Những người yêu cây cối và nâng niu khu vườn nhỏ trên ban công, hay sân thượng ở TP.HCM cho rằng việc chăm sóc và nói chuyện với cây cối khiến họ lạc quan hơn và nhiều năng lượng tích cực hơn.
Những ngày giãn cách xã hội trong mùa dịch, tôi ra vườn, cuốc đất trồng cây, chăm bón cho chúng, nói chuyện với chúng, tôi cảm thấy mình vui vẻ và yêu đời hơn rất nhiềuPhạm Anh Việt, 25 tuổi, P.Thạnh Lộc, Q.12, TP.HCM |
Từ thử thách trồng cây
Mới đây, chị Phạm Thị Hương Giang (Jang Kều, người sáng lập và chủ tịch Quỹ sống, sáng lập dự án Nhà chống lũ, Hạnh phúc xanh) khuấy động thử thách “Những ngày giãn cách, thử thách trồng cây” trên mạng xã hội, thu hút nhiều người tham gia.
Theo thử thách đưa ra, mỗi người tham gia sẽ chụp hình một cây mình trồng trong nhà, viết về cách mình trồng và chăm sóc cây rồi đăng tải trên Facebook, gắn thẻ 3 người bạn cùng hashtag. Giải thưởng cho thử thách này là cây (để khuyến khích người tham gia tiếp tục trồng), sách hay về cây và nước rửa tay.
Nhiều người trẻ hưởng ứng, chia sẻ hàng loạt hình ảnh về cây xanh của họ và câu chuyện về cách chăm sóc chúng và cả "nói chuyện với cây".
|
"Trong thời gian TP.HCM tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội cho đến ngày 28.6, việc ở nhà trồng cây, chăm cây, trò chuyện với cây giúp chúng ta vượt qua những ngày giãn cách nhẹ nhàng và ý nghĩa hơn", chị Jang Kều chia sẻ.
Trao đổi với phóng viên, chị Jang Kều cho biết, từ thử thách trồng cây trong những ngày giãn cách, chị muốn lan tỏa thông điệp mong mọi người bình tĩnh, ở nhà, ủng hộ cuộc chiến chống Covid-19 để các y bác sĩ và cơ quan chức năng khoanh vùng, dập dịch hiệu quả, ít tốn kém nhất".
"Mỗi một phút giây trong đời đều có ý nghĩa kể cả những khi mình bị bó buộc nhất. Hãy làm điều có ý nghĩa. Trồng cây là góp phần tăng mảng xanh, cải thiện không gian, sức khoẻ, tinh thần của mình. Do đó, mọi lúc, mọi nơi, mọi thời điểm đều có thể trồng cây. Không chỉ trồng một mình, bạn hãy lan tỏa, khuyến khích bạn bè và người thân”, chị Jang Kều chia sẻ.
Những người thích trò chuyện với cây
Chị Dương Phương Dung, làm việc ở TP.Thủ Đức (TP.HCM) là một trong những người đầu tiên tham gia thử thách trồng cây.
“Trong những ngày dịch thế này, có một công việc để làm, một ngày đầy đủ 3 bữa ăn đó điều may mắn. Bởi vậy, luôn tự nhắc nhở phải biết kết nối với bản thân, cộng đồng và luôn muốn bày tỏ lòng biết ơn với những đồng đội đã và đang bên Dung”, chị Dung đăng tải thông điệp kèm theo bức ảnh chậu cây của mình.
|
|
Không chỉ thường xuyên nói chuyện với cây cối, hoa lá, chị Dung kể mình còn có sở thích hôn những bông hoa mình tự tay chăm. Chị Dung chia sẻ: “Tôi thích trồng cây vì ngắm cây lớn lên mỗi ngày là một niềm vui. Mỗi cây xanh đều mang lại cho mình cảm giác rất thoải mái, được thư giãn đầu óc, lại tốt cho môi trường sống”.
