Thêm một lý do khiến 360.000 thí sinh không đăng ký xét tuyển ĐH

Quý Hiên
Quý Hiên
14/08/2023 07:09 GMT+7

Việc có hơn 360.000 thí sinh không đăng ký xét tuyển ĐH khiến dư luận không khỏi băn khoăn. Ngoài lý giải của các nhà quản lý, chuyên gia giáo dục về một số tác động xã hội ảnh hưởng tới việc lựa chọn đăng ký nguyện vọng còn một lý do đáng kể để xem xét.

Ngoài những lý do như ngày càng nhiều thí sinh (TS) lựa chọn các bậc học khác như cao đẳng, trung cấp; du học hoặc tham gia thị trường lao động, phân tích từ góc độ dữ liệu, Báo Thanh Niên tiếp tục lý giải thêm nguyên nhân vì sao có 360.000 thí sinh không đăng ký xét tuyển đại học (ĐH). Đó là vì có TS không đủ điều kiện nộp hồ sơ xét tuyển.

NHỮNG ĐIỀU KIỆN ĐỂ THAM GIA XÉT TUYỂN ĐH

Sau khi kết thúc đăng ký xét tuyển ĐH đợt 1 năm 2023 vào cuối ngày 30.7, số liệu trên hệ thống của Bộ GD-ĐT ghi nhận có hơn 662.000 TS đã nhập nguyện vọng đăng ký xét tuyển. Trong khi đó, tổng số TS đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT 2023 là 1.024.063 em. Điều này khiến dư luận xã hội không khỏi băn khoăn, 360.000 TS còn lại vì sao lại không đăng ký xét tuyển ĐH!

Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT, trên thực tế cả nước có 1.012.398 TS dự thi kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023. Nhưng số TS dự thi từng môn khác nhau, do mục đích dự thi khác nhau. Trong khi đó, để được hệ thống đưa vào danh sách TS đủ điều kiện tham gia đăng ký xét tuyển ĐH, TS phải thuộc một trong 3 trường hợp sau: Thi đủ các môn thi để xét tốt nghiệp; TS đã tốt nghiệp năm trước thì phải thi đủ 3 môn của một tổ hợp xét tuyển ĐH (trong tổ hợp phải bắt buộc có môn văn hoặc toán); TS đã tốt nghiệp THPT những năm trước, và không tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, nhưng vẫn có điểm xét tuyển do sử dụng kết quả thi của các kỳ thi khác như thi năng khiếu, thi đánh giá năng lực, thi tư duy…

Thêm một lý do khiến 360.000 thí sinh không đăng ký xét tuyển ĐH  - Ảnh 1.

Theo số liệu của Bộ GD-ĐT, có hơn 662.000 TS đã nhập nguyện vọng đăng ký xét tuyển trong tổng số 1.024.063 TS đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT 2023

NGỌC DƯƠNG

Theo Vụ GD ĐH, Bộ GD-ĐT, con số TS hiển thị trên hệ thống (những TS đủ điều kiện tham gia xét tuyển ĐH năm 2023) là 1.002.000; số đăng ký xét tuyển là 662.000 em. Như vậy, con số TS đủ điều kiện để hệ thống đưa vào danh sách xét tuyển ĐH nhưng không sử dụng "quyền" đăng ký nguyện vọng trên hệ thống là 340.000 em. Vậy tại sao 340.000 TS này không sử dụng "quyền" đăng ký nguyện vọng trên hệ thống?

HÀNG TRĂM NGHÌN THÍ SINH KHÔNG ĐẠT ĐIỂM SÀN

Theo tiến sĩ Phạm Thanh Hà, Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Giao thông vận tải, trong 340.000 TS không đăng ký xét tuyển ĐH có một số lượng khá lớn TS không đủ điều kiện để đăng ký khi mà hầu hết các trường ĐH hiện nay đều đặt ngưỡng đảm bảo chất lượng (điểm sàn) nhận hồ sơ.

Tiến sĩ Hà phân tích, hiện nay có 4 tổ hợp phổ biến được các trường ĐH dùng để xét tuyển sinh, gồm A00, A01, D01, D07. Trong đó, D01 có độ phủ lớn nhất vì hầu hết TS muốn xét tốt nghiệp THPT 2023 đều phải dự thi đủ 3 môn toán, văn, tiếng Anh (trừ một ít TS giáo dục thường xuyên hoặc TS thi ngoại ngữ khác). Với nguyên tắc xét tuyển chọn tổ hợp TS đạt điểm cao nhất (so với các tổ hợp khác của chính TS) hiện nay đang được hệ thống xét tuyển của Bộ GD-ĐT áp dụng, người ta có thể tính ra con số có bao nhiêu TS không đủ điều kiện nộp hồ sơ xét tuyển, dựa vào điểm sàn của các trường.

Thêm một lý do khiến 360.000 thí sinh không đăng ký xét tuyển ĐH  - Ảnh 2.

4 tỉnh thành gồm Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Phú Yên nằm trong tốp 10 địa phương có tỷ lệ TS nhập học ĐH cao nhất, cho thấy có sự liên quan tới điểm sàn - điểm chuẩn thấp của các trường ĐH trong vùng

NGUỒN: BỘ GD-ĐT

"Đa số hiện nay các trường lấy điểm sàn từ 17 trở lên, chỉ có một số ít các trường/ngành lấy điểm sàn từ 15. Nếu tính bình quân mỗi TS được cộng 0,5 điểm ưu tiên thì ta có thể xét từ mốc 16,5 điểm để xem có bao nhiêu TS đủ điều kiện nộp hồ sơ với những trường/ngành lấy điểm sàn 17. Theo con số mà chúng tôi thống kê được trong nhóm 4 tổ hợp có mức độ dùng rất phổ biến như đã nêu ở trên, cả nước chỉ có 663.245 TS đạt từ mốc 16,5 điểm trở lên. Như vậy sẽ có khoảng 330.000 TS không đủ điều kiện đăng ký xét tuyển vào những trường/ngành yêu cầu điểm sàn từ khoảng 17 điểm", tiến sĩ Hà nói.

