League được cứu

11/04/2021 08:54 GMT+7

Dù vụ chậm trễ thực hiện nghĩa vụ tài chính của đội Than Quảng Ninh đối với cầu thủ đã được tháo “ngòi nổ” nhưng V-League vẫn đứng trước nguy cơ xảy ra sự cố có đội bỏ giải bất cứ lúc nào.

Ngọt ngào hai tiếng... ting ting

Sau 8 vòng đấu V-League 2021, đội Than Quảng Ninh (T.QN) thua 2 trận và thắng 6. Nếu đội bỏ giải từ vòng 9 sẽ gây ra hệ lụy kinh khủng gì? Hai đội đã thắng T.QN đều bị trừ 3 điểm trong tổng số quỹ điểm họ đang có - CLB Đà Nẵng đang tạm đứng thứ 4 với 15 điểm sẽ còn 12 điểm và bị tụt xuống vị trí thứ 6 còn CLB SLNA đang đứng thứ 12 với 7 điểm, rơi hẳn xuống vị trí đáy bảng vì chỉ còn 4 điểm. Đội T.QN bị đánh xuống giải hạng ba và phải nhận hình thức kỷ luật khác của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF). Ban Chấp hành VFF sẽ phải tính toán và ra nghị quyết mới về số suất lên hạng, xuống hạng vì giải chỉ còn 13 đội.

Cầu thủ Than Quảng Ninh đến Hà Nội thi đấu vòng 9 V-League

Thật may mắn khi tất cả những “viễn cảnh” đáng sợ trên đã không xảy ra vì đơn xin “giải cứu” của các cầu thủ đã được Chủ tịch CLB T.QN Phạm Thanh Hùng giải quyết phần nào trong cuộc họp khẩn vào sáng qua, dưới sự chủ trì của lãnh đạo Sở VH-TT Quảng Ninh. Tiền lót tay cho cầu thủ (được biết có thể lên đến vài chục tỉ đồng) sẽ do các bên cùng đứng ra lo liệu. Các bên gồm ông Phạm Thanh Hùng và lãnh đạo tỉnh kêu gọi các nhà tài trợ cùng chia lửa với chủ tịch đội. Được biết trước mắt, ông Hùng sẽ tạm chi 4,5 tỉ đồng trả lương đã nợ 8 tháng. Cũng vì những động thái tích cực này mà các cầu thủ rút lại quyết định bỏ V-League kể từ vòng 9 và vẫn thi đấu đúng như lịch trình. Cầu thủ (bước đầu) thở phào! VFF (bước đầu) thở phào! Ban điều hành giải (bước đầu) thở phào!
Nói bước đầu thở phào vì đây mới chỉ là trả nợ xong phần lương. Còn thưởng và lót tay vẫn còn phải chờ thời gian. Ông Hùng từng một vài lần than thở rằng, một mình ông không thể kham nổi hết tài chính của đội khi một số doanh nghiệp rút lui. Liệu trong thời gian tới, dù có sự tác động của lãnh đạo tỉnh, có nhà tài trợ nào mạnh dạn vào cuộc không, lại là một câu chuyện rất khác. Nghĩa là các cầu thủ vẫn phải chờ. Nhưng nếu CLB không trả được phí lót tay, tình huống xấu có xảy ra không, có ai cương quyết bỏ giải không khi quyền lợi chính đáng của họ vẫn bị xâm phạm?

Trách nhiệm của VFF, VPF ở đâu?

