Tham gia đoàn đầu tư lần này chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ Nhật Bản hoạt động trong các ngành sản xuất máy móc thiết bị nói chung và thiết bị tự động hoá, hoá chất (nhựa, in ấn), linh kiện điện - điện tử… Ngoài ra, trong đoàn còn có một số công ty chuyên cung cấp các dịch vụ giao nhận vận tải, ngân hàng, tư vấn, xây dựng…
Dự kiến, sau khi thăm Quảng Châu (Trung Quốc), đoàn sẽ sang Việt Nam bằng đường bộ qua cửa khẩu Hữu Nghị Quan, tỉnh Lạng Sơn nhằm tìm hiểu khả năng vận tải đường bộ giữa hai nước Việt - Trung. Ngày 7/12, đoàn sẽ có buổi gặp và làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Hà Nội và lãnh đạo Uỷ ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng. Ngoài ra, để tìm hiểu tình hình thực tế cũng như tham khảo kinh nghiệm của các công ty Nhật Bản đã đầu tư vào Việt Nam, đoàn sẽ trực tiếp đến thăm một số khu công nghiệp ở miền Bắc và miền Trung Việt Nam.
Theo một quan chức của JETRO tại Hà Nội, việc Việt Nam chính thức gia nhập WTO, đăng cai tổ chức thành công Hội nghị Thượng đỉnh APEC và đặc biệt là trong 11 tháng qua đã vượt kỷ lục thu hút vốn đầu tư nước ngoài mà Việt Nam đã đạt được trong cùng kỳ năm 1996 đã chứng tỏ vị thế mới cũng như sức hấp dẫn ngày càng tăng của môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam. Riêng đối với Nhật Bản, việc khoảng 100 công ty hàng đầu Nhật Bản tháp tùng Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đến Việt Nam nhân dịp APEC, và ngay tiếp theo đó là đoàn đầu tư của JETRO đến Việt Nam là những dấu hiệu tích cực thể hiện rõ mối quan tâm của các nhà đầu tư Nhật Bản đến Việt Nam.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, mặc dù Nhật Bản hiện chỉ đứng thứ 4 trong số 76 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, nhưng các nhà đầu tư Nhật Bản lại đứng đầu về vốn đầu tư thực hiện. Với chiều hướng gia tăng các đoàn doanh nghiệp Nhật Bản đến Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang có kế hoạch để tiếp nhận hiệu quả (làn sóng đầu tư thứ hai của Nhật Bản) vào Việt Nam.
Theo TTXVN
Bình luận (0)