Năm 1917, chính quyền thực dân Pháp sáp nhập 2 làng Tường Khánh và Nhơn Hậu lấy tên là Khánh Hậu. Hiện nay Khánh Hậu lại chia thành 2 phường Khánh Hậu và Tân Khánh thuộc TP.Tân An, tỉnh Long An. Nơi đây là vùng đất đầu Ba Giồng, có tên là giồng Cánh Én hay Cái Én. Vài tài liệu cho biết tên giồng ngày xưa là Cai Yến, tức ông Cai cơ tên Yến, lâu ngày nói trại thành giồng Cái Én/Cánh Én. Đây là vùng đất được khai phá lâu đời và tồn tại nhiều giai thoại dân gian thời khẩn hoang lập ấp.
Miếu biến thành chùa
Tọa lạc ở phường Khánh Hậu, chùa Diêu Quang nguyên thủy là một ngôi miếu có tên là Dao Quang. Về sau, có lẽ do sợ đồng âm nên Dao Quang được gọi trại là Diêu Quang. Theo tài liệu điền dã của nhà nghiên cứu Trương Ngọc Tường, trước đây hai bên cổng chùa còn có câu đối ca ngợi Nhạc Phi và Quan thánh đế quân (Quan Vân Trường):
“Tiên Võ Mục nhi thần đại Tống thiên cổ đại Hán thiên cổ
Hậu Văn Tiên nhi thánh, Sơn Đông nhứt nhơn, Sơn Tây nhứt nhơn”.
Có thể nơi đây khi xưa đã có cộng đồng người Minh Hương đến cùng lưu dân Việt khẩn hoang, lập nghiệp. Họ có mặt sớm nhất là vào khoảng năm 1679, khi nhóm Dương Ngạn Địch đến Mỹ Tho, khởi sự việc lập Mỹ Tho đại phố. Cách đó không xa, phía nam thôn Nhơn Hậu và Tường Khánh có làng Tân Hương (nay thuộc xã Tân Hương, H.Châu Thành, Tiền Giang) cũng do một người Minh Hương tên là Dương Tấn Tuyên lập.
|
Đại đức Thích Thiện Thạnh, trụ trì chùa Diêu Quang cho biết, câu đối ngày xưa không còn do ngôi chùa đã qua nhiều lần sửa chữa, nhưng ông cũng nghe các đời trụ trì trước nói lại nội dung như thế. Ngoài ra, trong chùa hiện nay còn lưu giữ bộ tượng Quan thánh đế quân bằng đất sét, là một trong những bộ tượng cổ xưa nhất ở chùa, có lẽ là bộ tượng của ngôi miếu cũ. Sư cũng chưa biết thời điểm miếu biến thành chùa.
Trước khi miếu biến thành chùa, đây cũng là cơ sở thờ tự Tiền quân Nguyễn Huỳnh Đức, sau lăng mộ và nhà thờ. Chùa Diêu Quang hiện nay còn lưu giữ một cái trống to nhất nhì Nam bộ. Tương truyền đây là cái trống do Tiền quân Nguyễn Huỳnh Đức cho người đốn cây sao cổ thụ ở vùng Tây Ninh chở về, lấy gỗ phần ngọn làm trống, phần gốc xẻ làm bộ ván (bộ ván được giữ ở đền thờ). Trống bịt bằng da trâu, loại trâu cổ to lớn.
Chiếc sọ cọp
Từ thuở lưu dân từ miền Trung vào đây khẩn đất làm ruộng cho đến nhiều năm sau đó, vùng này vẫn còn nhiều thú dữ. Giai thoại dân gian kể rằng, làng Tường Khánh xưa có một ông lão nông thân hình cao to, giỏi võ nghệ, từng theo quân Đông Sơn của Đỗ Thanh Nhân làm Thám kỵ quân, giữ nhiệm vụ trinh sát do thám quân tình. Không rõ tên họ thật của ông, dân gian gọi ông là Thám Xoài vì ông thích ăn xoài rừng (tức trái muỗm hay trái quéo) mỗi khi nhắm rượu với bạn bè trong xóm.