“Nói ra chắc mọi người cười. Tôi còn hôn những bông hoa tôi tự tay trồng vì tôi rất yêu chúng. Con người, cây cối, động vật cũng đều cấu tạo từ tế bào, là sự sống. Tôi có cảm giác là mình yêu hoa thì nó sẽ tươi, đẹp hơn, ở lâu với mình hơn”, chị Dung vui vẻ nói.
Cũng với tình yêu dành cho cây cối, chị Phan Thị Khoa, đào tạo và huấn luyện viên ở TP.HCM, chia sẻ: “Đợt này giãn cách này lâu quá, không có ai nói chuyện nên nay tôi chuyển sang nói chuyện với cây. Sáng nào tôi cũng ra ban công mở nhạc cùng nghe với tụi nó và vuốt vuốt mấy cái mầm mà thấy năng lượng cao tới lạ".
Theo chị Khoa, trò chuyện với cây là niềm vui có thật và từ ngày giãn cách cây cối ở nhà cô đâm chồi nảy mầm rất nhiều.
|
|
Trong khi đó, góp vui với thử thách trồng cây, chị Trương Huỳnh Phương Vy, nguyên giám đốc nhân sự một công ty công nghệ, cũng khoe những bức ảnh về cây nhất mạt hương (sen thơm) cùng cây nhỏ xinh từ cây mẹ đẻ ra cây con sau một thời gian mình chăm sóc.
Chị Phương Vy lâu nay trồng đủ loại cây trên ban công căn hộ chung cư của mình. "Trong những ngày giãn cách xã hội, nếu không có cây cối thì tôi sẽ rất buồn. Mỗi ngày tôi đều ra ngắm, ra thăm cây, ngồi hàng giờ với nó là chuyện thông thường. Tôi có cảm nhận là cây cối mình trồng mà mình không ra thăm, nói chuyện với nó là cây cũng buồn, không lớn được đâu”, chị Phương Vy cười.
Trò chuyện với cây có cơ sở không?
Nhà sinh vật học George David Haskell, tác giả quyển sách The Songs of Plants, gọi cây cối là những “nhà triết học của hệ sinh thái” vì chúng có thể giao tiếp với nhau ở trên, dưới lòng đất, bằng mùi hương, âm thanh, tín hiệu… Chúng kết nối với nhau thành những mạng lưới và kết nối cả với mọi thứ tồn tại trên đời, bao gồm con người, theo ông Haskell.
|
|
Nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra rằng cây cối có thể cảm nhận được tình cảm, sự yêu thương, hay giận dữ, thù ghét thông qua ngôn ngữ của con người dành cho chúng. Gần đây, một thí nghiệm được diễn ra tại một trường học tại Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE) khiến nhiều người bất ngờ.
Cụ thể, hai chậu cây trồng cùng lúc, trong cùng điều kiện chăm sóc, khí hậu. Một chậu được lắng nghe con người nói những câu chuyện, lời nói ngọt ngào như “đẹp lắm”, “cây tuyệt vời”, “thế giới đổi thay vì bạn”. Chậu còn lại có những tiếng nói “đồ vô dụng”, “thật xấu xí”, “trông như sắp chết đến nơi rồi”.
Sau 30 ngày, cây được "nghe" những lời ngọt ngào vẫn tươi xanh và tình trạng của cây còn lại tệ hại hơn rất nhiều.
Bình luận về thí nghiệm này, Phạm Anh Việt, 25 tuổi, người biến khu nhà trọ thành khu vườn đầy cây trái, trú P.Thạnh Lộc, Q.12, cho biết, dù nhiều người có thể đồng tình hay bác bỏ những nghiên cứu khoa học về cây cối nhưng có một chân lý là trồng cây mang lại hạnh phúc cho tất cả mọi người.
Anh Việt bộc bạch: “Những ngày giãn cách xã hội trong mùa dịch, tôi ra vườn, cuốc đất trồng cây, chăm bón cho chúng, nói chuyện với chúng, tôi cảm thấy mình vui vẻ và yêu đời hơn rất nhiều”.
Bình luận (0)