Đòn bẩn trong thể thao - Kỳ 3: Âm mưu triệt hạ thủ quân đội Anh

08/05/2015 00:00 GMT+7

Các thám tử Colombia vào tận khách sạn, tách riêng Bobby Moore và bắt giữ "để tiếp tục điều tra nghi án ăn cắp”, và đưa Bobby Moore ra tòa. Báo chí Nam Mỹ đồng loạt đưa tin trước thềm World Cup 1970: thủ quân đội Anh, ĐKVĐ World Cup, phải ra tòa vì ăn cắp.

Các thám tử Colombia vào tận khách sạn, tách riêng Bobby Moore và bắt giữ "để tiếp tục điều tra nghi án ăn cắp”, và đưa Bobby Moore ra tòa. Báo chí Nam Mỹ đồng loạt đưa tin trước thềm World Cup 1970: thủ quân đội Anh, ĐKVĐ World Cup, phải ra tòa vì ăn cắp.

Đòn bẩn trong thể thao - Kỳ 3: Âm mưu triệt hạ thủ quân đội AnhBobby Moore chịu nhiều tai tiếng vì trò bẩn của các thế lực đen ở Nam Mỹ - Ảnh: AFP
Bị hô hoán ăn cắp
Đội Anh, vô địch World Cup 1966, là ứng cử viên số 1 trên thị trường cá cược trước thềm World Cup 1970. Khi ấy, HLV Alf Ramsey đã chuẩn bị rất kỹ cho việc bảo vệ vương miện. Do giải đấu diễn ra tại Mexico với độ cao và khí hậu rất khó chịu, các nhà đương kim vô địch World Cup đã làm một chuyến giao hữu ở nhiều nước Nam Mỹ để làm quen khí hậu. Một cách tình cờ, thầy trò Ramsey trở thành "cái gai" trong mắt giới bóng đá Nam Mỹ. “Tỷ số” vô địch World Cup tính đến lúc bấy giờ đang là 4-4 giữa các đội tuyển châu Âu và Nam Mỹ. Brazil trước đó đã trở thành đội tuyển Nam Mỹ đầu tiên vô địch World Cup khi giải được tổ chức tại châu Âu (năm 1958). Bấy giờ, đội Anh quyết trở thành đội châu Âu đầu tiên vô địch World Cup khi giải diễn ra ở châu Mỹ. Chưa kể, châu Âu sẽ vượt lên "dẫn điểm" nếu Anh bảo vệ thành công chức vô địch.
Colombia là điểm dừng đầu tiên trong chuyến giao hữu trước giải của đội tuyển Anh. Sau chuyến bay dài từ London, đội Anh đến khách sạn Tequendama ở Bogota để cư ngụ. Thủ quân Bobby Moore và ngôi sao Bobby Charlton tranh thủ tạt vào một tiệm trang sức sang trọng có tên là Fuego Verde. Họ xem qua, nhưng không mua hàng. Khi Moore bước ra khỏi cửa thì chuông báo động vang lên và cô bán hàng khá trẻ, tên là Clara Padilla, bất ngờ hô hoán "có kẻ cắp". Cảnh sát du lịch lập tức bắt giữ Moore. HLV Ramsey cùng giám đốc khách sạn cũng có mặt. Padilla quả quyết: Cô ta thấy Moore ăn cắp một chiếc nhẫn kim cương trị giá 600 bảng và một vòng đeo cổ đắt tiền. Lời qua tiếng lại khá lâu, nhưng sự việc vẫn không đi đến kết luận rõ ràng nào. HLV Ramsey nghĩ rằng ông đã bảo lãnh được cho Moore và câu chuyện trở thành "một vụ hiểu lầm". Hôm sau, Anh thắng Colombia 4-0 rồi toàn đội bay sang Ecuador đá trận giao hữu tiếp theo, thắng 2-0.
Thay vì bay tiếp sang Mexico chuẩn bị bước vào World Cup, thầy trò Ramsey trở lại Colombia. Họ lại nghỉ ở khách sạn Tequendama lần nữa, và đấy hóa ra là sai lầm lớn. Rút kinh nghiệm, Ramsey bảo mọi thành viên trong đội không nên đi shopping, nhưng cũng chẳng cần một chuyến shopping để có scandal. Các thám tử Colombia vào tận khách sạn, tách riêng Bobby Moore và bắt giữ "để tiếp tục điều tra nghi án ăn cắp". Giới hâm mộ bàng hoàng, không hiểu đã xảy ra chuyện gì. Ngày khai mạc World Cup đã cận kề nên đội tuyển Anh đành bay sang Mexico mà không có thủ quân Bobby Moore.
Dính “chưởng” bởi mafia
Phiên tòa lưu động diễn ra ngay tại cửa hàng trang sức Fuego Verde. Lúc này, cô bán hàng Padilla đã có thêm một nhân chứng tích cực, tên là Alvaro Suarez. Nguyên cáo và nhân chứng khẳng định chắc nịch về các đặc điểm nhận dạng bị cáo. Họ hùng hồn diễn lại cái gọi là "hành vi ăn cắp" của bị cáo. Trong khi đó, Bobby Moore vẫn chỉ lạnh lùng, hệt như hình ảnh trên sân của huyền thoại này. Theo cáo trạng, Moore "rõ ràng" đã bỏ đồ ăn cắp vào túi áo bên trái. Cuối cùng, trước sự chứng kiến của hàng chục phóng viên và hàng trăm người hiếu kỳ, Moore bình tĩnh đứng dậy, giơ cao hai tay. Chiếc áo sơ mi mà ông đã mặc suốt từ khi bị bắt đến lúc xét xử - cũng chính là chiếc áo mà nguyên cáo và nhân chứng mô tả chính xác - không hề... có túi.
Cảnh sát đành thả Moore và ông kịp lấy vé máy bay sang Mexico. Lúc này, báo chí Anh lại hả hê: "Âm mưu tồi tệ nhắm vào đội tuyển Anh tại World Cup 1970 đã sụp đổ vào đúng phút chót". Rốt cuộc, Anh cũng dừng chân ở vòng tứ kết World Cup 1970, nhưng đấy hoàn toàn là chuyện bóng đá - một câu chuyện hay (Anh dẫn trước 2 bàn nhưng Tây Đức thắng ngược 3-2 trong một trận đấu tuyệt vời). Mãi đến năm 1975, cảnh sát Colombia mới chính thức đưa ra lời xin lỗi Bobby Moore. Khi ấy, câu chuyện cũng đã trở nên rõ ràng dù không ai đề cập nữa: nhân chứng Alvaro Suarez chính là người của ông chủ cửa hàng trang sức Fuego Verde, và ông chủ cửa hàng, tên là Danilo Rojas, cũng chính là chủ của một đường dây... cá cược bóng đá "chui" ở Colombia.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.