Câu chuyện có 3 tin tóm tắt như sau: (1) Theo báo cáo tài chính quý 2 và 6 tháng đầu năm nay, Vinaconex đang nợ các ngân hàng hơn 1.112 tỉ đồng, trong đó nợ ngắn hạn khoảng 400 tỉ đồng, nợ dài hạn đến hạn phải trả khoảng 712 tỉ đồng. Riêng lãi vay ngân hàng 6 tháng của Vinaconex đã là 242 tỉ đồng. (2) Vinaconex lại có khoản phải thu của khách hàng là 1.996 tỉ đồng, trong đó của Sở Xây dựng Hà Nội 1.063 tỉ đồng và của 2 đơn vị ngành điện là 274 tỉ và 321,1 tỉ đồng. (3) Đầu năm 2012, SCIC (Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước) chính thức đầu tư gần 1.100 tỉ đồng tăng vốn cho Vinaconex và nâng mức tỷ lệ nắm giữ cổ phần tại đơn vị này lên 57,79%.
Nếu chỉ đọc thoáng qua tin (1), chắc khối người tặc lưỡi: “Các ông lớn nợ nghìn tỉ là…chuyện nhỏ, có gì mà phải ầm ĩ”. Xin thưa, khoản nợ nghìn tỉ của ông này quả là… “muỗi” thật khi so với nợ của những ông lớn hơn. Nhưng đó mới chỉ là con số cộng của khoản nợ ngắn hạn và nợ dài hạn đến hạn phải trả thôi, còn nợ dài hạn chưa đến hạn phải trả thì không thấy nói là bao nhiêu. Mặt khác, so với hàng trăm ngàn doanh nghiệp (DN) nhỏ đang điêu đứng với những khoản nợ ngân hàng vì những khoản vay có khi chỉ vài tỉ đồng mỗi đơn vị, mà nếu quá hạn thì phải trả lãi suất tới 30%, mới thấy khoản nợ của “ông ấy” đâu phải nhỏ.
Tin thứ 2 nói lên một vấn đề khác: Cơ quan nhà nước có thể là con nợ lớn của DN, mà không biết DN sẽ hạch toán thế nào với những khoản nợ đồng lần kiểu này. Vinaconex dù đã cổ phần hóa, nhưng vẫn có cổ đông lớn là nhà nước, nên mới được làm các dự án của nhà nước và “được” nhà nước nợ nhiều đến thế mà vẫn… chưa chết. Nếu là tư nhân thì chắc chết rồi còn gì, khi mà để cho đối tác nợ mình lớn đến thế, trong khi chính mình lại bị các chủ nợ thúc sau lưng và chịu lãi tới hàng trăm tỉ. Thế mới biết vì sao các DN tư nhân không có ô dù thì chẳng dám mơ tới làm thuê cho các cơ quan nhà nước, mặc dầu nhà nước vẫn đang là nhà đầu tư lớn bậc nhất ở nước ta.
Tin thứ 3 cũng đáng gây thắc mắc. Vì sao SCIC lại mạnh dạn đầu tư lớn đến thế vào Vinaconex? Chiến lược của SCIC trong bối cảnh Chính phủ đưa ra chương trình tái cơ cấu DNNN (mà chắc chắn SCIC phải tham gia thực hiện) là gì? Cú đầu tư này có nằm trong chiến lược đó không, hay là chỉ để cứu Vinaconex trong cơn bĩ cực của toàn bộ ngành bất động sản? Tại sao lại cứu Vinaconex mà không cứu các đơn vị sản xuất công nghiệp cũng đang lao đao lận đận? Những vấn đề của bản thân SCIC mà Kiểm toán Nhà nước vạch ra năm trước đã giải quyết xong chưa, các bài học cũ đã thấm chưa, mà nay lại có quyết định đầu tư mới này? Có lẽ lại phải chờ… kiểm toán lần tới giải đáp thôi.
Cầu trời đừng có “thêm một Vina” nào nữa kẻo thêm đau lòng xót ruột những người còng lưng đóng thuế nuôi các Vina cùng những người tạo nên những Vina kiểu đó!
Phạm Chi Lan
Bình luận (0)