Thêm nhiều đối tượng được hỗ trợ từ gói 26.000 tỉ

Thu Hằng
Thu Hằng
10/11/2021 12:30 GMT+7

Thủ tục hồ sơ hưởng hỗ trợ Covid-19 đối với người lao động và doanh nghiệp sẽ được đơn giản hóa, không cần nhiều giấy tờ chứng thực, được lựa chọn nơi nộp hồ sơ, điều kiện hưởng cũng được nới lỏng.

Đó là những thay đổi trong Quyết định 33 vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành điều chỉnh một số quy định về việc thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp gặp khó khăn do Covid-19 tại Quyết định 23, có hiệu lực từ 6.11.

Quyết định 33 cắt giảm nhiều thủ tục hưởng hỗ trợ Covid-19

GIA HÂN

Chỉ cần nộp giấy tờ bản sao

Theo quy định trước đây, đối với người lao động đã chấm dứt hợp đồng, để được hỗ trợ người lao động nộp các bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu giấy tờ chứng minh chấm dứt hợp đồng lao động như: hợp đồng lao động, quyết định thôi việc, thông báo thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động.

Tuy nhiên, theo quy định mới, người lao động chỉ cần nộp bản sao các giấy tờ trên mà không yêu cầu chứng thực hay phải có bản chính đi kèm.

Các thủ tục hưởng hỗ trợ của người lao động tạm hoãn hợp đồng, nghỉ việc không lương vẫn do doanh nghiệp thực hiện. Tuy nhiên, các bên có thể thỏa thuận tạm hoãn hợp đồng, nghỉ việc không lương qua mail, điện thoại, tin nhắn… nhưng phải ghi rõ cách thức thỏa thuận.

Đối với doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn, quy định mới yêu cầu doanh nghiệp phải cung cấp thêm bản sao giấy phép kinh doanh hoặc các giấy tờ như: giấy phép hoạt động, chứng chỉ hành nghề, giấy phép đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư đối với doanh nghiệp được thành lập bởi nhà đầu tư nước ngoài đối với ngành, nghề kinh doanh có điều kiện.

Ngoài ra, doanh nghiệp cũng chỉ phải nộp bản sao thay vì bản sao chứng thực hoặc bản sao kèm bản chính của một trong các giấy tờ: giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã,hộ kinh doanh; quyết định thành lập của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (nếu có).

Ngày 10.11: Cả nước 7.930 ca Covid-19, 1.254 ca khỏi | TP.HCM 1.414 ca

Được lựa chọn nơi nộp hồ sơ hưởng hỗ trợ

Cũng theo quy định mới, nơi nộp hồ sơ hưởng hỗ trợ khi doanh nghiệp có người lao động ngừng việc, tạm hoãn hợp đồng, nghỉ không lương cũng được thay đổi.

Theo đó, ngoài đến nộp hồ sơ tại UBND cấp huyện nơi đặt trụ sở chính theo quy định cũ, doanh nghiệp có thể lựa chọn nộp hồ sơ tại trong các nơi đặt chi nhánh, văn phòng đại diện hoặc địa điểm sản xuất, kinh doanh.

Ngoài ra, doanh nghiệp khi nộp hồ sơ đề nghị hưởng hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp có thể nộp thành nhiều đợt. Hồ sơ gửi đến sở LĐ-TB-XH nơi đặt trụ sở chính hoặc nơi đăng ký đóng bảo hiểm xã hội (quy định cũ yêu cầu chỉ gửi hồ sơ tới sở LĐ-TB-XH nơi đặt trụ sở chính).

Tuy nhiên, với mỗi người lao động, doanh nghiệp chỉ được tính một lần hưởng với mức hỗ trợ tối đa là 1,5 triệu đồng/người lao động/tháng và thời gian hỗ trợ tối đa 6 tháng.

Người cao tuổi, người khuyết tật là F0, F1 được hỗ trợ 1 triệu đồng

Quyết định 33 bổ sung quy định hỗ trợ người cao tuổi, người khuyết tật là F0 hoặc F1 được nhận hỗ trợ 1 triệu đồng/người. Hồ sơ thụ hưởng và quy trình nộp tương tự nhóm F0, F1 khác.

Đối với F0 đang điều trị Covid-19, cơ sở y tế nơi F0 đang điều trị phải có trách nhiệm lập hồ sơ hưởng và gửi cho UBND cấp tỉnh. Hồ sơ bao gồm: danh sách, giấy ra viện hoặc chứng tử có xác nhận, bản sao một trong các loại giấy tờ như khai sinh, căn cước công dân, thẻ bảo hiểm y tế (BHYT), giấy xác nhận mức độ khuyết tật. Người mất hoặc không mang theo giấy tờ trên thì dùng giấy cam kết của người đó, hoặc cha, mẹ, người chăm sóc.

Nếu F1 đã hoàn thành cách ly trước ngày 6.11, hồ sơ gồm văn bản của UBND cấp xã hoặc huyện, cơ quan y tế về việc cách ly; giấy xác nhận hoàn thành cách ly; bản sao một trong các giấy tờ khai sinh, căn cước công dân, thẻ BHYT, giấy xác nhận mức độ khuyết tật; phiếu thu hoặc biên lai tiền ăn.

Địa phương tự xác định tiêu chí hỗ trợ hộ kinh doanh

Theo Nghị quyết 126, gói 26.000 tỉ đồng bổ sung đối tượng nhận hỗ trợ 3 triệu đồng với hộ kinh doanh sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, làm muối và những người bán hàng rong, quà vặt, buôn chuyến, kinh doanh lưu động, thời vụ, làm dịch vụ có thu nhập thấp không phải đăng ký hộ kinh doanh.

Về thủ tục nhận hỗ trợ, chính sách mới giao cho các địa phương tự quy định tiêu chí xác định xác định đối tương đang hoạt đồng trên địa bàn địa phương quản lý, hồ sơ, thủ tục hỗ trợ. Những trường hợp đã được xếp vào nhóm lao động tự do và nhận 1,5 triệu đồng thì không hỗ trợ nữa.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.