Gian nan lấy vé dự Olympic

18/03/2021 09:00 GMT+7

Chỉ tiêu giành 20 vé dự Olympic 2020 của thể thao Việt Nam có thể sẽ không thực hiện được bởi nhiều lý do khác nhau.

Mất suất vì Covid-19

Dịch bệnh khiến Thế vận hội 2020 đã phải dời sang năm 2021 và ảnh hưởng nghiêm trọng đến thể thao Việt Nam không chỉ ở việc phải ngưng trệ tất cả các cuộc thi đấu vòng loại Olympic mà còn khiến chúng ta mất suất một cách vô cùng đáng tiếc. Đơn cử ở môn judo, nếu Olympic diễn ra đúng kế hoạch là vào mùa hè năm ngoái thì Việt Nam đã có 1 VĐV - Nguyễn Thị Thanh Thủy (hạng 52 kg nữ). Liên đoàn Judo thế giới trao vé dự Olympic cho 6 VĐV đứng đầu khu vực châu Á mà tháng 5.2020, Thủy đứng thứ 6 nên được đi đường “chính ngạch”. Tuy nhiên vì Olympic bị hoãn mà Thủy không thể tham dự bất kỳ giải đấu quốc tế nào cho đến nay nhằm tích điểm, giữ thứ hạng nên cô đã bị tụt xuống vị trí thứ 10. Ngày 3.4 tới đây, còn một giải vô địch châu Á vòng loại Olympic tại Kyrgyzstan nhưng Việt Nam cũng không thể cử Thủy tham dự vì hiện tại không có chuyến bay thương mại từ nước bạn về lại Việt Nam. Do đó, Việt Nam không có vé ở môn judo.
VĐV đấu kiếm giỏi bậc nhất Đông Nam Á Vũ Thành An, cuối tháng 4 sẽ lên đường dự vòng loại Olympic tại Uzbeskitan, nhưng đến thời điểm này cũng chưa rõ có đi được hay không.
Môn cử tạ cũng đang hồi hộp chờ đợi phán quyết của Liên đoàn Cử tạ quốc tế (IWF). Hiện chúng ta đang tạm có Thạch Kim Tuấn (61 kg nam) đứng thứ 5 thế giới mà chỉ cần đứng trong top 8 là được dự Olympic. Nhưng Tuấn có thể bị rớt hạng nếu như ở giải vòng loại Olympic vào ngày 15 - 25.4 tới tại Uzbekistan, có những VĐV khác vượt lên, trong khi Tuấn không thể dự giải đấu quan trọng này bởi cũng không có chuyến bay thương mại từ Uzbekistan về Việt Nam. Tương tự, hai VĐV nữ đội tuyển cử tạ Việt Nam Vương Thị Huyền (49 kg, hạng 9 thế giới) và Hoàng Thị Duyên (59 kg, hạng 7 thế giới) cũng không thể đi Uzbekistan nên cơ hội tích điểm là hoàn toàn bằng không. IWF sẽ xét đặc cách cho các nước, nhưng cử tạ Việt Nam vừa dính sự cố sử dụng doping nên rất có thể không đủ tư cách để được trao vé.

