Theo dấu người xưa - Kỳ 12: Nhà tình báo triều Nguyễn

22/11/2012 03:00 GMT+7

Trước năm 1975, Sài Gòn có đường Lê Văn Thạnh (nay đổi lại là Sư Thiện Chiếu), sau này ở Q.9, TP.HCM cũng có đường Nguyễn Văn Thạnh.

Riêng tại TP.Mỹ Tho (Tiền Giang) hiện vẫn còn con đường mang tên Lê Văn Thạnh, nhưng cả Sài Gòn và Mỹ Tho đều ghi sai tên một nhân vật nhiều nỗi truân chuyên trong lịch sử buổi giao thời: Cử nhân Đặng Văn Thạnh.

Hoạt động bí mật

Theo bia mộ (tại xã Long Trung, H.Cai Lậy, Tiền Giang), Đặng Văn Thạnh tự là Long Phủ, sinh năm Canh Thìn (1830) tại thôn Trà Tân, H.Kiến Đăng. Phả hệ của gia đình ghi cha ông là Đặng Kiến Hưng, người gốc Quảng Ngãi, theo cha vào đây lập nghiệp từ cuối thế kỷ 18, là một trong những họ tiền hiền có công khai khẩn lập làng Trà Tân xưa.

Thời niên thiếu, Thạnh là học trò giỏi của thầy Đồ Giáo ở Giồng Vân (thôn Phú Long cùng huyện). Năm 26 tuổi, Đặng Văn Thạnh đến trường thi Gia Định ứng thí, đậu cử nhân khoa Quý Mão (1855). Sau đó ông ra kinh đô Huế thi hội, nhưng “học tài thi phận” ông bèn nộp đơn xin hậu bổ và được tuyển chọn làm chức Huấn đạo Kiến Hòa (Định Tường) trông nom việc giáo dục. Mấy năm sau, ông chuyển qua việc hành chính tại H.Phong Thạnh, tỉnh An Giang (nay là tỉnh Bạc Liêu). Đầu tiên ông giữ chức Kinh lịch, thăng Thông phán rồi thăng Tri huyện Phong Thạnh.

Khi thực dân Pháp chiếm Nam Kỳ lục tỉnh, ông được điều ra làm Tri huyện Tuy Phong (tỉnh Bình Thuận), nổi tiếng là một vị quan thanh liêm, công bình chính trực. Năm 1866, vua Tự Đức sai Phan Trung vào Bình Thuận lập Ty Điển nông sứ Khánh Hòa, mở đồn điền khai khẩn đất hoang. Nhưng đây thực chất là một tổ chức tình báo của triều đình đặt ở Nam Trung bộ, chuyên trách việc liên hệ bí mật giúp đỡ phong trào chống Pháp, đồng thời thu thập tin tức về tình hình quân Pháp ở Nam kỳ. Theo một số tài liệu, tổ chức tình báo này có liên hệ với Nguyễn Thành Ý, lúc ấy làm Chánh lãnh sự cho nhà Nguyễn tại Gia Định. Mạng lưới được tổ chức theo nguyên tắc hoạt động đơn tuyến nên giặc Pháp rất khó phát hiện. Ty Điển nông sứ tồn tại gần 20 năm và đã tự giải thể từ sau 1884, nên ít có tài liệu đề cập.

Bấy giờ, Đặng Văn Thạnh gặp Phan Trung bàn chuyện quốc sự, rồi lấy cớ còn mẹ già ở quê nên dâng sớ từ chức: “Mẹ già sống trong đất giặc, sống chết ấm no chẳng ai lo. Xưa nay nếu được trung thì mất hiếu, được hiếu thì mất trung. Hiện nay trung thần nghĩa sĩ rất nhiều, kẻ bất tài có lòng thấp thỏm như thần thì chẳng ích lợi gì cho triều đình cả”. Vua Tự Đức xem xong tờ sớ rồi phủ dụ chấp nhận cho ông về hưu với hàm Văn Lâm Lang, Tùng lục Phẩm. Đây là cách triều đình tạo thế hợp pháp, thỏa thuận cho ông về quê.

