Thêm 2 cầu nối đôi bờ sông Sài Gòn

18/10/2022 06:25 GMT+7

Những cây cầu bắc qua sông Sài Gòn, kết nối với thành phố mới Thủ Đức không chỉ giúp mở rộng không gian vùng lõi đô thị TP.HCM mà còn kỳ vọng tạo thêm nhiều biểu tượng kiến trúc mới cho thành phố.

“Thúc” 2 cầu bắc qua sông Sài Gòn

Sau cuộc họp mới đây với các cơ quan liên quan về việc nghiên cứu và hoàn thiện phương án đầu tư cầu Thủ Thiêm 4, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM Trần Quang Lâm đã yêu cầu Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông (viết tắt Ban Giao thông) phối hợp với đơn vị Tư vấn nghiên cứu, bổ sung thêm các phương án kỹ thuật và tổ chức giao thông phía Q.7, phạm vi giải phóng mặt bằng (phạm vi ảnh hưởng đến cảng Tân Thuận khi triển khai thực hiện dự án cầu Thủ Thiêm 4...). Đồng thời phân tích kỹ các ưu điểm, nhược điểm của các phương án để đề xuất, kiến nghị chọn phương án đầu tư cầu Thủ Thiêm 4 phù hợp, gửi Sở trước ngày 20.10.

Vị trí cầu Thủ Thiêm 4

Sở QH-KT TP.HCM

Đây là 1 trong số 29 dự án nằm trong danh mục dự án, công trình giao thông trọng điểm trên địa bàn TP.HCM năm 2022 đã được UBND TP thông qua hồi giữa tháng 5. Thời điểm đó, Sở Quy hoạch - Kiến trúc được giao đề nghị đơn vị tư vấn lên phương án thiết kế kiến trúc công trình cầu Thủ Thiêm 4, trong đó cần nghiên cứu hoàn chỉnh thêm phương án ý tưởng “Tre VN” - tổng thể cần thể hiện rõ cấu trúc tre, phương án chiếu sáng mỹ thuật đặc sắc... Với tổng mức đầu tư 5.300 tỉ đồng, cầu Thủ Thiêm 4 dự kiến sẽ thông qua chủ trương đầu tư và tiến hành lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi trong giai đoạn 2022 - 2023, lựa chọn nhà thầu đầu tư, khởi công vào năm 2024 để hoàn thành, đưa vào sử dụng năm 2028.

Một phương án dự thi tuyển chọn kiến trúc công trình cầu Thủ Thiêm 4

Những động thái mới nhất của Sở GTVT liên quan phương án đầu tư cầu Thủ Thiêm 4 nhận được rất nhiều sự quan tâm của người dân bởi không chỉ giúp giảm ùn tắc giao thông ở khu Nam và thúc đẩy phát triển nhanh Khu đô thị mới Thủ Thiêm, cây cầu này còn là điểm mấu chốt quyết định “số phận” cảng Tân Thuận hiện hữu. Cụ thể, kế hoạch di dời cảng Tân Thuận đã được UBND TP thúc đẩy triển khai từ năm 2017, dự kiến hoàn tất vào quý 1/2020 để phục vụ thi công cầu Thủ Thiêm 4.

Tuy nhiên, theo đại diện Công ty CP Cảng Sài Gòn, đến nay đơn vị này vẫn chưa có kế hoạch di dời cảng. Nguyên nhân là năm 2016 UBND TP.HCM phê duyệt chủ trương xây dựng dự án cầu Thủ Thiêm 4 với tổng mức đầu tư hơn 5.000 tỉ đồng theo hình thức BT (đổi đất lấy hạ tầng). Trong đó bao gồm gói khoảng 3.500 tỉ đồng chi phí di dời cảng Tân Thuận. Sau đó, tất cả các dự án theo hình thức BT tại TP.HCM ngưng triển khai, cầu Thủ Thiêm 4 cũng “đứng hình” chờ xác định chủ đầu tư và phương án đầu tư mới. “Tiến độ làm cầu không có nên kế hoạch dời cảng cũng chưa có luôn. Giờ thành phố đẩy nhanh cầu Thủ Thiêm 4 nghĩa là việc di dời cảng Tân Thuận cũng chuẩn bị có động thái mới”, vị này nói.

