Chồng "tè" bậy, vợ phải đi "bảo lãnh"
Chúng tôi theo chân ĐĐN vệ sinh qua một số tuyến đường Q.1. Lúc 9 giờ 30 ngày 18.7, tại Công viên 23.9, đông người qua kẻ lại, có cả khách du lịch và người dân ngồi hóng mát, vậy mà anh N.V.Lợi (ngụ ở Q.4, hành nghề xe ôm) thản nhiên đứng "tè" vô tư vào trạm điện thế không thèm quan tâm đến biển báo nguy hiểm treo ngay trước mặt. Thấy nhân viên ĐĐN xuất hiện, anh Lợi vội vàng kéo quần bỏ chạy để lại cái "cần câu cơm" của mình (chiếc xe gắn máy mang biển số 52Z2 - 6503). Trên đường chạy theo anh Lợi, nhân viên ĐĐN bất ngờ phát hiện thêm một người đàn ông khác cũng đang đứng "tè" bậy... Khi người của ĐĐN la lớn đòi "hốt" xe lên phường, anh Lợi hoảng sợ mới chịu quay trở lại, xin nước của nhà vệ sinh công cộng (VSCC) gần đó rửa sạch nơi vừa mới "xả".
Ngay trước chợ Bến Thành (Q.1) - biểu tượng của đất Sài thành và cũng là nơi khách du lịch quốc tế ra vào tấp nập tham quan, mua sắm - nhưng anh B.V.Phúc (tài xế xe buýt) lại can đảm đứng giữa 2 chiếc xe buýt để "tè". Phúc mải mê đứng "trút bầu tâm sự" đến nỗi nhân viên ĐĐN ghi hình mà không hề hay biết. "Xả" xong, Phúc thản nhiên leo lên xe buýt ngồi. Lúc nhân viên ĐĐN đến lập biên bản vi phạm thì anh ta chối phăng như không biết chuyện gì. Phải đến khi nhân viên ĐĐN đưa hình vi phạm ra thì Phúc mới hết chối cãi. Các trục đường Nguyễn Huệ, Lê Lợi, Hàm Nghi - nơi sầm uất thuộc bậc nhất của TP.HCM cũng là những điểm "nóng". Cách đây không lâu trên đường Nguyễn Huệ, ĐĐN phát hiện một người đàn ông quần áo bảnh bao, cổ thắt cà vạt lịch sự bước xuống xe, mở cửa sau xe ra... Thấy nghi vấn, các nhân viên ĐĐN ập đến thì phát hiện một vũng nước dưới chân người đàn ông này. Với "tang chứng vật chứng" rõ ràng, người đàn ông này đành ký vào biên bản vi phạm. Đó là trường hợp anh P.V.Ngọc (ngụ ở Q.4)...
Ông Nguyễn Đức Nhị - nhân viên Đội QLTTĐT Q.1 kể chuyện thật mà như đùa: "Có trường hợp, chồng bị lập biên bản vi phạm nhưng không xuất trình được giấy tờ tùy thân, phải gọi điện thoại nhờ vợ mang giấy tờ lên bảo lãnh về". Một cán bộ trong ĐĐN đã liệt kê một loạt điểm "nóng" mà tình trạng tiểu tiện vô tội vạ liên tục xảy ra gồm: khu vực hàng rào bảo vệ các công trình xây dựng; các công viên 23.9, Thống Nhất, Lê Văn Tám, vách nhà thờ Đức Bà, Huyện Sĩ - bến xe buýt trước Công viên 23.9; các tuyến đường Nguyễn Huệ, Hàm Nghi, Lê Lợi, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Pasteur - tường rào Tòa án thành phố và Thư viện quốc gia; các giao lộ, ngã tư tụ tập số người sinh sống bằng nghề xe ôm...
Thường thì chuyện "tè" bậy mỗi người mỗi kiểu nhưng khi bị bắt thì ai cũng đều ngượng và viện đủ thứ lý do, có người hoảng quá mua luôn cả nước uống đóng chai rửa chỗ mình "tè" để được giải quyết sớm, vì càng dây dưa, mọi người càng xúm lại xem thì bẽ cả mặt. Trong số trường hợp vi phạm, nam chiếm đa số nhưng...
Nữ “tè” bậy thì... bó tay
Ông Nguyễn Đức Nhị thẳng thắn: "Việc tiểu tiện là hiện tượng sinh lý bình thường. Nhưng đối với những người có ý thức thì họ tìm nhà vệ sinh để giữ vệ sinh chung, ngược lại thì có người đụng đâu xả đấy. Tuy nhiên, không phải gặp trường hợp nào cũng xử phạt được. Người bán hàng rong, vé số vi phạm thì chỉ nhắc nhở cảnh cáo, bắt "khôi phục lại hiện trạng" chứ xử phạt thì tiền đâu mà họ nộp; hoặc gặp trường hợp phụ nữ "làm bậy" thì khó ghi hình xử lý vì... anh em ngại". Đó cũng là một trong những khó khăn mà Đội QLTTĐT Q.1 phải đối mặt.
