Theo chân người trẻ yêu rừng xanh: Những phút giây đối mặt với hiểm nguy

20/03/2023 16:35 GMT+7

Tình trạng phá rừng trên địa bàn tỉnh Đắk Nông diễn biến phức tạp, những nhân viên giữ rừng, hầu hết là các bạn trẻ vẫn ngày đêm tuần tra, bảo vệ những cánh rừng Tây nguyên…

Một ngày giữa tháng 3, PV Thanh Niên theo chân tổ công tác của Công ty TNHH MTV Đắk N'Tao đi tuần tra, kiểm soát, bảo vệ rừng thuộc lâm phần đơn vị này quản lý tại xã Quảng Sơn (H.Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông). Khu vực công ty quản lý có khoảng 4.000 ha, nhưng chỉ 2.700 ha trong số đó… có rừng, phần diện tích còn lại đã bị lấn chiếm trái phép.

Chúng tôi ngồi sau xe máy của anh Lê Văn Hưng, Phó phòng phụ trách Phòng kỹ thuật của công ty. Giữa mùa khô Tây nguyên, các con đường mù mịt đất bụi. Chúng tôi len lỏi qua hàng chục km đường rừng.

Yêu rừng xanh, người trẻ về quê và gắn bó với nghề giữ rừng - Ảnh 1.

Anh Nguyễn Lê Nguyên (23 tuổi, đội nón) và ông Phùng Văn Kiên, Phó giám đốc Công ty TNHH MTV Đắk N'Tao (Đắk Nông) đang ăn quả nhót sau chuyến tuần tra rừng

XUÂN LÂM

Di chuyển càng sâu vào rừng, đường càng khó đi. Trước đây, PV Thanh Niên từng nhiều lần ngồi sau "nài xe" – là các cán bộ cảnh sát hình sự đặc nhiệm truy đuổi các đối tượng cướp giật tại TP.HCM, nên cảm nhận rõ sự nguy hiểm khi di chuyển với tốc độ cao qua những dòng người đông đúc. Thế nhưng trải nghiệm tuần tra rừng lần này cũng nguy hiểm không kém. Những con đường đất gồ ghề, nhiều "sóng trâu", khiến chúng tôi không ít lần xuýt ngã sõng soài giữa rừng.

Yêu rừng xanh, người trẻ về quê và gắn bó với nghề giữ rừng - Ảnh 2.

Nhót rừng chấm muối...

XUÂN LÂM

Yêu rừng xanh, người trẻ về quê và gắn bó với nghề giữ rừng - Ảnh 3.

Nhiều người trẻ yêu rừng xanh nên nỗ lực theo nghề bảo vệ, canh giữ rừng xanh

XUÂN LÂM

Anh Hưng (29 tuổi), nhưng đã có nhiều năm gắn bó với nghề giữ rừng. "Nhà mình ở H.Krông Nô (tỉnh Đắk Nông). Bảo vệ rừng, có khi 1 tuần, nửa tháng, hoặc có khi cả tháng trời mới về nhà", anh Hưng nói rồi chia sẻ thêm để bảo vệ rừng không ít lần anh bị người dân chửi, thậm chí đòi đánh khi nhắc nhở, không cho họ canh tác, hoặc đốt phá rừng để làm nương rẫy.

Yêu rừng xanh, người trẻ về quê và gắn bó với nghề giữ rừng - Ảnh 4.

Người dân đốt phá rừng để làm nương rẫy

XUÂN LÂM

Yêu rừng xanh, người trẻ về quê và gắn bó với nghề giữ rừng - Ảnh 5.

Anh Nguyễn Lê Nguyên đang vào khu vực cây rừng bị chặt phá để kiểm tra, nếu phát hiện đám cháy sẽ ngay lập tức dập lửa

XUÂN LÂM

Chuyến tuần tra còn có anh Nguyễn Lê Nguyên (23 tuổi, ngụ TP.Gia Nghĩa, Đắk Nông). Trước đây, anh Nguyên xuống TP.HCM học tập và làm việc, tuy nhiên, vì yêu những cánh rừng xanh, anh Nguyên quyết định "hồi hương", xin vào làm việc tại công ty chỉ mới mấy tháng nay.

"Ở TP.HCM đông vui cũng thích lắm. Nhưng mình yêu những cánh rừng xanh, và cuộc sống giữa… rừng cũng thú vị mà", anh Nguyên chia sẻ.

Yêu rừng xanh, người trẻ về quê và gắn bó với nghề giữ rừng - Ảnh 6.

Một nhóm phụ nữ dân tộc Dao đang vào rừng. Nhân viên công ty liền nhắc nhở họ không được mang các vật dụng như rựa, cưa... vào rừng. "Hái rau rừng chỉ mang theo con dao là được", một nhân viên giữ rừng nói

XUÂN LÂM

Suốt hành trình tuần tra, ông Phùng Văn Kiên, Phó giám đốc Công ty liên tục nhắc nhở những nhân viên trẻ phải thận trọng trong lúc đối mặt với các đối tượng chặt phá rừng.

"Khi gặp đối tượng phá rừng, không được tiếp cận ngay lập tức. Phải quan sát, bắt chuyện, xem phản ứng của họ thế nào. Vì họ thường mang theo cưa máy, dao, rựa, súng tự chế… nếu xông vào bất ngờ, rất dễ bị phản kháng, chống trả. Rất nguy hiểm vì ở giữa rừng sâu", ông Kiên nói với nhóm nhân viên trẻ.

Yêu rừng xanh, người trẻ về quê và gắn bó với nghề giữ rừng - Ảnh 7.

Người phụ nữ dân tộc M'Nông vào rừng hái rau nhíp. Nhân viên giữ rừng sau đó liền nhắc nhở, và căn dặn nếu phát hiện đối tượng phá rừng phải báo cho Công ty TNHH MTV Đắk N'Tao

XUÂN LÂM

Yêu rừng xanh, người trẻ về quê và gắn bó với nghề giữ rừng - Ảnh 8.

Rau nhíp người dân hái trong rừng

XUÂN LÂM

Lãnh đạo công ty cho hay hầu hết các nhân viên cắm chốt trong rừng còn trẻ tuổi và chưa lập gia đình. Các bạn có sự nhiệt huyết, năng động, nhưng còn thiếu kinh nghiệm để đối phó với các đối tượng phá rừng manh động. Vì vậy, các nhân viên giữ rừng lão làng thường quán xuyến, hướng dẫn thêm để đảm bảo an toàn hơn cho họ.

Yêu rừng xanh, người trẻ về quê và gắn bó với nghề giữ rừng - Ảnh 9.

Xót xa những cánh rừng bị chặt phá và đốt trụi

XUÂN LÂM

Yêu rừng xanh, người trẻ về quê và gắn bó với nghề giữ rừng - Ảnh 10.

Ông Phùng Văn Kiên, Phó giám đốc Công ty TNHH MTV Đắk N'Tao cho biết hiện tình trạng phá rừng trên địa bàn đang rất "nóng"

XUÂN LÂM

Theo thống kê, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh Đắk Nông xảy ra 61 vụ phá rừng trái phép, diện tích rừng thiệt hại gần 14,8 ha. Còn trong năm 2022, Đắk Nông xảy ra 333 vụ phá rừng trái phép, với diện tích rừng thiệt hại gần 68 ha.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.