Theo bước chân tình nguyện: Thay đổi làng quê với những đường bê tông thẳng tắp

Phúc Kha
Phúc Kha
10/07/2023 07:09 GMT+7

Những ngày hè nắng nóng, dẫu mồ hôi ướt đẫm người vẫn không ngăn được quyết tâm hoàn thành tuyến đường giao thông nông thôn của những sinh viên tình nguyện. Họ "vượt nắng, thắng mưa" để tuyến đường sớm đi vào hoạt động.

Con đường đê bao đi qua ấp Tân Tạo tại xã Bình Phú, H.Tân Hồng, Đồng Tháp từ cuối tháng 6 đến nay ngày nào cũng vang tiếng máy trộn bê tông, tiếng cười nói của sinh viên tình nguyện Trường ĐH Bách khoa TP.HCM. Các bạn cùng với bộ đội, dân quân tự vệ và người dân thực hiện công trình bê tông hóa gần 450 m đường.

"Ngày nào cũng ngâm mình với cát, đá, xi măng…"

Theo chân sinh viên tình nguyện xây đường tại ấp Tân Tạo, chúng tôi phần nào cảm nhận được sự vất vả, tinh thần làm việc hăng say của các bạn. Một ngày của các bạn bắt đầu lúc 6 giờ 30 và kết thúc lúc chiều muộn.

Theo bước chân tình nguyện: Thay đổi làng quê với những đường bê tông thẳng tắp  - Ảnh 1.

Những sinh viên tình nguyện ngày nào người cũng lấm lem bùn đất và xi măng

PHÚC KHA

Những giọt mồ hôi nhễ nhại, những đôi tay chỉ quen cầm bút giờ tháo vát với việc cầm cuốc, cầm xẻng… Có những bạn lần đầu đi tình nguyện, khi còn ở nhà hay đến trường chưa một lần làm những công việc nặng nhọc như khuân vác xi măng, cát, đá, thế nhưng với mong muốn giúp người dân có cuộc sống thuận tiện hơn, sinh viên nào cũng làm việc rất hăng say.

Tranh thủ ngày nắng, sinh viên làm bù cho những lúc mưa. Các bạn phân chia nhiệm vụ rõ ràng. Người lo lấy nước từ con mương gần đó, người phụ trách khiêng cát, đá, bạn đứng máy trộn bê tông... Con đường dài gần 450 m, ngang 3,5 m, độ dày 16 cm đang được nỗ lực làm cho kịp hoàn thành vào cuối chiến dịch, dù đội hình chỉ có 14 sinh viên.

Theo bước chân tình nguyện: Thay đổi làng quê với những đường bê tông thẳng tắp
 - Ảnh 2.

Theo bước chân tình nguyện: Thay đổi làng quê với những đường bê tông thẳng tắp
 - Ảnh 3.

Sinh viên tình nguyện Trường ĐH Bách khoa TP.HCM làm đường giao thông nông thôn tại Đồng Tháp

PHÚC KHA

Chỉ vào 2 vết thương trên 2 cánh tay đang phải băng bó vì xi măng ăn mòn, Mai Thế Đôn, sinh viên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, xúc động nói: "Ngày nào cũng ngâm mình với cát, đá, xi măng để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành tuyến đường, mình quên cả đôi chân đã bị xi măng ăn mòn. Nhiều lúc da tay chân bị bong tróc, bàn tay, bàn chân chai sạn, đau rát nhưng mình vẫn nỗ lực làm".

Chiến dịch Mùa hè xanh 2023 của Khoa Công nghệ vật liệu, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM sẽ thực hiện nhiều phần việc ý nghĩa, như: xây dựng hơn 7.500 m đường giao thông nông thôn tại tỉnh Đồng Tháp; tặng 2 căn nhà tình thương, quà và trao học bổng cho học sinh khó khăn, gia đình chính sách; trao tặng 12.000 m dây điện, 1.300 bóng đèn để thực hiện công trình thắp sáng những tuyến đường bê tông nông thôn. Tổng kinh phí chương trình hơn 16 tỉ đồng.

