Theo dấu chân “Người tình” - Kỳ cuối: Bí ẩn gia thế họ Huỳnh

04/03/2010 23:19 GMT+7

Người dân Sa Đéc ngày nay chỉ biết rằng: Họ Huỳnh ngày xưa giàu nhất xứ này. “Huỳnh gia” nắm giữ đến 2/3 căn phố chợ nơi đây. Ông Huỳnh Thuận có 4 người con, một gái ba trai, Huỳnh Thủy Lê là con út.

Tìm kiếm những gì còn sót lại của một thế kỷ trước quả là điều không đơn giản. Chúng tôi chỉ bắt gặp trên bức ảnh chân dung ông Huỳnh Thủy Lê treo ở nhà cổ có in nổi tên tiệm chụp ảnh Huê Chân. Huê Chân là một tiệm ảnh có tiếng xưa nay ở Sa Đéc. Hiện tiệm nằm ở số 16/2 đường Nguyễn Huệ, cách đó không xa. Bà chủ tiệm năm nay đã trạc 50 tuổi, người thừa kế đời thứ ba của tiệm ảnh cho biết: “Bức chân dung đó có thể là do đời ông nội tôi chụp. Tôi cũng chỉ biết về gia đình họ Huỳnh khi có đoàn làm phim Người tình về đây quay và cũng chỉ biết có bấy nhiêu. Trước đó, tôi cũng không nghe cha hay ông tôi nhắc gì về nhà họ Huỳnh cả”.

Theo lời chỉ dẫn của nhiều người, chúng tôi tìm đến chùa ông Quách. Chùa được công nhận là di tích văn hóa lịch sử cấp quốc gia năm 1994. Ông Năm Trọng, người trông coi ngôi chùa là cháu ruột ông Huỳnh Thủy Lê. Ông Năm Trọng năm nay đã 64 tuổi.

Theo lời ông: Cha ông là Huỳnh Thoại Ngọc, anh kế của ông Lê. “Ông nội tôi ngày xưa rất giàu, có đến cả trăm ngôi nhà phố. Ông là người sống nhân đức, luôn giúp đỡ mọi người. Ngôi chùa này là do ông tôi đứng ra vận động người trong họ xây cất. Ông cũng chính là người bao thầu chi phí xây dựng. Bên cạnh đó, ông tôi cũng ủng hộ chi phí xây dựng nhiều đình chùa khác. Chú Út là người rất yêu thương con cháu. Ngày xưa ông thường đi về giữa Sài Gòn - Sa Đéc, mỗi lần về quê ông thường cho chúng tôi tiền. Ngày ấy tôi còn rất bé, cũng không nhớ rõ nhiều chuyện”.

Câu chuyện do chính người trong dòng họ Huỳnh kể cũng chỉ có vậy.


Ông Phan Thoại Trọng, cháu gọi ông Huỳnh Thủy Lê bằng chú, người trông coi chùa ông Quách - Ảnh: Chí Nhân

Chúng tôi tìm đến một con hẻm nhỏ trên đường Trần Hưng Đạo (song song với đường Nguyễn Huệ). Cái cổng ở đầu hẻm vẫn còn lưu lại nét kiến trúc cổ đã bị thời gian tàn phá và người dân lấn chiếm. Đó chính là cổng sau của nhà họ Huỳnh ngày xưa. Hẻm có chừng một chục hộ dân sinh sống. Chúng tôi tìm gặp ông Sáu Bé, người được cho là biết khá rõ về dòng họ Huỳnh. Ông tên thật là Trần Văn Quới, năm nay đã gần 80 tuổi, quản gia nhà họ Huỳnh.

Ông kể: Nhà họ Huỳnh ngày xưa giàu lắm, giàu nhất xứ Sa Đéc. Nhưng sống nhân đức, thường xuyên làm điều thiện. Ông Huỳnh Thuận đóng góp phần lớn tiền xây chùa ông Quách. Tới đời ông Huỳnh Thủy Lê, ông đã cho ban quản tự chùa ông Quách mượn một dãy phố, khoảng 16 căn để cho thuê. Tiền thu được dùng để mua nhang đèn, thờ cúng và tu bổ cho chùa. Về sau, ông cúng hẳn dãy phố cho chùa. Một lần khác, có một sư thầy ghé thăm thì ông phát tâm hiến đất, đóng góp tiền của xây tịnh xá Ngọc Quang. Vị sư thầy đó chính là Đức Tổ sư Minh Đăng Quang của hệ phái Khất sĩ hiện nay.

