(TNO) Gần nửa thế kỷ từ khi ra đời, bài thơ Quê hương của Giang Nam đã làm xúc động nhiều thế hệ và là nguồn cảm hứng cho nhiều nhạc sĩ. Mới đây, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chính đã phổ nhạc bài thơ này với giai điệu dân ca, mượt mà sâu lắng.
>> Nghe bản phối Quê hương của nhạc sĩ Nguyễn Văn Chính
Cảm xúc để nhạc sĩ Nguyễn Văn Chính phổ nhạc bài thơ Quê hương không phải tình cờ, mà là sự trải nghiệm và ấp ủ qua thời gian.
Nhạc sĩ cho biết: “Tôi thuộc thế hệ học trò mà những cảm nhận văn chương được bắt đầu từ những tác phẩm trong sách “Trích giảng văn học” thời phổ thông. Hồi ấy, tôi rất thích bài thơ Quê hương của nhà thơ Giang Nam. Còn nhớ, khi giảng và cả trong các buổi bình thơ ngoại khóa, thầy giáo dạy văn thường cho chúng tôi ngâm bài thơ này để minh họa. Không ngờ sau này, tôi lại được ở cùng cơ quan (báo Văn Nghệ - Hội Nhà văn Việt Nam) với nhà thơ Giang Nam. Khi có ý định phổ nhạc bài Quê hương, thách thức lớn nhất đối với tôi là bài thơ đã quá nổi tiếng. Tôi suy nghĩ rất nhiều về cách thể hiện tình cảm và ý tứ bằng ngôn ngữ âm nhạc. Cuối cùng, tôi đã nương vào nhạc tính sẵn có của bài thơ để thực hiện”.
|
|
Tại nhà riêng của nhà thơ Giang Nam (TP.Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa), nhạc sĩ Nguyễn Văn Chính đã hát cho ông nghe ca khúc Quê hương.
Sau giây phút trầm ngâm, nhà thơ Giang Nam nói thật chậm: “Bài thơ ra đời đã gần 50 năm và không chỉ được đưa vào sách giáo khoa, mà còn được nhiều thế hệ các nghệ sĩ thể hiện bằng các hình thức đọc thơ trên nền nhạc, ngâm thơ… Hôm nay, nghe bài hát Quê hương của nhạc sĩ Nguyễn Văn Chính, tôi rất xúc động và vui mừng. Tôi thích giai điệu này vì nó thể hiện được cái hồn và cảm xúc đúng sự thật của bài thơ mà tôi đã mong đợi từ nhiều năm nay”.
Bài thơ Quê hương của Giang Nam ca ngợi tình yêu quê hương, tình yêu đôi lứa và là lời cảnh tỉnh về sự đau thương mất mát của chiến tranh. Vì vậy, ca khúc Quê hương của Nguyễn Văn Chính không chỉ góp phần làm cho bài thơ ngân vang mãi, mà còn gửi đến các thế hệ mai sau thông điệp về khát vọng hòa bình.
Nhà thơ Giang Nam tên thật là Nguyễn Sung, sinh năm 1929, hiện sinh sống tại TP.Nha Trang. Các tác phẩm tiêu biểu như: Tháng Tám ngày mai (1962), Quê hương (1965), Người anh hùng Đồng Tháp (1969), Vầng sáng phía chân trời (NXB Văn học Giải phóng TP.HCM 1975), Hạnh phúc từ nay (NXB Tác phẩm mới Hà Nội 1978), Thành phố chưa dừng chân (NXB Tác phẩm mới Hà Nội 1985), Rút từ sổ tay chiến tranh (truyện ngắn và ký, NXB Văn nghệ TP.HCM 1987), Trường ca Sông Dinh mùa trăng khuyết…
Ông được trao một số giải thưởng cao quý như: Giải ba về truyện ngắn của báo Thống Nhất năm 1960, Giải nhì về thơ tạp chí Văn Nghệ năm 1961, Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật đợt I.
Thiện Nhân
Để tiện cho độc giả theo dõi, TNO xin đăng lại bài thơ "Quê hương" của nhà thơ Giang Nam: Thuở còn thơ ngày hai buổi đến trường |
Bình luận (0)