Theo chân “cao thủ” chạy ong

Quang Viên
Quang Viên
31/03/2018 06:28 GMT+7

Tây nguyên mùa xuân, hoa cà phê nở trắng nương rẫy. Đây cũng là thời điểm các trại nuôi ong vào mùa “chạy ong”, đưa đàn ong đi lấy mật.

Tây nguyên mùa ong đi lấy mật
Thôi thúc bởi câu hát trong ca khúc Tháng ba Tây nguyên của nhạc sĩ Văn Thắng phổ thơ Thân Như Thơ: “Tháng ba mùa con ong đi lấy mật... Tháng ba rừng Tây nguyên hoa thắm đỏ...”, tôi quyết định theo chân… đàn ong. Đích đến của tôi là trại ong của anh Trương Cao Điều (45 tuổi), một “cao thủ” nuôi ong ở thôn 7, xã Hòa Khánh, TP.Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk. Khi đến nơi thì vợ anh Điều cho biết, ông xã đã đưa hơn 400 đàn ong đi lấy mật ở rẫy cà phê cách nhà hơn 5 km. Rồi chị nhanh nhảu gọi “bạn ong” với chồng là anh Vũ Duy Tuấn (58 tuổi) lấy xe máy đèo tôi vượt con đường đầy ổ gà, ổ voi đến khu vực mà anh Điều cùng đàn ong “cắm trại” để tận hưởng mùa hoa cà phê.
Thú thật, dọc đường tôi đi đỏ con mắt mới tìm thấy “hoa thắm đỏ”, nhưng bù lại khắp nơi hoa cà phê nở trắng xóa vườn, đồi. Nhìn xa xa, rẫy cà phê như những đồi tuyết trắng đẹp nao lòng. Đến gần, hoa cà phê tỏa mùi hương ngọt ngào, thu hút những đàn ong đua nhau tìm đến hút mật. Anh Tuấn cho biết, mùa hoa cà phê thường kéo dài từ tháng 2 đến tháng 4 dương lịch với hai đợt nở hoa, mỗi đợt nở kéo dài từ 7 - 10 ngày sau đó sẽ tàn. Vì thế, nhiều chủ đàn ong phải theo đàn ong lên rẫy để cho kịp thời vụ. Anh Tuấn còn ví von, mùa xuân là mùa lễ hội cà phê dành cho loài ong hút mật. Vì theo anh, hiện nay toàn tỉnh Đắk Lắk có không dưới 1.000 hộ nuôi ong với gần 200.000 đàn, mà nếu tất cả các chủ trại ong cùng xuất quân “chạy ong” thì không khác gì ngày hội.
Tác giả cùng với chủ nhân đàn ong gần 450 đàn
Gặp “cao thủ” Trương Cao Điều
Trương Cao Điều là dân nuôi ong có thâm niên và “số má” của vùng đất Tây nguyên. Từ Thái Bình, người đàn ông được mệnh danh là Điều “ong” này đến Krông Ana (Đắk Lắk) năm 1992 và bén duyên với con ong từ đó. “Tôi sống chung với ong trên 25 năm rồi. Sống với ong, nhiều hơn sống với vợ. Vì để có được mật ong tốt người nuôi ong phải “bay” theo ong suốt bốn mùa”, Điều hóm hỉnh. Anh Tuấn, “bạn ong” của anh Điều, bổ sung thêm: “Dân nuôi ong phải chạy ong khắp cả nước, một năm 3 - 4 lần. Mùa nào ở đâu có hoa là đưa đàn ong tới đó. Xuống miền Đông theo mùa hoa cao su; xuôi vô miền Tây trong mùa hoa tràm, hoa nhãn…; ngược ra bắc (Sơn La, Hưng Yên, Bắc Giang) để cho ong hút mật hoa sú vẹt, bạch đàn, vải, táo; cắm ở miền Trung vào mùa hoa keo”. Bởi vậy, theo anh Điều thì đầu năm được chạy ong trong rẫy cà phê gần nhà là “sướng như tiên rồi”.
Tôi sống chung với ong trên 25 năm rồi. Sống với ong, nhiều hơn sống với vợ. Vì để có được mật ong tốt người nuôi ong phải “bay” theo ong suốt bốn mùa
Anh Trương Cao Điều