Thế Đôn tâm sự thêm: "Những giọt mồ hôi làm ướt đẫm chiếc áo xanh tình nguyện, những làn da đã đổi màu. Bùn đất có là gì, sình lầy có là gì khi chúng mình cùng nhau nỗ lực làm nên con đường trao tặng cho bà con. Đi tình nguyện không hề là một chuyến đi chơi. Vất vả lắm, cực khổ lắm nhưng vui lắm".

Nguyễn Lê Trường Giang, sinh viên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, thì chia sẻ: "Những ngày mới thực hiện công việc khuân vác, đổ xi măng làm đường, ban đầu chưa quen, đi làm về buổi tối tay chân ê ẩm, đau nhức vô cùng nhưng chỉ sau 2 - 3 ngày, mình dần thích nghi, cơ thể khỏe khoắn hơn".

Ngày chúng tôi đến, mặc dù chỉ tiêu trong ngày của đội dự kiến thi công 20 m, nhưng bằng sức trẻ, sự nhiệt tình, sinh viên tình nguyện đã đổ bê tông được đoạn dài gần 30 m, vượt chỉ tiêu đề ra. Nhìn con đường bê tông dài ra sau một ngày làm việc, lòng ai cũng cảm thấy lâng lâng. Họ cảm thấy phấn khởi, hạnh phúc khi góp một phần sức mình để mang đến những điều kiện sinh hoạt, đi lại tốt hơn cho người dân địa phương.

Theo bước chân tình nguyện: Thay đổi làng quê với những đường bê tông thẳng tắp  - Ảnh 3.

Trước khi được bê tông hóa, con đường đầy sình lầy vào những ngày mưa, người dân di chuyển khó khăn

PHÚC KHA

Hỗ trợ phát triển du lịch địa phương

Nhờ "áo xanh" đẩy từng xe đá, xe cát, bao xi măng trộn bê tông…, làng quê đã thay đổi diện mạo với những con đường bê tông thẳng tắp.

"Thấy tụi nhỏ làm mà thương lắm, sinh viên đâu có đứa nào phải làm việc nặng nhọc như vậy lúc đi học, vậy mà về đây tụi nhỏ làm được hết. Tuyến đường hoàn thành này giúp người dân đi lại không còn chịu cảnh mùa nắng thì gập ghềnh vì ổ gà ổ voi, còn mùa mưa thì trơn trượt té lên té xuống", bà Nguyễn Thị Êm (56 tuổi, ngụ ấp Công Tạo, xã Bình Phú) nói.

Theo bước chân tình nguyện: Thay đổi làng quê với những đường bê tông thẳng tắp  - Ảnh 4.

Tuyến đường được sinh viên tình nguyện thực hiện

PHÚC KHA

Chỉ vào con đường mới, ông Trần Đệ, Phó ban Quản lý di tích lịch sử cấp tỉnh chùa Phước Thiện, hào hứng nói: "Người dân địa phương ao ước làm tuyến đường này lâu rồi nhưng vì không có tiền nên không thể thực hiện. Đoạn đường này trước đây vốn là đường bờ đê, ngắn thôi nhưng xập xệ, chỉ có xe máy hoặc xe đạp mới đi lại được, nay nhờ sinh viên tình nguyện giúp sức, cả ô tô cũng có thể lưu thông".

Ông Trần Đệ cho biết trước kia đường vào di tích rất bất tiện nên hạn chế người dân đến tham quan, tìm hiểu. Công trình hoàn thiện tạo tiềm năng cho địa phương phát triển du lịch, thu hút nhiều du khách đến khu di tích. Địa phương dự kiến sẽ trồng hoa hai bên đường để tạo điểm nhấn, cảnh quan đẹp.

Theo ông Đoàn Việt Tân, Bí thư Đảng ủy xã Bình Phú, công trình này giúp ô tô có thể di chuyển vào đến tận cổng chùa, xe máy thì đi bon bon mà chẳng sợ sình lầy vào ngày mưa, hay đường đầy bụi bặm vào ngày nắng.

"Sau khi công trình này hoàn thành sẽ giúp địa phương có thể phát triển khu di tích này thành địa điểm du lịch tâm linh, du lịch về nguồn, thu hút nhiều du khách đến với di tích. Công trình góp phần xây dựng hình ảnh địa phương ngày càng khang trang sạch đẹp, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, du lịch", ông Tân cho biết.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.