Ngoài ra, sau khi bị lập biên bản vi phạm, ông L.B.Phước (ngụ ở Q.3) cũng phàn nàn về phương thức xử phạt quá rườm rà: "Tôi không phàn nàn chuyện xử phạt này nhưng nếu được nộp phạt ngay tại chỗ thì hay hơn, như thế đỡ phải đi lại mất thời gian". Theo quy trình, sau khi lập biên bản vi phạm, nhân viên ĐĐN mang hồ sơ về đội lập bản quyết định xử phạt, sau đó chuyển cho UBND Q.1 ký. Bước kế tiếp, đội gửi quyết định qua đường bưu điện hoặc yêu cầu người vi phạm đến nộp phạt. Công đoạn này mất ít nhất 7-8 ngày, không thuận tiện cho người bị phạt lẫn người xử lý. Thêm vào đó, hiện đội chưa có phương án xử lý triệt để các trường hợp không mang theo giấy tờ tùy thân; người vi phạm khai man địa chỉ; người buôn bán hàng rong, vé số, người vi phạm ở tỉnh, thành khác... Vì vậy đã có trường hợp "nhiều người vi phạm khi bị lập biên bản vi phạm tỏ thái độ xem thường, không nghiêm túc, khai báo quanh co gây không ít khó khăn cho nhân viên" - một cán bộ của Đội QLTTĐT Q.1 bức xúc.
Ông Nguyễn Thế Định, Đội trưởng Đội QLTTĐT Q.1 cho biết thêm: "Sắp tới đội sẽ gửi thông báo đến các cơ quan, đơn vị quản lý và gửi thông báo đến chính quyền địa phương người vi phạm để tăng tính răn đe giáo dục. Từ sau khi triển khai xử phạt, tình hình tiểu tiện trên địa bàn quận có giảm rõ rệt".
Chính thức ra quân từ giữa tháng 4 đến nay, Đội QLTTĐT Q.1 đã xử phạt hơn 300 trường hợp vi phạm tiểu tiện, với số tiền phạt 43 triệu đồng. Trong đó, đối tượng vi phạm hành nghề tài xế xe khách, xe tải, taxi, xe ôm, xe xích lô chiếm 63%; người bán dạo, vé số chiếm 25%; các thành phần còn lại chiếm 12%. Mức phạt đối với hành vi “tè” bậy là từ 100.000 - 300.000 đồng/lần và bắt buộc phải “khắc phục hiện trường”.
Thiếu nhà vệ sinh, “tè” ở đâu? Lúc 9 giờ 20 ngày 18.7, một ông già bán vé số, đứng tè giữa đường mặc dù nhà VSCC (số 87 Bùi Thị Xuân, Q.1) cách hiện trường khoảng 10m và cách đó khoảng 5m có biển báo "Cấm đái bậy" do người dân tự đặt. Không kể trường hợp nói trên, phải nhìn nhận một thực tế là số nhà VSCC trên toàn địa bàn thành phố hiện thiếu nghiêm trọng, đặc biệt là Q.1. "Mấy ổng phạt thì tôi chấp hành nhưng nói đi phải nói lại. Thử hỏi trên địa bàn Q.1 có được mấy nhà vệ sinh. Tôi bí phải xả. Nộp phạt thì tôi làm được chứ nín "chuyện đó" thì khó lắm anh ơi" - đó là bức xúc của một người vi phạm bị phạt ở trung tâm thành phố. Ở khía cạnh nào đó, bức xúc của người đàn ông trên là chính đáng. "Hiện Q.1 có 26 nhà VSCC nhưng so với quy mô địa bàn quận thì quá thiếu. Mới đây, sau khi tiến hành khảo sát ở 10 phường cho thấy cần xây dựng cấp bách thêm 16 nhà VSCC nữa. Mà con số này cũng chỉ mới chỉ đáp ứng tương đối nhu cầu..." - một cán bộ của Công ty Công trình công cộng Q.1 thừa nhận với chúng tôi. Ngoài ra, theo chúng tôi tìm hiểu thì có không ít nhà VSCC được xây dựng liền kề với các dịch vụ giải khát hoặc không để bảng nhà VSCC khiến nhiều người đi đường không nhận ra. |
Đ.Huy - M.Thanh - C.Tú - M.Thiên
Bình luận (0)