Khi tiếp cận khu vực anh Điều để ong hút mật cà phê, tôi thấy hơi lạ là hàng trăm thùng ong lại đặt trong... vườn tiêu. Anh Điều giải thích: “Xung quanh vườn tiêu là rất nhiều vườn cà phê đang trổ bông, nhưng nếu đặt ngay vườn cà phê thì ong lười bay đi lấy mật”. Hóa ra là như vậy. Tận mắt chứng kiến cảnh hàng trăm đàn ong hối hả kéo nhau đi hút mật rồi kéo nhau về tổ trong một khu vườn thật là kỳ thú. Anh Điều kéo từng cầu ong trong các thùng để lộ những khe mật và bánh sáp chứa đầy mật ong dẻo quẹo, sóng sánh màu vàng nhạt. Nếm thử “tại trận” thứ mật ong này, tôi cảm nhận vị ngọt lịm và thoáng mùi hương cà phê. Chắc chắn đây là lần đầu tiên tôi nếm mật ong nguyên chất 100%!
Với anh Vũ Duy Tuấn, nuôi ong cho “vui thú tuổi già”, nhưng với Trương Cao Điều, ong là “mối tình ngọt ngào”. Với gần 450 đàn ong, hiện nay mỗi năm Điều “ong” thu về hàng trăm triệu đồng sau khi trừ chi phí. Anh Điều cho rằng, người theo nghề nuôi ong muốn “nếm mật thì phải nằm gai”. Để có kết quả tốt, anh Điều cũng như bạn nuôi ong cũng phải làm việc chăm chỉ, kiên trì và tư duy như con ong vậy. Đã không ít người nuôi ong và cả anh cũng đã từng nếm “mật đắng” vì thời tiết thất thường, mất giá hoặc chưa chết sống với đàn ong. Nhưng dù sao với Trương Cao Điều thì ong là tình yêu, còn nghề nuôi ong là cái nghiệp.
Cận cảnh các thùng ong
Kỳ thú chuyện tạo chúa, chạy ong
Thành công của nghề nuôi ong lấy mật có rất nhiều yếu tố. Nhưng tạo ong chúa, “chạy ong” là những chuyện công phu, kỳ thú và góp phần rất lớn trong việc thành công của người nuôi ong. Anh Điều cho biết ong chúa là “linh hồn” của đàn ong. Một con ong chúa giống Ý đúng chuẩn phải mua khoảng 6 triệu đồng. Trong quá trình nuôi, các chủ trại thường xuyên kiểm tra để duy trì những ong chúa tốt cho mỗi đàn. Theo định kỳ 6 - 9 tháng thay chúa 1 lần. Khi phát hiện ong chúa già, năng suất đẻ thấp thì thay thế ong chúa bằng cách mua chúa mới. Những người có kinh nghiệm nuôi ong như anh Điều còn biết cách kích thích đàn ong tạo ong chúa bằng phương pháp dùng mũ chúa giả để dụ ong chúa đẻ trứng ấu chúa. Sau khi nở, ấu chúa được ong thợ nuôi bằng sữa chúa và lớn lên rất nhanh. Từ trứng đến khi nở ấu chúa rất mập, nhưng sau đó nó bị ong thợ hạn chế khẩu phần thức ăn, nên ấu chúa có cơ thể thon nhỏ lại để chuẩn bị cho chuyến trăng mật, giao phối giúp phát triển đàn ong.
“Chạy ong” cũng là công việc rất thú vị mà ít người biết. Theo anh Điều, khi chọn được rẫy, vườn hoặc vùng đất có nhiều hoa, chủ nuôi ong lên lịch để di chuyển đàn ong. Theo thói quen, buổi tối đàn ong trở về tổ (thùng nuôi ong) nghỉ ngơi sau một ngày làm việc chăm chỉ. Nhưng, trong ngày quyết định di chuyển đàn ong, đầu buổi chiều chủ ong sẽ “lừa” đàn ong về tổ sớm hơn ngày thường bằng cách xịt nước lên phía trước cửa thùng ong để chúng tưởng trời mưa phải về tổ sớm. Đến lúc trời sẩm tối, nếu vẫn còn những chú ong “ham vui” lởn vởn bên ngoài chuồng nuôi, người nuôi sẽ dùng bình xịt khói chuyên dụng xịt để xua chúng nhập đàn không thiếu con nào. Ngay sau đó, người nuôi ong sẽ đóng kín thùng lại và đưa lên xe tải bắt đầu di chuyển đàn ong từ nơi này sang nơi khác.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.