Theo bước chân tình nguyện: Lớp dạy hè đặc biệt

16/07/2023 11:48 GMT+7

Đến từ nhiều trường với những chuyên ngành khác nhau, các sinh viên tình nguyện tham gia Chiến dịch Mùa hè xanh tại H.Hàm Tân (tỉnh Bình Thuận) đang góp sức mình thực hiện lớp dạy hè đặc biệt dành cho trẻ em đồng bào dân tộc và học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Không chỉ dạy chữ cho trẻ em đồng bào dân tộc, học sinh có hoàn cảnh khó khăn với những tiết học sinh động mà sinh viên tình nguyện của nhiều trường thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM còn mang đến điểm Trường tiểu học Sông Phan 1, thôn Tân Hòa, xã Sông Phan, H.Hàm Tân (tỉnh Bình Thuận) nhiều công trình học tập ý nghĩa.

Dạy nhiều nội dung sinh động để học sinh không thấy nhàm chán

Đều đặn mỗi tối, những sinh viên tình nguyện bắt đầu soạn giáo án cho các bài giảng tiếng Việt, ngoại ngữ, kỹ năng sống, công nghệ thông tin, võ thuật… để chuẩn bị thật tốt cho 2 lớp học sáng và chiều với hơn 60 học sinh cho ngày hôm sau.

Theo bước chân tình nguyện: Lớp dạy hè đặc biệt... - Ảnh 1.

Các em nhỏ thích thú với giờ học công nghệ thông tin

THƯỢNG HẢI

Đội hình sinh viên tình nguyện Mùa hè xanh tại H.Hàm Tân (tỉnh Bình Thuận) với 30 sinh viên đến từ nhiều trường thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM, như: Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM, Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM…

Nguyễn Thị Thanh Như, sinh viên Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM, cho biết: “Các thành viên đã tham khảo những chuyên ngành, thế mạnh của nhau và hội ý để phân chia thành nhóm dạy học phù hợp. Trong 2 tuần tổ chức lớp học hè, tụi mình sẽ thay phiên nhau dạy nhiều nội dung sinh động, từ tiếng Việt, kỹ năng, kiến thức cho trẻ em đồng bào Jrai và học sinh khó khăn”.

Theo bước chân tình nguyện: Giúp trẻ em tìm lại con chữ đã rơi - Ảnh 2.

Lớp tiếng Việt dành cho học sinh lớp 1, 2

THƯỢNG HẢI

Theo bước chân tình nguyện: Giúp trẻ em tìm lại con chữ đã rơi - Ảnh 3.

Các em đồng bào Jrai tham gia lớp học

THƯỢNG HẢI

Mỗi lớp học thường có 2-3 tình nguyện viên đứng lớp dạy nhiều nội dung để giúp học sinh không bị nhàm chán và không dạy các môn văn hóa trên trường đã dạy. Thay vào đó, các tình nguyện viên sẽ dạy về công nghệ thông tin, võ thuật, cách chăm sóc sức khỏe, kèm theo đó là nhiều hoạt động sôi nổi để học sinh có thể vừa học, vừa chơi.

Đứng lớp tại lớp kỹ năng công nghệ thông tin, Lê Ngọc Lan, sinh viên Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM, cho biết: "Ở đây, nhiều học sinh vẫn chưa được tiếp xúc với máy tính. Để chuẩn bị bài học, tụi mình đã huy động khoảng 6 laptop và hướng dẫn trực tiếp cho các em sử dụng. Qua đó, mong muốn truyền tải những kiến thức chuyển đổi số để các em có thêm nhiều kỹ năng hơn”.

Còn Huỳnh Thùy Dương, sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cho biết: “Mình dạy tiếng Việt và tiếng Anh cho một lớp học tầm 30 em, trong đó có nhiều em là đồng bào Jrai. Nhìn thấy các em chăm chỉ và hứng thú với việc học nên mình nhận thấy những việc làm của mình phần nào giúp ích cho các em, từ đó cố gắng truyền đạt cho các em càng nhiều càng tốt”.

"Được các anh chị dạy học em thích lắm!”

Là người đưa đón cháu ngoại đến lớp mỗi ngày, ông Nguyễn Văn Quang (59 tuổi), ngụ tại thôn Tân Hòa, xã Sông Phan, nói: “Tình nguyện viên dạy gì là cháu kể lại hết với gia đình, thấy cháu thích học nên ngày nào tôi cũng chở đi. Từ khi tham gia lớp học này, tôi thấy cháu ngoan hơn rất nhiều”.

Theo bước chân tình nguyện: Lớp dạy hè đặc biệt... - Ảnh 4.

Đa dạng các nội dung trong mỗi buổi dạy cho các em

THƯỢNG HẢI

Theo bước chân tình nguyện: Giúp trẻ em tìm lại con chữ đã rơi - Ảnh 8.

Lớp học võ

THƯỢNG HẢI

Lê Thị Quỳnh Anh, học sinh lớp 5, Trường tiểu học Sông Phan 1, chia sẻ: “Mấy anh chị rất hiền, dạy rất dễ hiểu, nhẹ nhàng với tụi em từng li từng tí. Mỗi ngày em đạp xe đi học ở lớp buổi chiều, có nắng một chút nhưng được các anh chị dạy học em thích lắm!”.

Có nhiều em nhỏ không được đến trường nhưng khi thấy có lớp học này của những anh chị sinh viên tình nguyện nên lặn lội đến tham gia học. 

Làn da đen sạm, Nguyễn Văn Nghệ (10 tuổi) đi bộ gần 1 km từ sáng sớm đến lớp học võ, khi được hỏi: “Em học lớp mấy?”, Nghệ nói: “Em không được đi học. Mấy hôm đi qua đây thấy anh chị dạy vui nên hôm nay em rủ thêm mấy đứa bạn đến lớp để học võ, được các anh chị dạy rất vui”.

Không chỉ tổ chức lớp học tình nguyện, sinh viên tình nguyện còn hỗ trợ xây dựng cho trường bộ flashcard (thẻ ghi nhớ) học tiếng Anh, công trình thư viện thiếu nhi qua việc trang trí vẽ tường, sắm thêm các tủ sách và bàn ngồi đọc sách. Đặc biệt là lắp đặt 8 máy vi tính từ đội hình “Máy tính cũ - tri thức mới” của Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM, với tổng giá trị khoảng 80 triệu đồng.

Theo bước chân tình nguyện: Giúp trẻ em tìm lại con chữ đã rơi - Ảnh 11.

Công trình thư viện thiếu nhi với mức đầu tư 80 triệu đồng

THƯỢNG HẢI

Chia sẻ về các lớp học, ông Phùng Đức Hùng, Hiệu trưởng Trường tiểu học Sông Phan 1, cho rằng: “Trước giờ, các hoạt động tình nguyện dạy học tại đây chỉ tập trung ôn tập kiến thức chung trong vài ngày là hết, nhưng lần này các tình nguyện viên đã đưa vào nhiều nội dung phong phú. Nhà trường cũng rất vui khi học sinh được tiếp cận nhiều kiến thức, đặc biệt là học sinh đồng bào Jrai được tăng cường giao tiếp và kỹ năng sống”.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.