Thêm một chốt chặn ô nhiễm

14/04/2017 06:45 GMT+7

10 ngành gồm nông nghiệp, hóa chất, xây dựng và cơ sở hạ tầng, năng lượng, chế biến thực phẩm, dệt may, dầu khí, xử lý chất thải, khai thác mỏ và các sản phẩm từ chất khoáng phi kim loại sẽ được ngân hàng (NH) đánh giá rủi ro môi trường, xã hội trước khi cấp tín dụng.
Đó là quy định mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ ban hành trong năm nay, khi đó sẽ có thêm một chốt chặn ô nhiễm để bảo vệ môi trường.
Trên thế giới, khái niệm "tín dụng xanh" được nhiều nước áp dụng. Mỹ là một trong những cường quốc tiên phong với việc ban hành đạo luật Bồi hoàn môi trường toàn diện, trong đó quy định trách nhiệm của tất cả các bên liên quan, bao gồm doanh nghiệp (DN) gây ô nhiễm và các NH cho vay vốn các công trình, dự án gây ô nhiễm. Các định chế tài chính lớn như World Bank (WB), Công ty tài chính quốc tế (IFC), NH Phát triển Châu Á (ADB) cũng có bộ tiêu chuẩn về môi trường xã hội mà các dự án và đối tác vay vốn hoặc nhận tài trợ của họ phải tuân theo.
Ở VN, chốt chặn này được đánh giá sẽ rất hiệu quả nếu thực hiện một cách khoa học, nghiêm túc. Bởi có một thực tế là hầu hết các DN Việt đều sử dụng vốn vay NH với tỷ lệ rất lớn, có khi lên tới 70 - 80% trong tổng vốn đầu tư một dự án. Không chỉ DN nội, nhiều DN đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng vay vốn từ hệ thống NH trong nước. Một thống kê giữa năm 2016 cho thấy, dư nợ tín dụng đối với khu vực FDI khoảng 100.000 tỉ đồng. Có nghĩa là, "cửa" của các NH mới là nơi quyết định một dự án có được thực hiện hay không và nếu "chặn" ở cửa này thì khó thoát.
Thực ra, không phải đến bây giờ ngành NH mới tham gia vấn đề môi trường. Khái niệm "tín dụng xanh" đã được NHNN khởi động từ 2 năm trước.
Theo đó, hoạt động cấp tín dụng sẽ chú trọng đến vấn đề bảo vệ môi trường, nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên, năng lượng; cải thiện chất lượng môi trường và bảo vệ sức khỏe con người, đảm bảo phát triển bền vững...
Theo báo cáo của NHNN, tính đến hết năm 2016, dư nợ "tín dụng xanh" đạt khoảng 84.781 tỉ đồng, tăng 19,7% so với thời điểm cuối năm 2015 và chiếm 1,5% so với tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế, với khoảng 3,2 triệu hợp đồng. Dư nợ tín dụng đã đánh giá rủi ro môi trường và xã hội đạt khoảng 187.953 tỉ đồng với 129.083 hợp đồng tín dụng.
Các con số trên cho thấy, dư nợ “tín dụng xanh” đã tăng dần lên, các NH cũng đã ý thức và tham gia nhiều hơn vào vấn đề này. Nhưng việc đưa môi trường thành một chỉ tiêu xem xét, phê duyệt cấp tín dụng lại mang một ý nghĩa, cấp độ hoàn toàn khác.
Có thể hình dung thế này, trước đây mới là định hướng để "nắn" dòng chảy tín dụng thì bây giờ nó đã trở thành quy định. Nếu anh có "tiền sử" về môi trường hay dự án có những dấu hiệu rủi ro cao thì NH có thể "cắt", không cho vay vốn. 10 ngành mà NHNN chọn cũng là những ngành đang nóng bỏng về môi trường.
Tất nhiên, còn rất nhiều việc phải làm để “tín dụng xanh” trở thành một chốt chặn hữu hiệu trong việc bảo vệ môi trường trước tình trạng gia tăng các dự án gây ô nhiễm. Từ việc soạn bộ tiêu chuẩn về môi trường cho 10 ngành mà NHNN đưa ra để có căn cứ thẩm định, đánh giá tác động về môi trường - xã hội, đến đào tạo đội ngũ cán bộ NH đủ trình độ, năng lực thẩm định dự án, ban hành cơ chế - chính sách để khuyến khích các NH thương mại tham gia mạnh mẽ vào chương trình “tín dụng xanh”...
Nhưng chúng ta hoàn toàn có quyền hy vọng, với sự tham gia của nhiều cơ quan có thẩm quyền liên quan, môi trường sẽ được bảo vệ tốt hơn trước sự "xâm lăng" của các dự án, chủ đầu tư vì lợi nhuận, cố tình lờ đi các quy định về an toàn môi trường như thời gian vừa qua.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.