Sau khi chủ tướng Đỗ Thanh Nhân bị giết, lực lượng Đông Sơn tan rã, nhiều đồng đội của ông nhập vào quân của chúa Nguyễn Ánh, còn ông xin xuất ngũ, trở lại quê nhà lo việc ruộng nương, cày cấy. Nhà của ông bấy giờ ở ven khu rừng rậm, phía sau nhà có một cái sân rộng vừa dùng để phơi lúa, đồng thời cũng là sân tập võ nghệ của cha con ông và thanh niên trai tráng trong làng. Câu chuyện dân gian có phần phóng đại rằng, ông thường lấy việc thi đấu với cọp làm thú tiêu khiển, đồng thời để luyện tập hoàn thiện các miếng võ. Ông bảo, đấu võ với cọp dễ lắm, cọp rất ghét màu đỏ, muốn đấu với nó chỉ cần bịt khăn đỏ lên đầu rồi kêu nó đến. Nhưng phải để ý miếng đòn “tiên hạ thủ vi cường” của cọp. Khi nó xuất hiện lập tức phóng ra tấn công liền. Khi cọp tấn công phải để ý cái đuôi, khi vồ bên phải thì đuôi nó quẹo qua bên trái và ngược lại. Còn nếu cọp có ý chụp thẳng vào mình thì đuôi nó duỗi thẳng ra. Không biết các miếng võ của nó khó lòng né tránh hay phản công lại.
Một hôm, ông vấn khăn đỏ lên đầu rồi ra bìa rừng chống côn, hét to mời cọp vào sân đấu võ. Gọi năm ba lần, bất ngờ con cọp rình sẵn đâu đó nhảy xổ ra quần thảo với ông. Sau vài miếng đánh, cọp rống lên một tiếng rồi bỏ chạy vào rừng. Bà con xung quanh nghe tiếng cọp rống bèn gọi nhau đốt đèn, xách lao ra trợ lực. Nhưng tại hiện trường, ông Thám vẫn còn đứng tấn ra oai, cách ông mấy bước là một vũng máu và một bàn chân cọp bị chém đứt lìa.
Ít lâu sau, con cọp bị thương quay lại tìm ông Thám trả thù. Bấy giờ tại một ngôi nhà gần đó có nuôi một đôi trâu, vốn là trâu rừng được thuần hóa, rất hung dữ. Trâu rừng cũng giúp được cho nhà nông cày ruộng, cộ lúa, nhưng thỉnh thoảng vẫn trở lại bản chất hoang dã, húc nhau với đồng loại. Buổi sáng nọ bỗng nhiên đôi trâu lồng lộn, phá chuồng dữ dội. Ông Thám quả quyết có chuyện không hay và suy đoán có thể con cọp trở lại nên hô hoán “cọp về” rồi thổi tù và báo động. Chủ nhà liền tháo niệt đôi trâu, chúng chạy biến vào rừng chỗ có con cọp đang rình. Mọi người đuổi theo la ó trợ oai. Còn cha con ông Thám thì thủ côn đứng gần xem trận chiến “độc hổ lưỡng ngưu”, chờ cơ hội ra tay. Chừng một canh giờ sau thì cọp mệt lả dưới sức tấn công của cặp trâu rừng. Cọp bị trâu hạ thủ một cách dễ dàng.
Khi mọi người xúm lại xem thì ra kẻ bại trận chính là con cọp cái có ba chân, một chân đã bị ông Thám chém đứt lìa trước đó. Dân làng bèn mổ thịt lấy da cọp và đem cái sọ vào miếu Dao Quang làm kỷ niệm. Hiện ở chùa Diêu Quang vẫn còn lưu giữ chiếc sọ cọp mà theo giai thoại đó chính là con cọp đã bị trâu giết.
Giai thoại trên phảng phất chuyện “Hổ tướng Huỳnh Tường Đức (tức Tiền quân Nguyễn Huỳnh Đức) khi mới 17 tuổi đã giỏi võ nghệ, giết được vô số cọp trừ hại cho dân lành. Xương thú dữ do ông giết chất đống như đống lúa. Một ngày nọ, khi đi săn cọp ở rừng đông, ông đã có duyên gặp Nguyễn Ánh và chúa đã chiêu dụ: “Ta thường nghe thiên hạ đồn rằng, ở phủ Gia Định, giồng Cái Én có người mạnh hơn cọp, gọi là Hổ tướng, có phải là ngươi chăng. Nếu phải thì theo ta dẹp giặc khôi phục sơn hà”.
Hoàng Phương - Ngọc Phan
>> “Lên chùa” với Lê Cát Trọng Lý
>> Ngôi chùa lâu đời nhất trên đảo Phú Quốc
Bình luận (0)