Trước khi xuống thuyền, tổ chức bí mật đã giao cho ông nhiệm vụ giấu một số súng đạn trong khoang hầm chở về Nam. Tuy nhiên, vừa đến Vũng Tàu thì giặc Pháp biết tin và tổ chức theo dõi. Nhờ có người báo trước nên Đặng Văn Thạnh kịp thời thủ tiêu số vũ khí. Khi thuyền của ông vừa cập bến Gia Định, giặc xét hỏi giấy tờ tùy thân biết ông là Tri huyện Tuy Phong hưu trí về quê, lục soát trong khoang hầm thì chẳng có gì đáng nghi ngờ. Mặc dù vậy giặc Pháp vẫn nghi vấn tại sao ông còn trẻ mà lại hưu trí, nên đã giam ông tại Gia Định một thời gian rồi giao cho Đốc phủ Trần Bá Lộc ở Cái Bè quản lý, theo dõi.


Ngôi mộ ông Đặng Văn Thạnh ở xã Long Trung, H.Cai Lậy - Ảnh: H.P
 

Ghét kẻ gian nịnh

Vậy là Đặng Văn Thạnh buộc phải ở tại tư dinh của Trần Bá Lộc để làm gia sư dạy học cho con trai Lộc là Trần Bá Thọ. Đốc phủ Lộc là kẻ bán nước khét tiếng tàn ác, nhưng lúc đó quyền uy hắn trùm lên vùng Cai Lậy và Cái Bè nên đám cường hào thường xuyên tới lui, lòn cúi khúm núm. Trước cảnh trái tai gai mắt ấy, Cử Thạnh đã mượn hình ảnh bầy chim dòng dọc, làm bài thơ chê trách:

Nam mai không đậu, đậu cây bần
Quái bấy! Loài chim ỷ thế thần
Chất ngất năm ba tầng ổ đóng
Om sòm muôn vạn tiếng vang rân
Lửng lơ chẳng sợ làn giông quỷ
Lắt lẻo không kiêng ngọn gió thần
Biết cậy hơi ong làm rạo chắc
Một mai chồi tróc khó nương thân

(Chim dòng dọc)

Giai thoại kể rằng, Trần Bá Thọ tính tình ngông nghênh, lại là tên học trò bất đắc dĩ nên có một hôm hắn giả bộ lễ phép với thầy, xin xướng đối chơi. Thế rồi hắn lấy hình dáng thầy mình ra cười cợt:

- Râu ba chòm lém đém, miệng hút thuốc phì phà.

Biết học trò châm chọc mình, ông Cử Thạnh cũng lấy hình dáng hắn nhắc nhở:

- Tóc ít sợi loe loe, tay cầm cây ngút ngoắt.

Nhưng Thọ vẫn chưa biết lỗi, đưa vế đối ra vẻ kiêu ngạo:

- Phụ từ tử hiếu, sinh con thế mới là vàng.

Ông Cử tức giận. Gia đình hắn cha bán nước theo giặc, con ăn chơi đàng điếm mà lên giọng đạo đức, bèn ra câu đối chửi ngay:

- Tham phú phụ bần, đ. mẹ thằng nào ở bạc.

Vốn không ưa thầy, Thọ lấy cớ thích học chữ Tây, nên kêu cha cho Cử Thạnh về lại quê nhà. Trong thời gian này ông sáng tác rất nhiều thơ, câu đối và giao du với bạn bè ở rạch Trà Tân, trao đổi văn chương nghệ thuật, đồng thời là những người đầu tiên chế tác cây kiểng sơn thủy tứ diện nổi tiếng ở vùng Ba Dừa.

Đặng Văn Thạnh mất ngày 6 tháng 7 năm Kỷ Hợi (1899). Ngôi mộ ông hiện tọa lạc trong khu vườn sầu riêng ở ấp 15, xã Long Trung, H.Cai Lậy. Ông Nguyễn Văn Chương, người cháu gọi cụ Cử Thạnh bằng cố ngoại, cho biết trước đây có vài người ở TP.HCM xuống đọc dịch mộ bia cụ, nhưng không hiểu sao, tên đường vẫn bị ghi sai họ.

Dân gian chỉ biết Đặng Văn Thạnh qua các giai thoại và một số tác phẩm thơ văn và câu đối của ông, còn chuyện ông làm tình báo cho triều đình Huế, tổ chức vận chuyển vũ khí vào Nam cho quân khởi nghĩa cũng còn nhiều vấn đề chưa có điều kiện làm rõ. Nhưng việc ghi sai họ Đặng Văn Thạnh thành Lê Văn Thạnh hoặc Nguyễn Văn Thạnh ở một số con đường là việc có thể chỉnh sửa ngay được.                                

Hoàng Phương - Ngọc Phan

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.