HƠN 30 NĂM CHƯA THẤY ÁNH ĐÈN ĐƯỜNG
Hơn 400 hộ dân sống cạnh tuyến đường thuộc tổ 5, 6, ấp 3, xã Trà Vong, H.Tân Biên, Tây Ninh, nhiều năm nay gặp khó khăn vì trước đường đi lúc nào cũng tối om.
Hơn 30 năm nay, ông Võ Văn Phẩm (53 tuổi), ngụ tại QL22B, ấp 3, xã Trà Vong chưa hề thấy ánh đèn điện trên con đường này. Lúc đường còn chưa trải nhựa, trước nhà ông Phẩm có rất nhiều vũng lầy, nên ông thường ra lấp để tránh tai nạn về đêm.
"Tầm 7 - 8 giờ tối, người dân ở đây đã đóng cửa đi ngủ vì đường tối như mực, bà con ra ruộng làm nông, nhổ củ mì cũng phải đợi gần sáng mới dám đi. Đường xấu nên va quệt, té ngã liên miên, nhiều nhà cũng chỉ biết kéo dây điện lắp 1 - 2 bóng đèn trước sân cho có chút ánh sáng", ông Phẩm cho hay.
Cũng gặp nhiều bất tiện, anh Võ Văn Khang (31 tuổi), ngụ tại 13/5, ấp 3, xã Trà Vong, kể mỗi lúc đi làm về đêm chỉ dám xuống xe dắt bộ từ từ về nhà chứ không dám chạy vì đã nhiều lần bị té vào hố sình hoặc bụi cây.
Tuyến đường này có nhiều xe cộ qua lại, dù trời rất sáng nhưng người dân vẫn phải đi chậm để tránh những góc khuất hay khúc cua gấp, nếu không quen đường rất dễ bị lạc tay lái vào ban đêm.
Ông Lê Tâm Hiệp (60 tuổi), Trưởng ban Công tác mặt trận ấp 3, xã Trà Vong, cho biết: "Trên con đường này có hơn 400 hộ dân sinh sống, trong đó có 80% là hộ nghèo nên hầu như không có đủ điều kiện để gắn đèn. Đây là tuyến đường quan trọng dẫn ra quốc lộ nhưng khi lưu thông chỉ đỡ hơn vào những đêm sáng trăng, còn không là tối đen nên xảy ra nhiều vấn đề trộm cắp, tai nạn giao thông…".
THAY ĐỔI DIỆN MẠO ĐƯỜNG QUÊ
Theo chân các sinh viên tình nguyện vượt hơn 12 km dọc theo cánh đồng khoai mì vào khu dân cư, chúng tôi đã đến tuyến đường trên. Sinh viên tình nguyện chia nhau lắp ráp đèn năng lượng mặt trời.
Đang bắt vít vào trụ đèn, sinh viên Nguyễn Xuân Hòa (24 tuổi) cho biết: "Lần đi tiền trạm, dù đã bật đèn pha xe máy nhưng mình không thể nào thấy được các khúc cua, ngã ba tối om trên đường nên rất sợ bị té ngã hoặc đâm vào ai đó. Vậy mà bao năm, người dân vẫn gồng mình "sống chung" với bóng đêm".
Thực hiện công trình được 3 ngày nhưng đến 2 ngày mưa lớn, buộc các tình nguyện viên phải tăng tốc làm bù vào những ngày nắng. "Càng chạy xe về cuối đường, mật độ dân cư nhiều hơn, nên càng khiến mình trăn trở phải khắc phục được tình trạng bóng tối này", Xuân Hòa nói thêm.
Leo xuống từ giàn giáo, mồ hôi ướt đẫm trên mảnh áo xanh sau khi vừa hàn gắn chiếc đèn vào cột sắt, sinh viên Đỗ Hoàng Khánh, cho biết điều khó nhất là lắp đèn sao cho khớp với cột điện.
Kể từ khi sinh viên tình nguyện hỗ trợ lắp đèn, cả ông Phẩm lẫn anh Khang đều rất phấn khởi. Ông Phẩm còn dành hẳn một khoảng sân làm chỗ tập kết thiết bị, để sinh viên làm việc cho đỡ nắng.
"Mấy hôm nay được lắp đèn, tôi với bà con mừng lắm. Sinh viên làm rất nhiệt tình, lễ phép nên tôi cùng mọi người phụ giúp, hỗ trợ đồ ăn, nước uống cho các cháu đủ sức", ông Phẩm nói.
Chị Nguyễn Thị Cúc, Bí thư Huyện đoàn Tân Biên (Tây Ninh), bày tỏ: "Loại đèn này phù hợp với thời tiết nắng nhiều ở Tây Ninh, đem lại nhiều thuận lợi cho bà con vì không mất tiền điện hằng tháng và đảm bảo không có sự cố rủi ro về điện khi mưa to gió lớn. Việc các tình nguyện viên thực hiện không chỉ giúp thay đổi diện mạo cho tuyến đường mà còn đảm bảo an ninh trật tự, góp phần chung tay xây dựng nông thôn mới".
Sinh viên tình nguyện Phân viện miền Nam - Học viện Thanh thiếu niên VN đã thực hiện các công trình như lắp đặt 28 đèn năng lượng mặt trời với tổng kinh phí 48 triệu đồng; triển khai tổ chức sinh hoạt hè, tập huấn kỹ năng sống cho thiếu nhi và thực hiện công trình nâng cấp 1 sân chơi trị giá 3 triệu đồng; trao tặng 20 suất học bổng "Thắp sáng ước mơ" và 20 phần quà cho học sinh. Đoàn Phân viện miền Nam đã trao tặng 10 suất quà cho Mẹ VN anh hùng, gia đình chính sách nhân kỷ niệm 76 năm Ngày thương binh - liệt sĩ.
Bình luận (0)