Vẽ đường về 'thung lũng mặt trời'

An Dy
An Dy
22/07/2018 08:46 GMT+7

Nhiều sinh viên Trường ĐH Kinh tế Đà Nẵng đã “vẽ” đường đến H.Nam Giang (Quảng Nam) giúp người dân làm du lịch phát triển...

Tham gia tình nguyện Mùa hè xanh, đội sinh viên phát triển du lịch địa phương của trường trên chia thành 3 nhóm, gồm: Nhóm phát triển du lịch với bản đồ du lịch Nam Giang; Nhóm chuỗi cung ứng kết nối với các hộ dân phát triển sản phẩm du lịch địa phương và nhóm thiết kế web giới thiệu vẻ đẹp cũng như nét văn hóa của Nam Giang…
Đưa khách hòa với thiên nhiên
Các sinh viên trải nghiệm khắp thôn bản của các tộc người Cơ Tu, Ve, Tà Riềng… “Có những cung đường, những thời khắc nhìn đâu cũng thấy mặt trời, thấy bình yên trải dài ngút ngàn, tít tắp…”, Phương Hồng Bảo, sinh viên năm 3, khoa kinh tế chính trị, thành viên nhóm phát triển du lịch giới thiệu bản đồ du lịch Nam Giang, chia sẻ.
Giao diện bắt mắt của website du lịch Nam Giang do nhóm sinh viên Trường ĐH Kinh tế Đà Nẵng phát triển

Nhóm đã “vẽ” ra hành trình du lịch Nam Giang với trục đường chính từ Đà Nẵng lên cửa khẩu Nam Giang, vượt qua cung đường xanh huyền thoại mà họ đặt tên là “Thung lũng mặt trời”.
Những điều sinh viên làm thật chuyên nghiệp, quá sức tưởng tượng, ngoài mong đợi và là những gì địa phương chúng tôi đang cần
A Lăng Trượp Bí thư Huyện đoàn Nam Giang

Theo trục đường này, dân du lịch sẽ được cung cấp chi tiết các điểm dịch vụ theo thứ tự lịch trình, cả số điện thoại liên lạc với khách sạn lớn nhỏ, quán ăn, trạm y tế, cây xăng, nhà sinh hoạt cộng đồng, điểm sửa xe, điểm du lịch… và vị trí máy ATM. Đặc biệt, bản đồ còn cung cấp thông tin chi tiết các điểm đến du lịch hấp dẫn, chia sẻ cả kinh nghiệm trải nghiệm, cơ hội thưởng thức đặc sản địa phương…
Phương Hồng Bảo, phụ trách truyền thông của nhóm phát triển du lịch Nam Giang, cho biết cung đường từ QL14B lên cửa khẩu Nam Giang là cung đường xanh với những khúc cua uốn lượn trong mây. Đoạn đường trung tâm xã Tà Pơơ lên cửa khẩu Nam Giang mất khoảng 1,5 giờ đồng hồ, giữa bạt ngàn cây cối xanh tươi hòa vào khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp…
Hết mình vì công việc
Lâm Hoàng Thắng, sinh viên khoa kinh doanh quốc tế, chia sẻ những câu chuyện xung quanh hành trình xây dựng và phát triển website du lịch với tiêu chí ấn tượng nhất, hiện đại nhất, có kết nối đường dẫn với website chính thống của chính quyền H.Nam Giang. Các sinh viên cũng dành 1,5 triệu đồng để mua tên miền, sau đó tiến hành phát triển các ứng dụng trên trang.
Theo Thắng, kỳ công nhất vẫn là giữ web không bị đánh sập, không bị cạnh tranh không lành mạnh. Kế đó là xây dựng một website thật hiện đại, sinh động và lôi cuốn với mục tiêu tăng lượt theo dõi và phát triển. “Để làm được điều này, hình ảnh và các ứng dụng phải thực sự sống động và chuyên nghiệp. Clip và hình ảnh sinh viên tự quay, chụp, dựng lại một cách công phu, hiện đại và thực sự chuyên nghiệp”, Thắng cho biết.
Phương Hồng Bảo cho biết để kịp tiến độ bàn giao cho địa phương khi Mùa hè xanh kết thúc, họ phải “chạy” tiến độ đến nỗi nhiều người trong nhóm, mỗi ngày chỉ ngủ từ 1 - 2 tiếng đồng hồ. Sinh viên chia nhau xử lý cập nhật thông tin điểm đến theo kiểu hướng dẫn trải nghiệm hoang sơ, dân dã như trải nghiệm hồ thủy điện Sông Bung 4 “tấm gương khổng lồ giữa lòng thung lũng”, hay khám phá thác Grăng “sơn nữ ẩn mình giữa đại ngàn Trường Sơn”, làng dệt truyền thống Zơ Ra “nơi người Cơ Tu dệt nên văn hóa”… Có cả lễ hội lúa mới, các điệu múa, những trải nghiệm ẩm thực bản địa như bánh sừng trâu, rượu Tà Vạt, cơm lam Nam Giang, món nướng ống tre chà rá…
“Khi bàn giao dự án này cho H.Nam Giang, nhóm vẫn sẽ tiếp tục kết nối để phát triển thêm các giao diện, cập nhật những clip và hình ảnh sinh động để website tiếp tục phát huy hiệu quả. Đặc biệt, nhóm sẽ kết nối và tư vấn địa phương khai thác các ứng dụng, phát triển cách viết thu hút lượt theo dõi và chia sẻ cảm nhận, cách chuyển tải những hình ảnh, clip sinh động, hấp dẫn và thu hút nhất...”, Bảo nói.
“Những điều sinh viên làm thật chuyên nghiệp, quá sức tưởng tượng, ngoài mong đợi và là những gì địa phương chúng tôi đang cần. Đặc biệt những đề xuất có giá trị cho địa phương như: huấn luyện và cấp chứng chỉ cho người dân thực hiện dịch vụ chuyên chở khách, làm bến phà đón khách, phát triển dịch vụ, đánh thức tiềm năng điểm đến…”, Bí thư Huyện đoàn Nam Giang A Lăng Trượp chia sẻ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.