Tờ rơi phát ra; vịt, gà... thu vào!
Tại "mặt trận" huyện Hóc Môn, gần 40 SVTN Trường ĐH Nông Lâm đã "tác chiến" khá thành công và rất bài bản. "Công việc đầu tiên của chúng tôi là phối hợp với Trạm thú y cơ sở kiểm tra, nhận định, khoanh vùng ổ dịch, hướng dẫn người dân khử trùng vệ sinh chuồng trại và săn bắt... gà" - anh Ngọc, giảng viên trẻ Trường ĐH Nông Lâm nói. Tại ấp Nhị Tân 1, xã Tân Thới Nhì, anh Nguyễn Văn Lợi - Trưởng ấp - cho biết ấp có hơn 460 hộ chăn nuôi gà, vịt. Từ hôm xảy ra bệnh dịch cúm gia cầm đến nay, một số bà con trong ấp đã tự nguyện đem gà, vịt ra ấp nộp để tiêu huỷ, song cũng có nhiều hộ không hợp tác, vì tiếc của. Anh Lợi cũng cho biết thêm, UBND xã có chủ trương sau ngày 10/2, những hộ nào không tự nguyện tiêu hủy gia cầm, thì chính quyền địa phương sẽ "cưỡng chế" và không hỗ trợ tiền cho số gia cầm này. "Chúng tôi đang lo lắng không có nhân lực để "cưỡng chế". Đùng một cái nghe có TNTN về giúp sức chúng tôi mừng như được vàng!" - anh Lợi vừa mừng vừa nói. Chị Lê Thị Nguyệt - nhân viên trạm y tế xã cho biết trong toàn xã có một trường hợp nghi nhiễm bệnh đang điều trị tại bệnh viện Nhiệt Đới, bệnh nhân là một em trai 16 tuổi đã giết gà làm thịt cho cả nhà ăn... Mặc dù chỉ qua một ngày tập huấn nhưng nhiều SV vừa đi tuyên truyền, vừa thu gom gia cầm ở ấp Nhị Tân 1 đã tỏ ra rất chuyên nghiệp. Họ đã "rót mật" vào lòng dân, tờ rơi phát ra... vịt, gà được người dân tự nguyện nộp. Việc thu gom, tiêu hủy gia cầm được thực hiện đúng quy trình và vệ sinh... Bà Nguyễn Thị Bé (Nhị Tân 1) đã đến tận trụ sở ấp thông báo: "Nhà tui có chừng 15 con gà, mấy hôm nay tiếc quá, tui không nỡ giết. Hôm nay nghe các cháu sinh viên cho biết tác hại của bệnh dịch dữ quá, hay là trưa nay ông Trưởng ấp cho đội săn bắt gà xuống tiêu huỷ giúp tui". Theo chân nhóm bạn Ánh - Ngọc - Hùng (Trường ĐH Nông Lâm), chúng tôi được biết bí quyết của họ là phải tuyên truyền cho người dân thấy được tác hại của việc duy trì đàn gia cầm gia cầm trong vùng dịch và giúp họ tẩy rửa sát trùng thật sạch khu vực xung quanh chuồng trại...
Thiếu áo quần bảo hộ
Đến trưa 8/2, ở "mặt trận" huyện Bình Chánh, SV và TNTN tại địa bàn vẫn còn lúng túng. Ngoài 8 bộ đồ bảo hộ phòng, chống dịch của SV Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, huyện Đoàn Bình Chánh vẫn chưa có một bộ đồ bảo hộ nào để cung cấp cho các chiến sĩ vào "vùng dịch". Tại xã Lê Minh Xuân, hai cánh quân được triển khai chớp nhoáng ngay trong buổi chiều ra quân với vài bộ đồ bảo hộ. Nhiều bạn SV và TNTN tại địa phương đã bắt gia cầm bằng... tay không! Còn một số bạn SV có áo quần bảo hộ thì làm không đúng quy trình, chẳng hạn: các bạn đã mặc áo quần bảo hộ đi từ nhà này sang nhà khác để bắt gia cầm... Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Văn Đang - TrạmThú y huyện Bình Chánh cho biết: "Tôi biết việc triển khai chiến dịch TNTN phòng chống dịch cúm gà, nhưng ở xã không cho chúng tôi biết quân số là bao nhiêu để chúng tôi trang bị áo quần bảo hộ. Hơn nữa, khả năng chúng tôi chỉ cung cấp được 15 bộ mà thôi. Đồ bảo hộ phòng chống dịch cúm gà rất thiếu!". Còn theo bạn Cẩm Thuý – cán bộ huyện Đoàn Bình Chánh: “Trước khi có kế hoạch TNTN về góp sức phòng, chống dịch cúm gà tại địa phương, trạm Thú ý huyện đã nhất trí trang bị dụng cụ bảo hộ, nhưng đã “vào cuộc” rồi mà chúng tôi vẫn chưa nhận được đồ bảo hộ”. Không riêng gì ở Bình Chánh, TNTN ở 2 huyện Hóc Môn và Củ Chi cũng nằm trong tình trạng ra quân nhưng thiếu áo quần bảo hộ! Theo quy trình, đồ bảo hộ phòng, chống dịch chỉ được mặc một lần, thế nhưng mỗi ngày có hàng trăm SV và TNTN tại địa phương đi tiêu huỷ gia cầm ở hàng trăm nhà dân thì đây quả là một điều đáng lo trong công tác phòng, chống dịch.
Võ Ba
Bình luận (0)