Sao thể thao ngày ấy - Kỳ 81: Bỏ du học để theo cầu mây

01/05/2013 00:25 GMT+7

Mỗi khi nhìn thấy quả cầu mây lăn tròn, ánh mắt VĐV - HLV Hà Tùng Lập vẫn còn nguyên độ bồi hồi xao xuyến như lần đầu được biết đến môn thể thao này 20 năm về trước.

Mỗi khi nhìn thấy quả cầu mây lăn tròn, ánh mắt VĐV - HLV Hà Tùng Lập vẫn còn nguyên độ bồi hồi xao xuyến như lần đầu được biết đến môn thể thao này 20 năm về trước.

Yêu cầu mây từ cái nhìn đầu tiên

Cao ráo, trắng trẻo, ăn nói hài hước, chàng trai Hà Nội Hà Tùng Lập mỗi lần ra sân đều làm mê đắm bao nhiêu cô nàng hâm mộ, không chỉ về tài năng mà còn về ngoại hình rất điển trai. Ít ai biết rằng, trước đó, khi đang là một học trò thuộc khóa thứ 3 của Trường trung học thực nghiệm (phố Liễu Giai, Q.Ba Đình), Lập chỉ nặng chừng 40 kg và xanh như tàu lá. Bố Lập (ông Hà Khả Luân, Phó giám đốc Sở TDTT Hà Nội) nảy ra ý tưởng cho con trai học một môn thể thao nào đó để tăng sức đề kháng, có sức khỏe để học hành. Từ bé, cậu bé Lập đã được bố mẹ gieo trong đầu một ước mơ, phải được sang Liên Xô du học, bất cứ một ngành gì thuộc thế mạnh của mình.

Hà Tùng Lập trong một buổi huấn luyện tại Trung tâm huấn luyện VĐV cấp cao Mỹ Đìn
Hà Tùng Lập trong một buổi huấn luyện tại Trung tâm huấn luyện VĐV cấp cao Mỹ Đình
- Ảnh: Thúy Hằng
 

Nghe lời bố, Lập thử sức ở tất cả các bộ môn thể thao từ cầu lông, điền kinh, tới bóng bàn, bơi lội. Cho đến một hôm, lần đầu tiên được xem một trận cầu mây giữa các học trò của bố, Lập đứng nhìn không chớp mắt. Ngày nào anh cũng theo bố đến CLB nhìn các anh chị đá cầu mây. Lập xin một chân nhặt bóng để làm quen, rồi tập 3 buổi một tuần, sau cùng mê quá, không bỏ được, ngày nào không tập cầu mây là ăn không ngon, ngủ không yên. Năm đó, Lập tròn 17 tuổi. Cậu học trò chăm chỉ, nói tiếng Nga như cháo chảy, học giỏi đều tất cả các môn đứng trước một sự lựa chọn lớn lao: du học hay cầu mây? Tình yêu với trái cầu đã cho Lập một quyết định quan trọng trong cuộc đời anh, đi theo bộ môn cầu mây một cách chuyên nghiệp.

Lập tìm hiểu bộ môn này khá muộn so với nhiều đồng đội trong đội tuyển, tuy nhiên nhờ sự tận tình hướng dẫn của bố,  anh không mất nhiều thời gian để sớm bộc lộ tài năng. Những cú phát cầu, dùng chân, đầu gối, cùi chỏ di chuyển trái cầu mây của Lập uyển chuyển đến mức các HLV ngay những buổi anh tập đầu tiên cũng phải ngạc nhiên.

Năm 1999, đội tuyển của Lập tham gia thi đấu giải thế giới và nhanh chóng giành HCB. Đó cũng là giải đấu cuối cùng trong sự nghiệp làm VĐV của Hà Tùng Lập. Cú chấn thương dây chằng đầu gối bất ngờ xảy đến khiến anh phải giã từ sự nghiệp thi đấu khi còn rất trẻ, 22 tuổi. Đau đớn và tuyệt vọng, Lập mất hàng tháng trời để tự cân bằng mình nhưng rồi chính bố đưa anh từ cánh cửa đã khép sang một khung trời khác khi hướng cho con trai làm quen đến công tác huấn luyện. Bỏ ngoài tai nhiều đồn đoán của xung quanh là HLV trẻ tuổi, kinh nghiệm thi đấu và quản lý còn non yếu, Lập tập trung vào chuyên môn. Và những chiến thắng liên tiếp của cầu mây VN chứng tỏ Lập và bố đều đang đi đúng.