Thời đó, họ Huỳnh giàu có nên thế lực cũng rất lớn, nhiều người đã xin đổi sang họ Huỳnh để tiện bề làm ăn. Đối với những trường hợp như thế, ông Huỳnh Thủy Lê cũng vui lòng giúp chấp thuận mà không cần truy xét. Huỳnh gia ngày xưa là chủ chành gạo lớn nhất tỉnh Sa Đéc. Gạo Huỳnh gia không chỉ buôn bán trong nước mà còn xuất khẩu ra nước ngoài. Một nguồn kinh tế phụ khác là thu tiền cho thuê từ các căn phố. Phố xá ở đây ngày xưa, phần lớn của Huỳnh gia, phần còn lại của người Chà Và (thương nhân Ấn Độ - PV), số ít còn lại của những người khác. “Ngày xưa, tôi thường đi thu tiền từ các căn phố đó”, ông Sáu Bé kể. Ngoài ra, Huỳnh gia còn rất nhiều nhà cửa và tài sản ở khu vực Sài Gòn - Chợ Lớn...

Liên quan tới nhà văn Duras, bà là con của nữ giáo chức Marie Donnadieu, Hiệu trưởng trường L’ecole Primaire De Jeunes Filles De Sadec, nay là trường Tiểu học Trưng Vương. Đây là ngôi trường cổ nhất Đồng Tháp. Cô Phạm Thị Đẹt, cho biết: Lần đó, nhà văn Sơn Nam về đây làm cố vấn cho bộ phim Người tình, qua tiếp xúc thì mới được biết câu chuyện nó là như thế. Chứ thật ra ở đây, gần như không còn ai biết về nhà họ Huỳnh, bà Hiệu trưởng Marie Donnadieu và câu chuyện đó. Từ đó, tôi bỏ công sưu tầm tất cả những gì có liên quan tới ngôi trường này. Điều may mắn nhất là tôi đã tìm được một văn bản có lưu lại bút tích của bà Donnadieu. Đến năm 2002, tôi cho in cuốn kỷ yếu nhân 100 năm thành lập trường và có gửi qua Pháp tặng họ. Sau này, đại diện chính quyền bên đó có qua thăm trường và tặng chúng tôi 4 ngàn euro. Tiền đó tôi dùng để sửa chữa và quét vôi lại ngôi trường. Tiếp đó, con bà Duras rồi cả người tình cuối cùng của bà nữa cũng có qua thăm trường. Họ rất xúc động và đã tặng chúng tôi rất nhiều ảnh,  sách của bà Duras. “Bản thân tôi cũng được tặng cuốn tiểu thuyết L’Amant nguyên bản tiếng Pháp”, cô Đẹt kể.

Ngày nay, ngôi trường vẫn còn duy trì dạy tiếng Pháp cho học sinh (mỗi khối 1 lớp) theo chương trình hỗ trợ từ Cộng đồng Pháp ngữ. Du khách vẫn tìm đến tham quan nơi này và thích thú khi biết nơi đây vẫn còn có những em nhỏ biết tiếng Pháp. Tuy chỉ có điều là ngôi nhà ngày xưa của bà hiệu trưởng ở thì nay đã không còn và không còn ai xác định được vị trí của nó.

Những người thuyết minh ở ngôi nhà “Người tình” cho biết: Huỳnh Thủy Lê có vợ là bà Nguyễn Thị Mỹ, người đẹp xứ Tiền Giang. Ông bà sống với nhau có 5 mặt con, 3 gái và 2 trai. Cô con gái thứ tư của ông Lê tên Huỳnh Thủy Anh xinh đẹp có tiếng. Cô cũng chính là con dâu của ông Trần Văn Hương, nguyên Thủ tướng chính quyền Sài Gòn. Năm 1972, ông Lê qua đời ở Sài Gòn, tang lễ của ông được tổ chức tại quê nhà. Đích thân ông Trần Văn Hương đáp máy bay về tận Sa Đéc để dự lễ tang của thông gia. Sau đó, ông Lê được an táng tại khu đất của gia đình. Hiện tại, các con của ông Lê đều sống ở nước ngoài: Huỳnh Thủy Tiên là GS.TS - Giám đốc Bệnh viện Nhi ở bang Califonia (Mỹ), Huỳnh Thủy Hà là giảng viên trường ĐH Sorbonne (Pháp), Huỳnh Thủy Anh, Huỳnh Thủy Tuấn và Huỳnh Thủy Tòng đều ở Mỹ.

Chí Nhân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.