Sau đợt khảo sát vừa qua của Ban Văn hóa-Xã hội, HĐND TPHCM một lần nữa, vấn đề sân chơi cho trẻ em và nhu cầu giải trí của trẻ lại được nêu ra tại chương trình Nói và Làm tháng 9 do HĐND TPHCM và Đài Truyền hình TP tổ chức ngày 5-9.
Thiếu cả thời gian lẫn sân chơi
Bà Phạm Phương Thảo, Chủ tịch HĐND TPHCM, nhận định ngoài nhà trường, hiện nay, cơ sở vật chất và sân chơi cho trẻ em rất yếu và thiếu, trong khi nhu cầu vui chơi, giải trí của trẻ em là rất lớn. Điều này cho thấy TP vẫn chưa quan tâm và đầu tư nhiều cho vấn đề này.
Ông Phạm Sỹ Sáu, đại diện Nhà Xuất bản Trẻ, nêu một thực trạng là hiện nay, vẫn còn không ít lớp học hình ống, nhà ống nên trẻ em không có sân chơi, chỉ quanh quẩn trong bốn bức tường.
“Thậm chí, nhiều trường không có tủ sách, nơi đọc sách để trẻ đọc và thư giãn bởi văn hóa đọc cũng là cách góp phần giáo dục trẻ về mặt nhân cách”- ông Sáu phản ánh.
Ông Sáu nêu thêm một số liệu dẫn chứng mà ai nghe cũng phải suy ngẫm: Trong 10 năm qua, dân số TP tăng gấp 3 lần nhưng lượng bản in giảm 10 lần.
Là “ông bầu” đem lại nhiều vở diễn hấp dẫn cho thiếu nhi, ông Huỳnh Anh Tuấn, Giám đốc sân khấu kịch Idecaf, cho rằng nguyên nhân chính làm cho sân chơi cho trẻ em vừa thiếu vừa kém chất lượng như hiện nay là do trẻ có quá ít thời gian giải trí.
Trẻ thường tự chơi nên môi trường cho trẻ hình thành nhân cách và hòa nhập với cộng đồng rất hạn chế.
Ông Tuấn phân tích thêm: “Thời gian trẻ học ở trường từ 6-8 giờ mỗi ngày, bằng với thời gian một nhân viên làm việc ở công sở. Như vậy, thử hỏi các em còn đâu thời gian mà đọc sách, giải trí!”.
Đây cũng là lý do tại sao các quận-huyện đều có nhà thiếu nhi nhưng ít có trẻ đến chơi nên mặt bằng phải cho thuê.
Cụ thể hơn, ông Tuấn cho biết trung bình một vở diễn cho trẻ em chi phí đầu tư gấp 5-10 lần so với cho người lớn nhưng thời gian diễn nhiều nhất cũng chỉ kéo dài một tháng. Nguyên nhân không nằm ngoài việc trẻ không có thời gian đi xem, trong khi đem vở diễn đến tận trường học thì các em rất thích thú.
Cần cơ chế khuyến khích
Trước thực trạng sân chơi cho thiếu nhi thiếu thốn và không được đầu tư như hiện nay, bà Phạm Phương Thảo nêu lên một mô hình công viên tạo sân chơi cho thiếu nhi rất hiệu quả. Đó là Công viên Khánh Hội, quận 4, do Công ty Dịch vụ công ích quận 4 quản lý và khai thác.
Theo bà Thảo, đơn vị quản lý đã dành 1,3 ha trên 10 ha của công viên làm nơi vui chơi miễn phí cho thiếu nhi với các trò chơi phù hợp với lứa tuổi này. Bà Thảo khẳng định đây là một mô hình cần được nhân rộng.
Theo Ông Trần Thiện Hà, Giám đốc Công ty Công viên Cây xanh, hiện công ty này đang quản lý 7 công viên trên địa bàn TP nhưng chỉ có Công viên Tao Đàn là có khu vực vui chơi giải trí miễn phí cho trẻ em.
Bản thân công trình này cũng do một doanh nghiệp tài trợ vì Công ty Công viên Cây xanh chỉ quản lý công viên chứ không có nguồn thu nào khác.
“Chúng tôi rất muốn tạo môi trường và sân chơi phong phú cho trẻ em nhưng từ nguồn kinh phí nào thì vẫn chưa có câu trả lời”- ông Hà nói.
Ở góc độ những người trực tiếp làm ra sản phẩm phục vụ giải trí cho trẻ em, ông Huỳnh Anh Tuấn đề nghị: Ngoài tâm huyết của người làm văn hóa, chính quyền TP nên có cơ chế tài chính để hỗ trợ, khuyến khích các đơn vị sản xuất, tổ chức chương trình.
“Nhiều khi anh em nghệ sĩ sẵn sàng đi bất cứ nơi nào để diễn phục vụ thiếu nhi nhưng khi đề nghị TP hỗ trợ kinh phí đi lại thì phải... xin xỏ rất nhiêu khê!”- ông Tuấn Anh bộc bạch.
Bà Nguyễn Thị Diệu Thúy, Phó Bí thư Thành đoàn TPHCM, nêu một thực tế hiện nay, là lương trả cho cán bộ phụ trách Đội ở các trường còn quá ít, mỗi người chỉ được 2 triệu đồng/tháng trong khi công việc này rất quan trọng.
Do lương thấp nên nhiều cán bộ phụ trách Đội phải dạy thêm hay làm một số việc do trường bố trí để kiếm thêm thu nhập. Việc này đã chi phối không ít đến công tác chuyên môn.
Bà Thúy đánh giá lâu nay, trình độ chuyên môn của các cán bộ phụ trách nhà thiếu nhi chưa được chú trọng trong đào tạo, bố trí lại không hợp lý. Chính điều này ảnh hưởng không nhỏ đến cách tổ chức, hiệu quả hoạt động của các nhà thiếu nhi.
Chủ tịch HĐND TP Phạm Phương Thảo mong muốn thời gian tới, chính quyền TP cần có quy hoạch cụ thể và dành quỹ đất để xây dựng nơi vui chơi, giải trí cho trẻ em; xây dựng thêm nhà thiếu nhi ở những nơi chưa có; cần quy định khuyến khích để có thêm những tác phẩm văn học, ca khúc cho thiếu nhi.
Theo bà Thảo, HĐND TP sẽ xem xét có nghị quyết riêng về ncơ chế, chính sách nhằm chăm lo tinh thần và vật chất cho trẻ em TP.
Cha mẹ cũng tạo sân chơi cho con Không hoàn toàn đổ lỗi cho nhà trường, sự thiếu quan tâm đầu tư của TP hay cơ chế, chính sách chung, một cán bộ Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch cho rằng các bậc phụ huynh, những người có trách nhiệm cao nhất với con cái mình, phải là người đầu tiên quan tâm và tạo sân chơi cho trẻ em. |
Theo Người Lao Động
Bình luận (0)