Không có thời gian cho nỗi buồn

Lập thử sức ở vị trí trợ lý huấn luyện từ năm 1999 đến năm 2003. Từ năm 2004 đến nay anh chính thức làm HLV trưởng đội tuyển cầu mây QG. Khó khăn lắm mới bảo Hà Tùng Lập ngồi yên được một chỗ và hỏi chuyện anh. Nếu không thấy Lập đi họp bàn công tác chuyên môn, hướng dẫn các học trò thi đấu thì thấy anh đang tất tả gọi hàng chục cuộc điện thoại tìm hiểu nơi ăn, chốn ở cho các học trò trước một kỳ tập huấn mới. Làm HLV đã khó, HLV cho đội tuyển nữ còn nhiều vấn đề buộc Lập phải đọc sách, nghiên cứu tài liệu kỹ lưỡng. Một thay đổi nhỏ về tâm sinh lý của phái đẹp cũng ảnh hưởng đến tình hình tập luyện, thi đấu của cả đội. Những ngày đầu mới bước chân vào vai trò mới, chàng trai 22 tuổi phải rất khó khăn để làm quen với vị trí lúc là người thầy, lúc là người bạn, người anh trai với các học trò nữ này. Tính tình sôi nổi, hài hước, Lập luôn biết cách làm đơn giản hóa không khí căng thẳng trên sân tập bằng cách nói chuyện vui vẻ của mình. Đó cũng là lý do vì sao một mình vừa huấn luyện tại tuyển cầu mây trẻ Hà Nội, vừa là HLV trưởng đội tuyển cầu mây QG, nhưng áp lực trong công việc chỉ “ghé thăm Lập trong đôi chút rồi vội vã đi ngay”.

Chưa bao giờ thấy chán cầu mây là tâm sự của Hà Tùng Lập. Thừa nhận cũng có lúc mệt mỏi, căng thẳng, nhưng chỉ cần nghỉ ngơi, lấy lại năng lượng là anh có thể... yêu cầu mây lại từ đầu. Người bạn lớn trong đời thường của Lập là hai cậu con trai, nguồn động viên tinh thần to lớn cho bố sau những giờ làm việc căng thẳng. Cả hai cậu không thích cầu mây, nhưng bố vẫn vui vì các con... hơn cha, đều yêu thích bóng đá, bơi lội và tập chơi thể thao từ ngày nhỏ nên ai cũng khỏe mạnh, thông minh.

Mục tiêu sau khi đưa đội tuyển nhắm HCV ở ASIAD 2014, Hà Tùng Lập sẽ chia tay vị trí HLV trưởng đội tuyển QG, chuyên tâm phát triển bộ môn cầu mây Hà Nội và hỗ trợ các địa phương. Đó là cách Lập kết thúc ngọt ngào sự nghiệp HLV của mình. Tính Lập là thế, không làm thì thôi, nhưng một khi đã dấn thân, anh luôn có cách để người khác phải nhớ đến cái tên Hà Tùng Lập!

Hà Tùng Lập sinh năm 1977 tại Hà Nội, đoạt HCB Cúp thế giới năm 1999, dẫn dắt đội tuyển cầu mây nữ VN giành HCB tại SEA Games 21, 22, 23, giành HCV tại giải vô địch thế giới năm 2000, đoạt 2 HCV, 1 HCB tại ASIAD 15 năm 2006 và HCB tại ASIAD 14 năm 2002. Nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ tại SEA Games 21, 22, đứng đầu bảng xếp hạng 16 HLV tiêu biểu của thể thao Việt Nam năm 2006.

Thúy Hằng

>> Cầu mây nữ VN gặp Nhật Bản, Indonesia
>> Cầu mây nữ thất bại
>> Cầu mây nữ VN đấu chung kết với Thái Lan
>> Lũ lụt Thái Lan ảnh hưởng đến... cầu mây VN
>> Cầu mây VN thất bại
>> Thêm 2 HCB cầu mây nữ và karatedo
>> Cầu mây Việt Nam tranh vàng với Thái Lan
>> Cầu mây nữ: VN thắng trầy trật Myanmar
>> Cầu mây VN vẫn có cơ hội đoạt vàng ASIAD 16
>> Cầu mây lại “chết” ở phút 89
>> Đội tuyển cầu mây Việt Nam đón HLV Thái Lan

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.