Dựa vào dữ liệu điểm thi tốt nghiệp THPT 2023 các TS có điểm thi tổ hợp A00, A01, D01, D07 mà tiến sĩ Hà đã tổng hợp, Báo Thanh Niên cũng nhận thấy, ở mốc điểm 15, cả nước có hơn 747.000 em đạt. Như vậy, cho dù tất cả các trường ĐH đặt ngưỡng điểm sàn là 15,5 (với cách tính bình quân mỗi TS được cộng 0,5 điểm ưu tiên), cả nước sẽ có khoảng 250.000 TS không đạt điều kiện để đăng ký xét tuyển ĐH. "Con số mà dư luận đặt ra (360.000 TS không đăng ký xét tuyển ĐH - PV) là một thực tế khách quan. Vấn đề là không đăng ký khác với không đủ điều kiện để đăng ký. Bộ GD-ĐT là cơ quan có đầy đủ dữ liệu về thông tin điểm sàn, điểm xét tuyển của TS nên Bộ sẽ đánh giá được tương đối chính xác vấn đề này", tiến sĩ Hà nói.

Theo thống kê của Báo Thanh Niên trong số gần 230 cơ sở ĐH đã công bố điểm sàn (bao gồm các phân hiệu), tuy có 115 cơ sở có điểm sàn dưới mức 16 điểm (cơ sở ít thì có 1 ngành, cơ sở nhiều thì hàng loạt ngành), nhưng hầu hết đây đều là hoặc là những cơ sở rất ít cạnh tranh, hoặc là những ngành khó tuyển sinh. Trong đó trước hết phải kể đến 5 đơn vị có điểm sàn ở mức 14, gồm (số trong ngoặc là số mã ngành đặt điểm sàn 14 so với tổng mã ngành mà trường tuyển sinh): Trường ĐH Duy Tân (71/76), Trường ĐH Kinh tế kỹ thuật Bình Dương (14/15), Trường ĐH Kiến trúc - ĐH Đà Nẵng (15/17), Trường ĐH Ngoại ngữ - ĐH Huế, Trường ĐH Quảng Nam (tất cả mã ngành).

Trừ Trường ĐH Kinh tế kỹ thuật Bình Dương, cả 4 trường đều ở khu vực miền Trung. Ngoài ra, trong danh sách 115 cơ sở có điểm sàn dưới mức 16 thì chiếm một tỷ lệ lớn trường ĐH ở khu vực miền Trung (cả công lập và tư thục). Việc các cơ sở ĐH ở miền Trung đặt điểm sàn rất thấp (dẫn tới điểm chuẩn thấp) cũng lý giải phần nào việc tỷ lệ TS học ĐH năm 2022 của các tỉnh miền Trung cao nhất nước (Thừa Thiên-Huế là 62,57%; Đà Nẵng 61,88%; Khánh Hòa 60,76%; Phú Yên 57,1%...). 

Thêm một lý do khiến 360.000 thí sinh không đăng ký xét tuyển ĐH - Ảnh 3.

NGUỒN BỘ GD-ĐT

Theo quy định của Bộ GD-ĐT, điểm sàn khối trường sức khỏe gồm 3 mức: 22,5 điểm, 21 điểm, 19 điểm; điểm sàn khối trường sư phạm là 19 (trừ các ngành có môn năng khiếu). Còn Bộ Công an quy định các trường khối công an điểm sàn là 70/100 (21/30).

Ở khu vực phía bắc, các trường ĐH công lập khối kỹ thuật, công nghệ, quản lý, kinh doanh… tốp giữa nhìn chung đều đặt điểm sàn từ mức 17 điểm trở lên, như: Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội, Trường ĐH Giao thông vận tải; Trường ĐH Xây dựng, Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội, Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội, Trường ĐH Luật Hà Nội (riêng Trường ĐH Luật thì điểm chuẩn hằng năm đều nằm ở mức tốp trên). Còn các trường tốp trên chia ra nhiều nhóm, nhóm có mức điểm sàn từ 20 trở lên gồm: ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Bách khoa Hà Nội, Học viện Ngân hàng (trừ các phân viện), Trường ĐH Kinh tế quốc dân, Trường ĐH Thương mại... Nhóm từ 21 trở lên có Học viện Ngoại giao (21 - 23), Học viện Bưu chính viễn thông cơ sở miền Bắc (22); Trường ĐH Ngoại thương (23,5).

Ngay cả nhiều trường tư ở Hà Nội cũng đặt mức điểm sàn khá cao, từ 18 điểm trở lên, như Trường ĐH CMC, Trường ĐH Thăng Long…

Danh sách trên đều là những trường có số lượng chỉ tiêu cao, thu hút số lượng nguyện vọng đăng ký khá lớn. Vì thế, chính sách điểm sàn của những trường trên cũng sẽ là một lý do "loại" đáng kể số lượng TS tham gia đăng ký nguyện vọng, khi mà các trường có điểm sàn thấp thường là những trường ít cạnh tranh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.