Bên cạnh cầu Thủ Thiêm 4, chủ trương đầu tư dự án xây dựng đường Vành đai 4 TP.HCM đoạn cầu qua sông Sài Gòn - kênh Thầy Cai (gồm cầu vượt sông Sài Gòn) cũng được Sở GTVT yêu cầu đẩy nhanh tiến độ. Trên cơ sở rà soát hiện trạng, các quy hoạch có liên quan, các yêu cầu về phát triển đô thị tại khu vực dự án... Ban Giao thông được giao phối hợp với đơn vị Tư vấn nghiên cứu, bổ sung thêm các phương án hướng tuyến mới để giảm chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng, giảm chi phí đầu tư dự án. Song song, phân tích kỹ các ưu điểm, nhược điểm để đề xuất, kiến nghị chọn phương án tuyến phù hợp, hiệu quả. Nếu được triển khai nhanh chóng, cầu vượt sông Sài Gòn kết nối qua kênh Thầy Cai sẽ là điểm đầu tiên mở đường Vành đai 4 - kết nối Củ Chi và Long An, có ý nghĩa rất lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của toàn vùng.

Cầu nối tới đâu, kinh tế phát triển tới đó

Từ năm 1996, Chính phủ phê duyệt quy hoạch TP.HCM, xác định xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm bên bờ đông sông Sài Gòn, có tổng diện tích 657 ha. Nằm ở vị trí chỉ cách khu vực lõi trung tâm lịch sử Q.1 một đoạn ngắn, đối diện sông Sài Gòn, bán đảo này được chọn là trung tâm tổng hợp mới, đáp ứng nhu cầu phát triển của thành phố hơn 10 triệu dân cùng lượng lớn khách vãng lai và được kỳ vọng trở thành trung tâm tài chính, thương mại tầm cỡ quốc tế, trở thành đô thị đẹp nhất khu vực Đông Nam Á.

Thế nhưng, theo KTS Nguyễn Hoàng Mạnh - CEO và KTS chủ trì của Công ty MIA Design Studio, dù chỉ cách trung tâm thành phố một con sông nhưng Thủ Thiêm suốt nhiều năm ì ạch chưa thể phát triển xứng tầm, cảnh quan hai bên bờ sông vì thế cũng không được chỉnh trang, quy hoạch đồng bộ. Thành phố chỉ quan tâm quy hoạch đô thị, chỉnh trang bờ đông. Nguyên nhân, giao thông không thuận tiện, các nhà đầu tư cũng chưa nhìn thấy tiềm năng để đầu tư vào phía bờ bên kia.

Chỉ đến khi hầm vượt sông Sài Gòn (còn gọi là hầm Thủ Thiêm) chính thức thông xe, khu vực này mới bắt đầu bước sang trang mới. Hàng loạt dự án nhà ở cao cấp mọc lên thần tốc, đường sá được xây mới, mở rộng sạch đẹp… Thủ Thiêm lột xác từ vùng đầm lầy hoang sơ thành khu “đất vàng” chỉ người có tiền, rất nhiều tiền mới dám mơ tới. Tiếp tục từng bước hình thành khu đô thị vệ tinh mới phía đông, cầu Thủ Thiêm 2 từ giao lộ Tôn Đức Thắng - Nguyễn Hữu Cảnh (Q.1) nối sang Thủ Thiêm khánh thành đúng dịp lễ 30.4 - 1.5 vừa qua đã tiếp tục kéo gần hơn đôi bờ sông Sài Gòn. Đường sá bắt đầu được đề biển, đặt tên, phục vụ việc tìm kiếm những tòa cao ốc, khu đô thị mới nườm nượp hình thành…

“Cầu Thủ Thiêm 2, Thủ Thiêm 4 và nhiều cây cầu kết nối khác đáng ra phải có từ lâu rồi. Càng có nhiều sự kết nối bằng nhiều cách khác nhau thì càng đem lại hiệu ứng tốt về mặt đô thị. Không chỉ giải tỏa ùn tắc giao thông, khơi thông giao thương mà còn phá bỏ sự khác biệt về cảnh quan kiến trúc giữa đôi bờ sông, cải thiện thẩm mỹ cảnh quan ven bờ”, KTS Nguyễn Hoàng Mạnh nhấn mạnh.

“Cầu mở tới đâu, kinh tế phát triển theo tới đó. Thủ Thiêm phát triển cũng là cơ hội để mở rộng vùng lõi đô thị hiện hữu, hiện thực hóa dần chủ trương giãn dân, giảm áp lực vùng nội đô TP”, KTS Mạnh nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.