Thư gửi HLV Tan Cheng Hoe

13/06/2021 08:08 GMT+7

Thưa ông Tan Cheng Hoe, Khi xem cách De Paula ăn mừng bàn gỡ và khi cầu thủ này chủ động đến khều vai Quế Ngọc Hải trước quả đá 11 m, tôi nghĩ có lẽ nên gửi ông vài dòng suy nghĩ.

Thứ nhất, việc một tiền đạo Brazil cao 1,89 m đá 11 m vào lưới tuyển Việt Nam thì tôi nghĩ chả có gì phải phấn khích đến mức quá độ như vậy. Đó đơn giản chỉ là bàn gỡ hòa và ông cũng hiểu: trận đấu chưa hề kết thúc. Và ông thấy đó, kết quả đội bóng của ông đã thua. Một quý bà ở Mỹ xem pha ăn mừng đó, đã bình luận trên Facebook của tôi rằng: “Thằng bé ấy hung hăng thật!”.
Thứ hai, khi Quế Ngọc Hải chuẩn bị đá quả 11 m, thì cũng anh chàng De Paula chủ động bước đến khiêu khích. Đó là hành vi vô văn hóa đến mức xấu xí, tô đen hình ảnh bóng đá Malaysia nói riêng và nền văn minh phương đông nói chung.
Ông biết không, sau khi Johan Cruyff mất, tôi có xem một bài phỏng vấn Joan Laporta trên truyền hình. Ông này là bạn thân của Johan, sau này trở thành Chủ tịch CLB Barcelona xuất phát từ ý định “muốn thực thi triết lý bóng đá của Johan”.
Thời cầu thủ, Johan chỉ đem về cho Barcelona 1 chức vô địch La Liga, nhưng 8 năm là HLV, ông đem về 4 chức vô địch La Liga, và quan trọng nhất là chiếc Cúp C1 đầu tiên cho CLB sau hơn 100 năm thành lập. Nhưng Johan Cruyff vẫn rời Barcelona. Vì sao?
Joan Laporta bình luận rằng sau khi đoạt Cúp C1, Johan thuyết phục ông chủ Barca lúc đó là Josep Nunez phải thúc đẩy việc phát triển Học viện bóng đá trẻ La Masia, vì: “Không thể nào cứ sau một mùa bóng, tôi lại phải chạy vạy trên thị trường chuyển nhượng tìm mua cầu thủ thay thế hay bổ sung ngôi sao cho CLB, rồi lại phải nhào nặn thành một đội bóng. Chúng ta cần có lò đào tạo trẻ, cần có đội ngũ sẵn sàng kế thừa”.
Lúc đó, Johan Cruyff có tầm ảnh hưởng lớn nhất ở Barcelona. Ông thành công trong việc truyền cho cầu thủ tình yêu màu cờ sắc áo, truyền được cái người ta gọi là ADN Cruyff vào máu của từng cầu thủ. Jordi - con trai ông sau này hay chọc dù ông là huyền thoại, nhưng ông chưa bao giờ là nhà vô địch thế giới. Johan bảo con rằng: “Nhưng cha đã khiến cả thế giới luôn nhớ về đội bóng đã thua cuộc”.
Nunez cảm giác đang mất quyền lực, bằng lòng đố kỵ, ông đã khước từ yêu cầu, và Johan đã rời bỏ xứ Catalan.
Tuy ông đi, nhưng tinh thần, tình yêu và dòng máu mang ADN của Cruyff vẫn chảy ở Barcelona. Có 40/440 cầu thủ tốt nghiệp từ lò La Masia 1979 từ ngày được lên chơi ở đội 1 Barcelona. Năm 2010, Tây Ban Nha đoạt cúp thế giới với 7 cầu thủ Barca đá chính. Hai năm sau, lần đầu tiên trong lịch sử, Barcelona tung ra sân toàn bộ đội hình chính thức đá ở La Liga đều xuất thân từ lò La Masia. Lionel Messi được đào tạo ở đây từ năm 13 tuổi. Cũng năm lên 13, Pep Guardiola chuyển về đây từ ngôi làng vùng quê Santpedor cách xa 70 km.
Tôi nói vậy để ông thấy tầm quan trọng của việc đào tạo trẻ. Johan mất đi, nhưng tầm nhìn, phương pháp huấn luyện - ngoài kỹ thuật là tình yêu màu cờ sắc áo, là tố chất ADN thấm vào máu từng cầu thủ, tạo nên một tuyển Tây Ban Nha hùng mạnh, hay một Barcelona vĩ đại như hôm nay.
Việc lạm dụng cầu thủ nhập tịch sẽ không bao giờ đem lại cho đội tuyển Malaysia tình yêu màu cờ sắc áo trong dòng máu người cầu thủ như bất kỳ đội tuyển quốc gia nào. Sự có mặt của họ không đem lại điều gì hay cho bóng đá Malaysia, trái lại, đó là minh chứng cho sự thất bại của đào tạo trẻ. Cầu thủ trẻ sẽ thấy mình bị tước cơ hội lên tuyển và sẽ không còn động lực phấn đấu. Quan trọng hơn, nó làm tổn thương bản sắc thể thao Á Đông truyền thống của chúng ta.
Đôi dòng gửi ông với lời chúc vạn sự tốt lành.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.