SEA Games 31: ‘Bộ làm, Bộ cũng phải trả tiền thuê sân’

21/01/2021 07:24 GMT+7

Đó là phản hồi của Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Ngọc Thiện tại Hội nghị Ban Chấp hành Ủy ban Olympic VN (VOC) vào ngày 20.1, sau khi lãnh đạo Sở VH-TT Hà Nội nêu ý kiến về việc Hà Nội phải trả tiền thuê sân Mỹ Đình khi tổ chức lễ khai mạc SEA Games 31 vào cuối năm 2021.

Giám đốc Sở VH-TT Hà Nội Tô Văn Động báo cáo về sự chuẩn bị của đơn vị đăng cai chính: “Hà Nội đã chủ động xây dựng kế hoạch, đầu tư, nâng cấp, sửa chữa các công trình sẵn có của địa phương (không có công trình nào xây mới). Tính riêng các công trình phục vụ tổ chức thi đấu, tập luyện cho SEA Games 31 của Hà Nội quản lý, khoản kinh phí để nâng cấp, sửa chữa cải tạo vào khoảng hơn 597 tỉ đồng.
Ngoài việc chuẩn bị cơ sở vật chất, Hà Nội còn hàng loạt công tác phục vụ liên quan khác để đảm bảo các mặt như an ninh, y tế, giao thông, truyền thông, cơ sở lưu trú, dịch vụ, hậu cần, tình nguyện viên, đặc biệt là công tác chuẩn bị tốt nhất cho phòng chống Covid-19. Hà Nội có một nhiệm vụ rất quan trọng cần phải triển khai ngay từ đầu năm, đó là chủ trì lễ khai mạc, lễ bế mạc SEA Games 31 và Para Games 11, đây là công việc phải có đủ thời gian để chuẩn bị về mọi mặt”.

Sốt ruột với kế hoạch thi đấu Olympic

Tại Hội nghị Ban Chấp hành VOC, ông Trần Đức Phấn, Phó tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục TDTT, nói: “Chúng tôi rất lo lắng và sốt ruột vì theo dự kiến đến tháng 7 đã khai mạc Olympic nhưng đến thời điểm này Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) vẫn chưa đưa ra những phương án cụ thể để giúp các nước có được kế hoạch chuẩn bị. Giải pháp như thế nào, IOC cũng chưa có thông tin cụ thể. Nếu các đoàn phải cách ly 14 ngày khi vào Nhật Bản thì còn thi đấu thế nào được nữa.
Thể thao Việt Nam hiện đã có 5 VĐV của 4 môn thể thao vượt qua vòng loại và giành quyền dự Olympic gồm Nguyễn Huy Hoàng (bơi), Lê Thanh Tùng (thể dục dụng cụ), Nguyễn Hoàng Phi Vũ (bắn cung), Đỗ Thị Ánh Nguyệt (bắn cung), Nguyễn Văn Đương (quyền anh). Mục tiêu của Việt Nam là giành khoảng 20 vé dự Olympic nhưng trước tình hình dịch bệnh Covid-19 phức tạp như hiện nay, các cuộc thi đấu vòng loại vẫn chưa biết khi nào khởi động trở lại. Đó cũng là một khó khăn rất lớn”.     
T.N
Ông Động kiến nghị Bộ VH-TT-DL, VOC, Tổng cục TDTT và Ban Chỉ đạo quốc gia về SEA Games 31: “Khẩn trương cụ thể hóa đề án đăng cai đại hội bằng những kế hoạch chi tiết. Cần có ngay văn bản phối hợp để phân nhiệm, phân công công việc, thống nhất lộ trình, tách bạch rõ những công việc Hà Nội phải thực hiện theo nhiệm vụ trong đề án đã nêu. Cái nào Bộ làm, cái nào Hà Nội làm. Chứ giờ Hà Nội chỉ sợ chồng chéo, bên này tưởng bên kia làm thì ảnh hưởng đến tiến độ chuẩn bị. Đặc biệt nên xác định và chỉ rõ nguồn kinh phí thực hiện. Hà Nội lo gì, Bộ lo gì.
Lễ khai mạc là rất quan trọng, tổ chức ở sân Mỹ Đình mà Hà Nội phải trả tiền thuê sân. Ngoài ra cũng cần phải có phương án 2, đề phòng chuyển biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, dẫn đến việc SEA Games 31 không thể tổ chức được”.
Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Ngọc Thiện phản hồi ngay tại cuộc họp: “Anh Động nói đúng là cần phải tách bạch công việc, nếu để chồng chéo là không làm được đâu. Nhưng Hà Nội được giao làm gì thì phải lo từ A đến Z các khoản kinh phí. Lễ khai mạc, Hà Nội được giao thì Hà Nội lo kinh phí thuê sân.
Nếu Bộ làm thì Bộ cũng phải trả tiền thuê sân Mỹ Đình cho Khu liên hợp thể thao quốc gia. Bây giờ không còn ai bao cấp nữa, cũng không còn tư duy bao cấp nữa đâu, khu liên hợp là đơn vị tự chủ rồi. Bộ muốn thuê cũng phải trả tiền, đó là nguyên tắc. Tất nhiên việc Hà Nội thuê sân để phục vụ lễ khai mạc SEA Games 31 thì giá cả sẽ phải chăng hơn. Hà Nội phải tìm nhà tài trợ. Không còn con đường nào khác, khi nguồn ngân sách hạn hẹp thì phải đẩy mạnh xã hội hóa”.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.