Sự khó khăn về tài chính của các ông bầu dẫn đến việc bỏ giải giữa chừng không phải không từng xảy ra tại V-League. VFF và Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) có trách nhiệm như thế nào trong việc kiểm soát các nguồn thu, chi của các CLB để sau này, nguy cơ có đội bỏ giải vì không đảm bảo năng lực tài chính không trở thành hiện thực.
Theo Quy chế bóng đá chuyên nghiệp sửa đổi do VFF ban hành, mỗi CLB dự V-League phải đảm bảo kinh phí hoạt động tối thiểu là 35 tỉ đồng. Khoản kinh phí này được VFF báo cáo lên Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC). CLB không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ tài chính đối với VFF, đơn vị tổ chức giải (ở đây là VPF), giải đấu và bên thứ ba có liên quan thì không đủ tư cách tham dự giải. CLB không đảm bảo được khả năng tài chính để duy trì hoạt động của CLB thi đấu đến hết giải sẽ phải chuyển xuống thi đấu ở giải hạng ba từ mùa giải sau. Nợ lương, nợ thưởng, nợ phí lót tay trong thời gian kéo dài, chứng tỏ đội T.QN chưa đảm bảo được quỹ tài chính ổn định. Nhưng sao vẫn được dự V-League?
Chia sẻ với Báo Thanh Niên, một quan chức VFF cho biết: “Cứ đến tháng 8 hoặc tháng 9 hằng năm, theo yêu cầu bắt buộc của AFC, các CLB ngoại hạng Việt Nam phải chủ động cập nhật các thông tin của đội bóng lên trang điện tử của AFC. Mỗi CLB sẽ phải chứng minh mình đáp ứng đầy đủ 5 tiêu chí cấp phép CLB do AFC quy định. Trong đó có tiêu chí về tài chính. AFC sẽ xem xét, nghiên cứu và phê duyệt hồ sơ của các đội. Đội nào đáp ứng được tiêu chí của AFC mới được cấp phép dự các giải đấu do AFC tổ chức. Và VFF cũng căn cứ theo báo cáo này của các đội để cấp phép cho CLB dự V-League. Tháng 9.2020, tất cả các CLB trong đó có T.QN cũng đã cập nhật thông tin cho AFC, gồm cả báo cáo tài chính. T.QN thỏa mãn các tiêu chí do AFC ban hành, kiểm duyệt nên mới được phép dự V-League 2021”. Trước khi mùa giải diễn ra, đoàn công tác của VPF cũng đến tận nơi, kiểm tra sự chuẩn bị về mọi mặt của tất cả các đội dự V-League, trong đó có CLB T.QN. Đội bóng này đã đáp ứng được các yêu cầu đặt ra.
Nhưng từ báo cáo bằng sổ sách đến thực tế, đôi khi lại là một quãng đường rất xa. Thực tế xảy ra ở T.QN đã chứng tỏ đội bóng này bị “rỗng ruột”. AFC, VFF, VPF không phải là cơ quan về tài chính, cũng không phải cơ quan kiểm toán để có đủ chức năng kiểm tra năng lực tài chính thực sự của CLB. Có lẽ đây cũng là lý do mà mới đây, AFC đã quyết định nâng cấp tiêu chí cấp phép, trong đó có một quy định quan trọng mang tính bắt buộc là mỗi CLB phải báo cáo cả dự toán nguồn thu lẫn số chi thực tế, để AFC nắm rõ CLB đó có đủ năng lực tài chính không, có bị lỗ hay lãi.
Một lãnh đạo VPF nói: “Quy định rất mới về tài chính của AFC có thể sẽ vấp phải sự phản ứng từ một số CLB nhưng qua sự cố của T.QN thì đây lại là một quy định giúp cho VFF, VPF nắm được hoạt động tài chính trên thực tế của mỗi CLB. Nếu CLB nào bị lỗ, chúng tôi sẽ xem xét và có thể có sự hỗ trợ nào đó để giúp CLB đó giải quyết. Đội T.QN không sống bằng ngân sách vì tỉnh đã giao cho công ty do Chủ tịch CLB Phạm Thanh Hùng phụ trách. Chúng tôi mong CLB có những biện pháp thích hợp để giải quyết dứt điểm các vấn đề tồn đọng về tài chính. Cũng theo Quy chế bóng đá chuyên nghiệp, CLB được quyền thành lập và tham gia các tổ chức kinh tế; thực hiện các hoạt động thương mại, đầu tư, liên doanh - liên kết khác theo quy định của pháp luật để tăng nguồn thu. Không chỉ đội T.QN mà các đội khác cần có kế hoạch tài chính ổn định, có chiều sâu để đảm bảo mọi hoạt động cho đội bóng trong suốt mùa giải, tránh tình trạng bỏ giải vì thiếu tiền”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.