Vì sao không bán vé trận tuyển Việt Nam vs Úc?

17/08/2021 08:22 GMT+7

Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) đã đưa ra những quy định ngặt nghèo chưa từng thấy đối với công tác tổ chức vòng loại thứ 3 World Cup 2022 , trong đó có nước chủ nhà Việt Nam.

VFF chấp nhận lỗ nặng

Ngày 16.8, Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Hoàng Đạo Cương đã chủ trì cuộc họp với sự tham dự của ông Chử Xuân Dũng, Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội, cùng đại diện Tổng cục TDTT, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF), Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Bộ GTVT, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an... để bàn về kế hoạch chuẩn bị các trận đấu trên sân nhà Mỹ Đình của tuyển Việt Nam tại vòng loại World Cup 2022.
Các đơn vị đã cùng nhấn mạnh trong bối cảnh đặc biệt như hiện tại, khâu tổ chức sẽ phải kỹ càng, ăn khớp, vì chỉ cần một sự cố nhỏ liên quan đến dịch bệnh có thể dẫn đến hậu quả khôn lường. Các bộ đã yêu cầu VFF thiết lập kịch bản chi tiết, từ danh sách nhập cảnh cho đến các thiết bị tạm nhập tái xuất. Tất cả những người nhập cảnh bao gồm quan chức AFC, đội khách, trọng tài, giám sát và thiết bị VAR… phải áp dụng quy trình bong bóng ngay tại sân bay, tuyệt đối không có thành phần lạ xâm nhập.
15 ngày trước trận đấu, VFF sẽ trình kế hoạch lên Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh Covid-19 cũng như các cơ quan phối hợp (dự kiến ngày 23.8). Lãnh đạo UBND TP.Hà Nội nhấn mạnh sẽ đôn đốc, chỉ đạo các đơn vị có liên quan để cùng xúc tiến công tác chuẩn bị đảm bảo sự thông suốt. Cuộc họp thống nhất sẽ không đón khán giả ở trận tuyển Việt Nam gặp đội Úc vì nguy cơ mất an toàn là rất cao khi dịch bệnh đang rất phức tạp. Toàn bộ thương quyền của giải đấu (bao gồm quảng cáo trên sân, bản quyền phát sóng) đều thuộc về FIFA và AFC, VFF chỉ được hưởng tiền bán vé. VFF chấp nhận việc sẽ bị lỗ rất nặng vì chi phí tổ chức có thể lên đến vài chục tỉ đồng (tiền thuê sân Mỹ Đình có thể chỉ từ 200 - 250 triệu đồng nhưng các khoản chi phí khác trong mùa dịch không hề thấp). Đến trước trận gặp đội khách Nhật Bản vào ngày 11.11, tùy tình hình thực tế, các cấp có thẩm quyền sẽ cho phép bán vé hay không.

Phải đáp ứng... 200 khuyến cáo liên quan y tế

Về các quy định khắt khe của AFC, ban tổ chức sẽ phải đáp ứng khoảng 200 khuyến cáo liên quan đến y tế, trong đó khuyến cáo quan trọng nhất là phải đảm bảo quy trình bong bóng cho hơn 300 thành viên. Đáng lưu ý là đội khách và cả đội chủ nhà ngoài 2 xe 45 chỗ để chở cầu thủ (xe sẽ phải tháo 25 ghế để chỉ còn tối đa 20 người/xe), sẽ được cấp thêm tối đa 3 xe tải để chở quần áo, dụng cụ tập luyện nhằm tránh lây nhiễm dịch bệnh, 1 xe 7 chỗ cho lãnh đội, ban huấn luyện và 1 xe y tế đi kèm. Khi xe chở đội đến sân tập tuyện, thi đấu, bắt buộc có cảnh sát dẫn đường, có nhân viên an ninh trên xe để giám sát việc tuân thủ giãn cách khi xuống và khi lên. Ban tổ chức phải cung cấp sân tập không một bóng người.
Mỗi buổi tập, mỗi đội được cung cấp 20 - 30 quả bóng và sau đó số bóng này phải hủy ngay, không được phép sử dụng cho lần kế tiếp. Vào thời điểm trước, trong và giữa trận đấu, AFC cũng đã đặt ra các yêu cầu mà V-League hay các giải châu Á đã từng áp dụng như không bắt tay, không trao đổi áo... Sắp tới, ban tổ chức Việt Nam còn phải áp dụng nhiều nguyên tắc y tế khác, như người vào sân bắt buộc phải đeo khẩu trang y tế, không cho phép đeo khẩu trang vải hay các chất liệu khác. Trên sân Mỹ Đình sẽ phải có rất nhiều khu vực khác nhau, phục vụ các hoạt động khác nhau. Ví dụ, ban huấn luyện ngồi ở khu kỹ thuật còn cầu thủ dự bị ngồi ở khu vực khác (phải ngồi giãn cách), cầu thủ được đăng ký mà không thi đấu ngồi ở một chỗ khác nữa. Quan chức đội bóng cũng được bố trí ngồi ở khu VIP, không chung với bất kỳ ai.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.