Mafia thao túng thể thao: Yakuza đem ngày tàn đến với sumo

15/12/2015 09:15 GMT+7

Đến nay, môn võ truyền thống nổi tiếng sumo của Nhật Bản vẫn phải trầy trật tìm lại uy danh sau một thời gian dài bị thao túng bởi băng đảng mafia khét tiếng nhất đất nước mặt trời mọc: yakuza.

Đến nay, môn võ truyền thống nổi tiếng sumo của Nhật Bản vẫn phải trầy trật tìm lại uy danh sau một thời gian dài bị thao túng bởi băng đảng mafia khét tiếng nhất đất nước mặt trời mọc: yakuza.

Sumo tàn lụi bởi sự thao túng của mafia Nhật Bản - Ảnh: www.theaustralian.com.auSumo tàn lụi bởi sự thao túng của mafia Nhật Bản - Ảnh: www.theaustralian.com.au
Chết bí ẩn vì định lật tẩy
Sumo được xem là một “pháo đài” văn hóa và nhận được sự kính trọng của người dân Nhật Bản, bởi vốn là một nghi lễ thiêng liêng bắt nguồn từ cổ xưa. Thế nhưng kể từ thập niên 1990 đến nay, sumo tàn lụi dần bởi hàng loạt bê bối chấn động liên quan đến dàn xếp kết quả, ma túy, cờ bạc và các hoạt động phạm tội khác... 
Viễn cảnh thê thảm của môn võ truyền thống này bắt đầu từ năm 2004, khi các lò đào tạo sumo đồng loạt đóng cửa và võ đài danh tiếng tại Tokyo trở thành nơi thi thố dưới sự chi phối của các đô vật đến từ Mông Cổ, Nga, Bulgaria, Estonia và Georgia. Theo báo giới Nhật Bản, sự khủng hoảng của sumo bắt nguồn từ sự thao túng của yakuza, băng đảng mafia lớn nhất đất nước mặt trời mọc.
Những dấu vết của yakuza trong sumo bắt đầu ẩn hiện trong vụ án bất thường của 2 cựu đô vật Onaruto và Seiichiro Hashimoto vào năm 1996. Cả hai là tác giả của cuốn sách Yaocho (“Match Rigging”) lật tẩy những bí mật đằng sau các đấu trường sumo. 
Cuốn sách đã phơi bày việc các đô vật đã có sự kết nối lâu dài với yakuza liên quan đến các hoạt động trốn thuế và được thành viên băng đảng tội phạm này cung cấp gái mại dâm cũng như ma túy. Tuy nhiên, một tháng trước khi cuốn sách được xuất bản, Onaruto và Hashimoto bất ngờ qua đời bí ẩn trong cùng một ngày tại Bệnh viện Nagoya. Sự suy giảm niềm tin của người dân Nhật Bản đối với môn võ truyền thống bắt đầu kể từ thời điểm đó cho đến khi “mảng tối” của sumo được lật tẩy sau hàng loạt bê bối từ năm 2007 đến năm 2011 có sự nhúng tay của yakuza. 
Theo đó, trong năm 2011, hình ảnh thần tượng của các đô vật sumo bị đổ sụp khi Hiệp hội Sumo Nhật Bản (JSA) trục xuất 3 đô vật do tham gia dàn xếp kết quả nhiều cuộc đấu. Cùng thời điểm, JSA công bố danh sách gần 40 đô vật sumo tham gia các đường dây cá cược bất hợp pháp ở các môn bóng chày và golf, trong đó cựu đô vật Mitsutomo Furuichi bị bắt giữ. 
Theo điều tra của cảnh sát Nhật Bản, Furuichi được cho là tay chân thân cận của băng đảng yakuza liên quan đến vụ án tống tiền đô vật Kotomitsuki, một đô vật vĩ đại trong lịch sử môn sumo. Furuichi yêu cầu Kotomitsuki phải đưa 3,5 triệu yen để đổi lấy sự im lặng về việc tham gia đường dây cá cược bất hợp pháp.
Biến võ truyền thống thành công cụ bạo lực
Sự thao túng của yakuza đối với sumo lên đến đỉnh điểm sau khi cảnh sát vào cuộc điều tra về sự xuất hiện bất thường của những “ông trùm” yakuza ở các võ đài. Theo đó, trong nhiều năm, các hàng ghế đầu của sàn đấu vốn thuộc về các đô vật lớn tuổi và có uy tín bỗng nhiên được dành cho các thành viên của băng Yamaguchi-gumi, băng mafia có số lượng thành viên lớn nhất Nhật Bản với khoảng 40.000 người. Đáng nói hơn, các cuộc điều tra tiết lộ việc những hàng ghế VIP được ưu ái trao cho các “ông trùm” mafia nhằm mục đích thanh toán các khoản nợ cờ bạc của các đô vật. 
Trong khi đó, với việc sumo được phát sóng trực tiếp độc quyền trên Đài truyền hình quốc gia NHK, các “ông trùm” băng Yamaguchi-gumi lợi dụng “mặt tiền” của hàng ghế VIP ở võ đài sumo để gửi thông điệp về sự đoàn kết của yakuza với các thành viên đang bị giam giữ trong tù. 
Thậm chí, theo một điều tra của JSA, 90% các lò đào tạo sumo trước đây thường được yakuza khích lệ “dạy dỗ” bạo lực hết sức dã man như đánh đập, buộc cát và muối vào miệng đô vật... nhằm biến những đô vật trẻ tuổi trở thành những công cụ phục vụ các hoạt động phạm tội của mafia Nhật Bản. Đỉnh điểm là vụ án 3 đô vật Masanori Fujii, Yuichiro Izuka và Masakazu Kimura bị bắt giữ do đánh chết đô vật 17 tuổi Takashi Saito tại một lò đào tạo sumo vào năm 2008.
Trước thực tế trên, NHK tuyên bố ngừng phát sóng các cuộc đấu sumo, hầu hết các nhà tài trợ rút lui, trong khi người dân Nhật Bản “tẩy chay” theo dõi môn võ truyền thống để xem võ thuật và quyền anh. Viễn cảnh u ám trên buộc cảnh sát Nhật Bản quyết định thực hiện cuộc “tổng truy quét” yakuza với mục đích cắt đứt mối liên với sumo và ngăn chặn các hoạt động phạm tội của băng đảng mafia này. 
Trong khi đó, nhằm khôi phục lại niềm tin của người hâm mộ đối với sumo, JSA lắp đặt các camera giám sát tại các võ đài đồng thời đưa ra thông điệp “không chào đón yakuza ở các cuộc đấu”. Nhưng với những thiệt hại trầm trọng trong nhiều thập niên qua, chưa biết đến khi nào sumo mới lấy lại uy danh ở đất nước mặt trời mọc.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.