Thu hút 680.000 người đăng ký
Những khóa học trên sẽ được tiến hành qua chương trình đạo tào trên mạng miễn phí Coursera do Giáo sư Daphne Koller và Andrew Ng từ ĐH Stanford (Mỹ) lập ra. Coursera bắt đầu khai giảng các khóa học đầu tiên vào cuối tháng 4 với 5 đối tác đầu tiên, đó là các ĐH: Stanford, Michigan, Princeton, Pennsylvania và California ở Berkeley. Đến ngày 17.7, Coursera thông báo có thêm 12 trường ĐH, viện tham gia chương trình này. Trong đó có 9 ĐH, viện ở Mỹ gồm: Viện Công nghệ California, Viện Công nghệ Georgia, Duke, Johns Hopkins, Rice, California ở San Francisco, Illinois ở Urbana-Champaign, Washington và Virginia. Các trường ĐH còn lại là: Edinburgh (Scotland), Toronto (Canada) và Kỹ thuật EPF Lausanne (Thụy Sĩ).
Hai nhà sáng lập Daphne Koller và Andrew Ng tiết lộ với báo The New York Times rằng trước khi có thêm 12 đối tác mới, Coursera đã thu hút 680.000 người đăng ký với 43 khóa học được cung cấp từ 5 ĐH ban đầu. Với việc mở rộng đối tác lần này, Coursera dự kiến sẽ lần lượt cung cấp hơn 100 khóa học, trong đó khóa gần đây nhất sẽ khai giảng vào ngày 20.8.
Các khóa học thuộc 16 lãnh vực gồm: khoa học máy tính, tài chính và kinh tế học, quản lý và kinh doanh, toán học, khoa học xã hội và nhân văn, y khoa, thiết kế, công nghệ và thông tin, giáo dục… Dự kiến, hơn 100 khóa học miễn phí nói trên sẽ thu hút hàng triệu người trên toàn cầu đăng ký học, theo The New York Times. Thông tin chi tiết về các khóa học được đăng tại www.coursera.org/courses.
|
Có thể cấp chứng chỉ
Cho đến nay, các khóa học miễn phí trên mạng chưa cấp chứng chỉ mà chỉ cấp giấy hoàn tất khóa học và kèm theo điểm. Tuy nhiên, ĐH Washington thông báo trường này định cấp chứng chỉ cho các khóa học sắp tới của mình được giảng dạy trên Coursera. Để nhận được tín chỉ, theo ông David P.Szatmary, Phó phòng Hành chính ĐH Washington, học viên phải làm thêm bài tập và làm việc với một người hướng dẫn. New York Times dẫn lời Giáo sư Koller cho hay mỗi trường tham gia Coursera tự thiết kế và thực hiện các khóa học của chính họ và quyết định có cấp chứng chỉ hay không. Giáo sư Koller cho biết thêm: “Chúng tôi không định trở thành một cơ sở giáo dục đại học cấp văn bằng nhưng chúng tôi quan tâm học viên có thể làm được gì với những chứng nhận không chính thức (từ các khóa học qua Coursera)”. Theo bà Koller, chứng nhận hoàn tất khóa học từ Coursera có thể giúp người học cải thiện kỹ năng nghề nghiệp hoặc tìm được công việc tốt hơn.
Coursera có thể cung cấp các khóa học miễn phí, nhờ các công ty tài trợ lên tới 22 triệu USD. Rồi đến một ngày nào đó, Coursera phải tự nuôi mình bằng cách tính phí cấp chứng nhận hoặc phí giới thiệu học viên xuất sắc cho các công ty, theo The New York Times. Tuy nhiên, Giáo sư Koller và lãnh đạo của các ĐH tham gia cho rằng đó không phải là lo ngại lớn. “Quan điểm hiện nay ở Thung lũng Silicon (Mỹ) là nếu bạn xây dựng một website thu hút nhiều người và thay đổi cuộc sống của hàng triệu người, bạn có thể tạo ra tiền. Khi nào chúng tôi có doanh thu, các trường sẽ cùng chia”, AFP dẫn lời bà Koller khẳng định.
ĐH California ở Berkeley tham gia edX ĐH California ở Berkeley (UC Berkeley) vừa đăng ký tham gia chương trình đào tạo qua mạng miễn phí mang tên edX được thành lập bởi ĐH Harvard và Viện Công nghệ Massachusetts (MIT). Chương trình này dự kiến bắt đầu cung cấp 6 khóa học đầu tiên từ tháng 9. Theo đó, MIT sẽ dạy môn hóa học và khoa học máy tính; ĐH Harvard dạy các môn thống kê sức khỏe và khoa học máy tính; và UC Berkeley dạy phần mềm và trí tuệ nhân tạo. Thông tin chi tiết được đăng tại www.edx.org/courses. |
Minh Trung
>> Khóa học qua mạng miễn phí Coursera có đối thủ
>> Học qua mạng với trường danh tiếng
Bình luận (0)