Kiếm thủ Vũ Thành An

NVCC

Nhà vô địch Olympic Hoàng Xuân Vinh không thi đấu

Cách đây một ngày, chuyên gia Hàn Quốc Park Chung-gun và 3 xạ thủ bắn súng Việt Nam Trần Quốc Cường, Nguyễn Đình Thành, Phan Xuân Chuyên đã sang Ấn Độ dự Cúp bắn súng thế giới - cơ hội cuối cùng để giành vé Olympic. Sở dĩ đương kim vô địch và á quân Olympic Hoàng Xuân Vinh không tham dự giải đấu này vì anh gần như đã chuyển sang công tác huấn luyện, hỗ trợ các VĐV trẻ. Vì thế, niềm hy vọng lớn được dồn cả vào Quốc Cường - người cũng từng dự Olympic 2016. Hiện xạ thủ sinh năm 1976 này đang đứng thứ 17 thế giới và chỉ cần vượt lên 1 bậc, đứng ở vị trí thứ 16 là sẽ giành vé dự Olympic. Đối thủ đáng gờm nhất của Cường là VĐV đang đứng vị trí 16 thế giới - Donkov Samuil (Bulgaria) và VĐV xếp ở vị trí thứ 18 - Park Daehun (Hàn Quốc).
Đội tuyển điền kinh cũng chỉ còn duy nhất cơ hội lấy vé dự Olympic ở giải vô địch tiếp sức thế giới diễn ra tại Ba Lan từ ngày 2 - 3.5. Đội tiếp sức 4 x 400 m nam - nữ hỗn hợp gồm: Quách Thị Lan, Nguyễn Thị Huyền, Trần Nhật Hoàng, Trần Đình Sơn, Quách Công Lịch (dự bị) Nguyễn Thị Hằng (dự bị) và chuyên gia Simeonov Vladimir Hristov. Mỗi nội dung tiếp sức, Liên đoàn Điền kinh thế giới lấy top 16 dự Thế vận hội và hiện tại đã xác định được top 8 nên Việt Nam phải tranh vị trí trong 8 suất còn lại (từ 9 - 16).
Trong số 4 VĐV taekwondo Việt Nam dự vòng loại Olympic tại Jordan vào tháng 5, ngành thể thao đặt hy vọng vào các hạng cân nữ của Trương Thị Kim Tuyền (49 kg), Trần Thị Ánh Tuyết (59 kg). Còn môn karate sẽ dự vòng tuyển chọn Olympic tại Paris (Pháp) với 4 VĐV, trong đó có 1 VĐV nội dung kata, 3 VĐV nội dung kumite. Đội tuyển thể dục dụng cụ sẽ đi lấy vé Olympic tại Trung Quốc với 3 VĐV thi đấu nội dung toàn năng và Đinh Phương Thành là niềm hy vọng số 1, nhưng anh sẽ gặp thử thách rất lớn vì các đối thủ đến từ Đài Loan, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản là cực mạnh.
Tổng cục TDTT đang có phương án nếu đội tuyển đua thuyền Việt Nam (nội dung rowing) giành được vé dự Olympic thông qua vòng loại Olympic tổ chức vào tháng 5 tới tại Nhật Bản sẽ để các VĐV ở lại luôn nước bạn tập huấn cho đến ngày thi đấu chính thức Thế vận hội vào tháng 7. Tất nhiên cơ hội với Việt Nam cực khó và chúng ta chỉ dám đặt kỳ vọng có thể lấy được 1 suất trong 3 nội dung: hạng nặng thuyền đơn nữ của Phạm Thị Huệ, hạng nhẹ thuyền đôi nữ Lường Thị Thảo - Đinh Thị Hảo, hạng nặng thuyền đơn nam Bùi Văn Hoàng.

Đội tuyển bơi sẽ lấy vé dự Olympic ngay tại sân nhà ?

Trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, năm 2020, Hiệp hội Thể thao dưới nước Việt Nam đã chủ động xin phép Liên đoàn Bơi lội thế giới (FINA) cho công nhận giải bơi các nhóm tuổi quốc gia khởi tranh vào tháng 5 tới đây tại TP.HCM là giải đấu được xét chuẩn dự Olympic. Thật mừng khi FINA đồng ý. Vì thế, Việt Nam sẽ cử tất cả các tuyển thủ tham dự và hy vọng có thể giành được 1 vé (ngoài suất của Nguyễn Huy Hoàng đã được xác định từ năm 2019). Nhưng để đạt chuẩn A là cực kỳ khó khăn. Do đó, Việt Nam vẫn chờ FINA xét vé đặc cách dành cho Ánh Viên vì cô đã giành HCB SEA Games 30 nội dung 800 m, vượt chuẩn B Olympic.

Sau Nguyễn Huy Hoàng, ai là người sẽ đoạt suất?

Khả Hòa

Môn cầu lông, Liên đoàn Cầu lông thế giới lấy top 32 dự Olympic và VĐV số 1 Việt Nam Nguyễn Tiến Minh đang đứng thứ 28, còn VĐV Nguyễn Thùy Linh đứng thứ 25 nên cánh cửa rất rộng mở. Trong khi đó ở môn quyền anh, Việt Nam cũng đang chờ Liên đoàn Quyền anh thế giới xét đặc cách cho nữ VĐV Nguyễn Thị Tâm (51 kg) - HCV SEA Games 30 nếu như vòng loại Olympic bị hủy bỏ.
Tổng cục TDTT vừa có công văn xin Chính phủ cho phép tiêm vắc xin cho các VĐV dự vòng loại Olympic. Đến thời điểm này, thể thao Việt Nam đã có 5 vé đi Olympic gồm: Nguyễn Huy Hoàng (đạt hai chuẩn Olympic cự ly 400 m và 1.500 m tự do); VĐV thể dục dụng cụ Lê Thanh Tùng; VĐV bắn cung Đỗ Thị Ánh Nguyệt và Nguyễn Hoàng Phi Vũ; VĐV quyền anh Nguyễn Văn Đương.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.