Phòng xử án lớn nhất Thổ Nhĩ Kỳ chật kín vào ngày 26.11, với hàng chục nhân viên an ninh và luật sư, theo AFP. Theo cáo trạng, 337 bị cáo lãnh án chung thân vì tội giết người, vi phạm trật tự hiến pháp và âm mưu ám sát Tổng thống Erdogan. Bên cạnh đó, 60 bị cáo lãnh án tù với nhiều thời hạn khác nhau và 75 người được trắng án.
"Chúng tôi tin rằng các bản án phù hợp với luật hiện hành. Công lý được thực thi", ông Ufuk Yegin, đại diện cho gia đình nạn nhân, nói với AFP.
Giáo sĩ Hồi giáo Fethullah Gulen đang sống lưu vong ở Mỹ bị cáo buộc chủ mưu vụ đảo chính bất thành. Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ xem mạng lưới những người ủng hộ ông Gulen là “tổ chức khủng bố". Tuy nhiên, ông Gulen bác bỏ mọi cáo buộc.
Hơn 2.800 người lãnh án tù chung thân
Tổng cộng 251 người chết và hơn 2.000 người bị thương trong vụ đảo chính bất thành (ngày 15-16.7.2016).
Tổng tham mưu trưởng lúc đó Hulusi Akar - hiện là Bộ trưởng Quốc phòng - cùng các chỉ huy hàng đầu khác đã bị bắt làm con tin tại một căn cứ quân sự tối 15.7.2016 và được giải cứu vào sáng hôm sau.
Các chiến đấu cơ F-16 của phe đảo chính đã không kích tòa nhà quốc hội, con đường gần dinh tổng thống và trụ sở của lực lượng đặc nhiệm và cảnh sát ở thủ đô Ankara. Vào thời điểm xảy ra vụ đảo chính, Tổng thống Erdogan đang có kỳ nghỉ ở miền nam Thổ Nhĩ Kỳ.
Các phiên tòa xét xử bắt đầu kể từ tháng 8.2017 và tính đến nay, hơn 2.800 người lãnh án tù chung thân. Hơn 100.000 viên chức, bao gồm giáo viên và thẩm phán, đã bị sa thải hoặc đình chỉ công tác vì bị tình nghi có liên hệ với giáo sĩ Gulen.
Thổ Nhĩ Kỳ áp dụng bản án tù chung thân sau khi bãi bỏ án tử hình vào năm 2004. Đây được cho là một nỗ lực của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm xin gia nhập Liên minh châu Âu (EU), nhưng đến nay tiến trình đàm phán vẫn bế tắc.
Bình luận (0)