Lũ khẩn cấp trên sông Cửu Long |
Ngày 29.9, theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn T.Ư, lũ sông Mekong tại Campuchia đã đạt đỉnh và đang xuống chậm; vùng đầu nguồn sông Cửu Long, Đồng Tháp Mười (ĐTM), Tứ Giác Long Xuyên (TGLX) đang lên... Mực nước sáng nay 29.9 tại các trạm ở Campuchia như sau: trên sông Mekong tại Cảng Phnom Penh 9,95m (thấp hơn đỉnh lũ năm 2000: 0,14m), Prek Đam 9,98m (thấp hơn năm 2000: 0,28m), Neak Lương 8,06m thấp hơn năm 2000: 0,10m. Mực nước cao nhất sáng nay 29.9: trên sông Tiền tại Tân Châu: 4,78m; tại Mỹ Thuận: 1,89m; tại Mỹ Tho: 1,64m; trên sông Hậu tại Châu Đốc: 4,13m; tại Long Xuyên: 2,34m; tại Cần Thơ: 2,05m; trên sông Vàm Cỏ Tây tại Mộc Hóa: 2,04m, trên BĐ2: 0,24m. Dự báo trong 2-4 ngày tới, lũ vùng đầu nguồn sông Cửu Long, ĐTM, TGLX sẽ lần lượt đạt đỉnh, sau đó xuống chậm. Đỉnh lũ cao nhất năm tại Tân Châu có khả năng ở mức 4,9m, cao hơn BĐ3: 0,4m; trên sông Hậu tại Châu Đốc ở mức 4,3m, cao hơn BĐ3: 0,3m; sau đó xuống chậm nhưng còn duy trì trên BĐ3 đến giữa tháng 10. Cần chủ động phòng chống lũ lớn, ngập sâu ở vùng đầu nguồn, ĐTM, TGLX… Quang Minh Nhật |
Cụ thể, lúc 21 giờ ngày 28.9, đê tại ấp Bình Chiến, xã Bình Long bị vỡ gây thiệt hại 110 ha lúa; đến 23 giờ cùng ngày, vỡ điểm đê tại ấp Bình Hưng 2, xã Bình Mỹ gây ngập 477 ha; nghiêm trọng nhất là vụ vỡ đê tại tuyến Kinh 10 - Kinh 12, thuộc ấp Long Châu, ấp Ba Xưa, xã Thạnh Mỹ Tây nhấn chìm 623 ha lúa thu đông mới nằm đồng.
Theo đánh giá của chính quyền địa phương, diện tích đã bị ngập gần như không có khả năng để khắc phục.
Tại điểm đê bị vỡ trên tuyến Kinh 7, xã Ô Long Vĩ, H.Châu Phú đến sáng nay, nước lũ đã tràn vào tiểu khu Kinh 8, Kinh 9 gây ngập 500 ha lúa tại vùng này. Tại điểm đê bị vỡ đã lan rộng ra trên 40m. Trưa nay, các lực lượng địa phương đã hoàn thành việc đóng cừ tràm lên vùng bị bể, bao lưới B40 trước khi tiến hành thả vật liệu để ngăn dòng nước đang chảy xiết.
Ông Võ Thanh Tráng, Chủ tịch UBND huyện Châu Phú cho biết, vấn đề cấp bách hiện nay là thiếu vật liệu cho công tác ngăn lũ. Hiện cừ tràm, bạch đàn, cát lấp… đã trở nên khan hiếm. Huyện đã chỉ đạo cho mỗi xã thành lập tổ 10 người, 2 cưa máy để mua cừ tràm, bạch đàn trong dân. Bên cạnh đó, tổ chức cho lực lượng công an, Phòng TN-MT túc trực tại các mỏ cát trên địa bàn kịp thời gom cát đưa đến các điểm nóng. Về vấn đề này, ông Vương Bình Thạnh, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang đã chỉ đạo cho tỉa thưa rừng tràm Trà Sư để lấy gỗ tràm cung cấp cho việc chống lũ.
Thiếu tướng Lê Minh Tuấn, Phó tư lệnh Quân khu 9 cho biết, các lực lượng bộ đội chủ lực của quân khu đang sẵn sàng, và cần thiết Quân khu 9 có thể điều động thêm quân từ các tỉnh khác đến giúp đối phó với lũ.
Một sự cố xảy ra cho lực lượng chống lũ, tối qua, anh Huỳnh Văn Tùng (SN 1985), dân quân tự vệ thuộc xã đội Thới Sơn (H.Tịnh Biên) trong lúc giúp dân gia cố đê đã bị rắn độc cắn chết. Đây là trường hợp thứ 3 trên địa bàn tỉnh An Giang tử vong liên quan đến lũ lụt.
|
Tiến Trình
Bình luận (0)