Tuyển thủ bóng đá nữ Việt Nam và nỗi lo sau giải nghệ

09/04/2017 11:19 GMT+7

Tình yêu và đam mê với nghề đã giúp các nữ tuyển thủ Việt Nam (VN) vượt qua nhiều khổ đau và vất vả trong cuộc sống đời thường. Nhưng tương lai ra sao sau khi rời sân cỏ là nỗi lo của nhiều người.

Bỏ học năm lớp 6 vì nhà nghèo

Tối 7.4, sau trận thắng Singapore với tỷ số rất đậm 8-0 tại vòng loại Asian Cup 2018, trung vệ Chương Thị Kiều trở về phòng riêng ở khách sạn, gọi điện cho cha mẹ chỉ để thông báo một câu: “Đội con đá tốt lắm, con không bị chấn thương đâu”.
Gia đình Kiều ở Gò Quao, Kiên Giang. Nhà nghèo lắm. Cha mẹ Kiều làm ruộng, chỉ đủ thóc gạo ăn mỗi ngày chứ không dư dả gì. Anh và chị Kiều cũng có công ăn việc làm nhưng thu nhập chả đáng là bao. Mỗi tháng, Kiều dành dụm ít tiền lương gửi về nhà. Cũng vì nhà nghèo nên năm 12 tuổi, khi đội bóng TP.HCM về quê chiêu mộ cầu thủ, Kiều đã quyết định bỏ học lên thành phố, theo nghiệp đá bóng.
Mắt rơm rớm, Kiều kể: “Năm ấy, em học lớp 6. Thi đấu giải ở trường, HLV đội TP.HCM thấy em đá hay quá nên nói bố mẹ đưa em đi. Cha mẹ cũng suy nghĩ lắm. Nhưng nếu cho em học tiếp thì không biết tiền đâu để nuôi, trong khi em cũng có năng khiếu, nên chấp nhận cho con học bóng đá từ đấy. Bây giờ thi thoảng ngồi nghĩ lại, em vẫn thực sự nhớ thuở ấu thơ được cắp sách đến trường. Cũng thấy tiếc, thấy nhớ lắm. Nhưng thôi đành chấp nhận vì bóng đá giờ đây là nghề mưu sinh của em rồi”.
Cách đây mấy năm, Kiều là cầu thủ ngôi sao của đội U.19 nữ VN vì chơi rất chắc chắn, thông minh. Còn bây giờ, ở tuổi 22, cô là chốt chặn đáng tin cậy của đội tuyển quốc gia. HLV Mai Đức Chung “cưng” Kiều dữ lắm vì: “Con bé rất ngoan, hiền lành mà chuyên môn rất tốt. Không có nó là gay lắm đấy”. Kiều cười dịu dàng: “Em cũng cố đá để không phụ lòng bác Chung, cha mẹ em. Kiếm được ít tiền, làm vốn sau này cho tương lai. Vì không được học hành nhiều nên em cũng muốn có chút ít lận lưng”.
Ngày mai ra sao ?
Gia cảnh cầu thủ Nguyễn Thị Liễu thật buồn. Liễu không biết mặt bố từ khi ra đời. Năm 14 tuổi, dù mẹ ngăn cản vì thương con nhưng cô bé quê Lý Nhân (Hà Nam) vẫn quyết tâm đăng ký tham gia “thi thử” khóa chiêu sinh ở CLB bóng đá nữ Hà Nam, rồi đỗ thật. Liễu tâm sự: “Em trở thành cầu thủ chuyên nghiệp năm 16 tuổi và giờ cũng đã gắn bó với nghề được 10 năm rồi. Nhìn thấy con thành công, mẹ em chuyển từ lo lắng sang mừng vui. Mỗi lần em đưa tiền bảo mẹ cầm đi chợ rồi cất đi để dành, mẹ em lại khóc bảo, con dành dụm để còn lấy chồng. Cuộc sống của ba mẹ con (em còn một người chị nữa) chỉ tạm đủ.
Năm 2015, mẹ em ốm nặng và em boàng hoàng khi bác sĩ kết luận mẹ bị ung thư vú. Mọi thứ đổ sụp trước mắt em. Chăm mẹ khoảng được một năm thì mẹ em qua đời. Em khóc rất nhiều và hụt hẫng kinh khủng vì trên đời này có gì buồn hơn khi không có cả bố lẫn mẹ bên mình”. Liễu cũng đã lập gia đình nhưng không muốn nói sâu hơn về chuyện này.
“Em đang đi tìm hạnh phúc”, Liễu buồn buồn. “Mất đi chỗ dựa vững chãi là mẹ, nhiều khi em không biết gặm nhấm nỗi buồn thế nào cho vơi bớt. Lại chạy ra sân chơi bóng, cảm giác trống trải cũng được nguôi ngoai. Bóng đá chiếm đến 80% cuộc sống của em lúc này. Dồn sức tập luyện và thi đấu là cách giải tỏa mọi nỗi âu lo”, nữ cầu thủ 26 tuổi bày tỏ.
Còn với hậu vệ Nguyễn Thị Xuyến (Hà Nội), gánh nặng gia đình cũng đổ lên hai vai cô. Nhà Xuyến có 3 chị em, Xuyến con thứ nhưng đảm đương phần lớn việc kiếm sống nuôi bố mẹ. HLV phó đội tuyển VN Văn Thị Thanh kể rằng, gia đình Xuyến không khá giả, chỉ làm ruộng nên trông cậy vào khoản tiền tiết kiệm hằng tháng của cô. “Xuyến hiền lành, chăm chỉ tập luyện và rất chăm lo cho gia đình, lúc nào cũng chỉ nghĩ cho người thân ruột thịt”, Văn Thị Thanh chia sẻ về học trò.
Xuyến cũng đang có ưu tư trong lòng. Năm nay cô đã 30 tuổi, sự nghiệp chỉ kéo dài thêm vài năm. Xuyến chỉ biết đá bóng chứ không có bằng cấp gì, sau này giải nghệ sẽ sống ra sao, liệu tương lai có bấp bênh?
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.