Thua một trận đấu có thể là tai nạn nhưng thua tới 4 trận trước cùng một đối thủ trong cùng một mùa giải thì phải thừa nhận TP.HCM dưới tầm Hà Nội FC trên mọi phương diện. Dưới bàn tay của HLV Chung Hae-soung, CLB TP.HCM đã được nâng tầm về đẳng cấp và tham vọng. Nhưng nội lực của Hà Nội FC đã đưa đối thủ vào tình cảnh như thế nào?
Xin được liệt kê: Siêu cúp Quốc gia vào tháng 3 năm nay, TP.HCM thua ngược 1-2. Cúp quốc gia 2020, thua 1-5 ở bán kết. V-League, thua 0-3 vòng 11 giai đoạn 1 và thua 0-2 vòng 1 giai đoạn 2. TP.HCM trở thành con mồi ưa thích để Hà Nội FC tìm kiếm thắng lợi. Chưa kể ở bán kết Cúp quốc gia năm ngoái, TP.HCM cũng thua Hà Nội với tỷ số 0-3.
|
Nhìn rộng hơn, từ khi ông Chung được giao nắm quyền hồi năm ngoái, CLB TP.HCM chỉ duy nhất 1 lần có được kết quả hoà trước Hà Nội. 6 trận còn lại, TP.HCM toàn thất bại. Rộng hơn nữa, kể từ khi lên hạng năm 2017, CLB TP.HCM thua tới 10 trận và chỉ hoà đúng 1 trận, ghi 11 bàn nhưng thủng lưới tới 37 bàn trước đội bóng thủ đô. Nếu TP.HCM bây giờ mà thắng Hà Nội, có khi được xem là cơn địa chấn chưa biết chừng!?
Tại sao CLB TP.HCM mãi cứ thua CLB Hà Nội? Đội bóng của ông Chung Hae-soung có thể đổ lỗi cho một loạt những lý do dẫn đến thua trận ngày 10.10 như thiếu vắng Công Phượng - cầu thủ ghi bàn hàng đầu của TP.HCM với 10 pha lập công, trong đó có 6 bàn tại V-League. Hay vì trọng tài cho Hà Nội được hưởng quả phạt đền không đáng có. Nhưng quay trở lại tháng 7 năm nay, TP.HCM kể cả có Công Phượng cũng vẫn thua 0-3 trước Hà Nội FC.
|
Nhiều người lại cho rằng vì TP.HCM chơi đôi công với Hà Nội FC. Điều đó lại không phải. Bởi ở trận hôm qua, dù cố thủ với sơ đồ 5-4-1, TP.HCM cũng không thể giữ vững mành lưới của mình sau 90 phút thi đấu. Mục tiêu có 1 điểm trên sân của Hà Nội FC tan vỡ, sau một tình huống khôn ngoan mà Quang Hải vượt qua Diakite và đánh lừa được trọng tài để kiếm về quả đá phạt đền, khai thông bế tắc ở phút 69.
HLV Chung Hae-soung thẫn thờ, ánh mắt tỏ rõ sự bất lực xen lẫn chán chường. Ông không thể nào trả lời cho câu hỏi vì sao không thể thắng được Hà Nội FC. Vấn đề nằm ở việc TP.HCM không có nhiều bài vở để thực sự tạo ra sự đột biến. Dù về lý thuyết, những cầu thủ như Phi Sơn, Lâm Ti Phông hay bộ đôi ngoại binh trị giá 1 triệu USD là những người có thể tạo ra sự bùng nổ. Nhưng quả thực, họ chẳng có một mạch liên kết nào với nhau để tạo ra đột biến.
|
Và đối chiếu từ phía Hà Nội FC, dù chơi không vượt trội hơn đối thủ nhưng họ chí ít có Quang Hải để tạo ra điểm nhấn. Đó cũng là sự khác biệt rất lớn giữa Hà Nội FC và TP.HCM – đội bóng chi nhiều tiền nhưng không thể có những ngôi sao có thể tạo ra đột phá, ngoại trừ trường hợp của Công Phượng. Hơn nữa, việc chơi quá sâu nơi hàng phòng ngự nhằm mục đích bảo toàn tỷ số 0-0 khiến TP.HCM chỉ chăm chăm chơi bóng dài. Và hệ quả, họ phải chấp nhận cảnh đá nửa sân với Hà Nội FC, dẫn đến thất bại chung cuộc.
Nói gì thì nói, HLV Chung Hae-soung có lẽ cũng nên tự trách mình khi ông thiếu đi những thứ “vũ khí” đa dạng cho từng trận đấu với từng loại đối thủ tại V-League, đặc biệt là cách đối phó với Hà Nội FC. Tâm lý thua cuộc đã bắt đầu ngay từ cách TP.HCM bài binh bố trận vào ngày 10.10. Dù rằng điều đó chí ít cũng làm cho Hà Nội FC phải vất vả gần 70 phút.
Bình luận (0)