"Chúng tôi không gọi đó là một dư chấn. Nó rất mạnh. Đó có lẽ là một trận động đất khác”, Rafeal Abreu – một nhà địa chất học ở Mỹ - cho biết. Trước đó, ông đã cho biết trận động đất mới nhất ở Indonesia có cường độ 7,8 độ Richter.
Động đất làm sập nhiều nhà cửa ở Indonesia (Ảnh Reuters)
Trận động đất xảy ra trong bối cảnh cư dân Indonesia vẫn còn đang hoảng loạn sau cơn địa chấn 8,4 độ Richter xảy ra vào ngày hôm qua, 12.9 khiến ít nhất 6 người thiệt mạng. Giới chức địa phương cho biết con số thương vong có thể cao hơn rất nhiều. Hệ thống thông tin liên lạc đã bị trận động đất phá hủy ở nhiều nơi nên mức độ thiệt hại chưa được đánh giá hết.
Tại các khu vực bị ảnh hưởng của Indonesia, bóng tối vẫn bao phủ nhiều nơi do mất điện.
Người dân hoảng loạn chạy ra khỏi nhà, tránh xa các vùng bờ biển, lo sợ sóng thần ập đến. Ở thủ đô Jakarta, mọi người cũng chạy khỏi các tòa nhà cao tầng vì chúng rung lắc dữ dội. Còn ở Benkulu, nhiều cơn dư chấn mạnh đã khiến mọi người không thể đi lại mà buộc phải ở yên một chỗ.
“Mặt đường rung lắc như các làn sóng vậy. Mọi người không thể đi nên phải đứng tại chỗ. Tôi thì có cảm giác như là đang ở ngoài biển vậy”, một phóng viên ở Benkulu cho biết.
Những gì mới xảy ra lại một lần nữa khơi gợi lại ký ức kinh hoàng của trận động đất gây sóng thần kinh hoàng tại khu vực Ấn Độ Dương hồi năm 2004 làm hơn 220.000 người thiệt mạng ở nhiều nước khác nhau.
Chính vì thế, khi thông tin về trận động đất ngoài khơi Indonesia được loan đi, chính quyền các nước ở rất xa, cả Kenya và Tanzania (Phi châu) đã lập tức kêu gọi người dân rời xa các vùng biển.
Sau trận động đất 7,8 độ Ritchter sáng nay, chính quyền Indonesia đã đưa ra lời cảnh báo sóng thần mới nhưng rút lại sau 2 giờ. Đến khi xảy ra một dư chấn mạnh (ở mức 6,7 độ Richter), cảnh báo sóng thần lại được đưa ra. Trước đó, chính phủ cũng đã cảnh báo sóng thần sau trận động đất mạnh hôm qua.
Ở Thái Lan, Trung tâm cảnh báo thiên tai gởi tin nhắn qua điện thoại di động để cảnh báo hàng trăm quan chức ở 6 tỉnh phía Nam.
|
Các quan chức Ấn Độ thì được lệnh phải đề phòng tình huống xấu dù dư chấn không lan đến nước này.
Tại Sri Lanka, người dân được khuyến cáo phải tránh xa bờ biển ít nhất 200 mét.
Cảnh báo sóng thần cũng đã được đưa ra ở Úc nhưng được dỡ bỏ sau đó. Nhưng dù sao, người dân cũng được khuyên không nên ra biển vào lúc này vì sóng có thể cao bất thường.
Riêng Trung tâm cảnh báo sóng thần Thái Bình Dương tại Hawai (Mỹ) hôm 13.9 cho rằng động đất có khả năng sẽ gây ra một đợt sóng thần hung hãn bao trùm cả khu vực, chạy dọc theo đường bờ biển dài đến cả 1.000 km tính từ tâm chấn. Cơ quan này khuyên chính quyền các nước trong khu vực cần lập tức sơ tán cư dân khỏi các vùng bờ biển.
Đoan Nhật (Theo AP, BBC, Reuters)
Bình luận (0)